Những năm gần đây, Thành đoàn TP.Hồ Chí Minh luôn chú trọng đưa
nhiều đề tài, công trình có chất lượng tốt của sinh viên đến các sở,
ngành, doanh nghiệp, đẩy mạnh việc ứng dụng, chuyển giao các đề tài
nghiên cứu khoa học (NCKH) công nghệ của thanh niên vào cuộc sống; hỗ
trợ cho đoàn viên, thanh niên tiếp cận, tham gia nghiên cứu, sáng tạo
khoa học kỹ thuật, nhất là lĩnh vực công nghệ cao.
Bí thư Thành đoàn TP. Hồ Chí
Minh Lê Quốc Phong cho biết, Thành đoàn, Hội Sinh viên luôn xem phong
trào NCKH của đoàn viên, sinh viên là hoạt động không thể tách rời với
hoạt động chung của Thành đoàn và của các trường. Ðến nay, Thành đoàn TP
Hồ Chí Minh đã tổ chức được 14 lần "Giải thưởng sinh viên NCKH Eureka" -
là giải thưởng hằng năm có uy tín, được giới khoa học, các nhà quản lý
giáo dục đánh giá cao. Các cuộc thi Eureka đã nhận được hơn bảy nghìn đề
tài, công trình NCKH và nhiều đề tài, công trình mang tính thực tiễn
cao, đem lại hiệu quả thiết thực.
Việc những đề tài, công trình
đến được tận tay các đơn vị, doanh nghiệp, sở, ngành thể hiện vai trò
đầu mối tích cực, kết nối thành công của Trung tâm phát triển Khoa học
và Công nghệ trẻ thuộc Thành đoàn.
Hiện nay, nhiều khoa trong các
trường đại học: Bách khoa, Sư phạm kỹ thuật, Khoa học tự nhiên, Tôn Ðức
Thắng... đều có Câu lạc bộ (CLB) học thuật, lồng ghép, giải quyết một
số vấn đề khoa học mang tính ứng dụng cao. Tiêu biểu như CLB NCKH trẻ
của Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP
Hồ Chí Minh đã hoạt động
được tám năm. Nhiều đề tài, công trình nghiên cứu của sinh viên được
thực hiện tại CLB và kết nối giữa nhà trường với các đơn vị, doanh
nghiệp sản xuất, kinh doanh thông qua những nghiên cứu, chế tạo máy móc
theo đơn đặt hàng.
Hằng năm, Trường đại học Tôn Ðức Thắng đều cấp
kinh phí cho công tác NCKH và tổ chức hội nghị sinh viên NCKH, nhằm
đánh giá chất lượng, khuyến khích, khen thưởng những sinh viên có đề tài
hay, chất lượng cao và mang tính ứng dụng thiết thực. Trường đại học
Khoa học tự nhiên cũng là một trong những nơi coi trọng công tác NCKH
của sinh viên. Trường luôn tạo điều kiện vật chất, phòng thí nghiệm tốt
nhất cho sinh viên NCKH. Sự quan tâm của nhà trường tạo thêm động lực,
khuyến khích và thu hút ngày càng nhiều sinh viên tham gia NCKH.
Tính
ứng dụng thiết thực, tiết kiệm chi phí, phổ thông, dễ sử dụng được nhóm
sinh viên Trường đại học Tôn Ðức Thắng gồm: Quốc Nghị, Hoàng Nghiêm,
Yến Trinh ưu tiên đặt lên hàng đầu trong đề tài: "Nghiên cứu xây dựng mô
hình đơn giản xử lý nước sông Sài Gòn cho
các hộ gia đình nghèo"
của nhóm. Quốc Nghị cho biết, các vật liệu để thực hiện mô hình đều khá
dễ tìm như thùng nhựa, ống nước, van khóa, tấm la-phông... Quy trình xử
lý nước lại khá đơn giản: Nước lấy lên từ sông được cho lắng phèn trước
khi đổ vào bể lắng, sau đó nước vào bể lắng ngang rồi sang bể lọc (với
lớp cát và lớp đá) - cho ra sản phẩm sau cùng khá sạch, lọc hết tạp chất
mà chi phí lại rẻ.
Ðặng Thị Thu Hiền, sinh viên Khoa Mỹ thuật
công nghiệp, Trường đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh từ nhỏ khi đi ngoài
đường đã để ý người khuyết tật chân thì điều khiển xe lăn bằng tay. Vậy
người khuyết tật tay hoặc không cử động được tay muốn di chuyển thì
điều khiển xe như thế nào, bằng cách nào? Xuất phát từ câu hỏi này, Hiền
đã nghiên cứu và sáng chế ra chiếc xe có ba bánh, hai bánh trước gắn
bàn đạp để người dùng đạp xe di chuyển và bộ phận điều khiển cơ học cho
xe rẽ đặt ở dưới yên gắn với tựa lưng. Người dùng cử động lưng để bẻ
lái, nhích vai sang phải hoặc trái để điều khiển xe rẽ hướng tương ứng.
Công trình này đã đoạt giải nhất Eureka lần thứ 14. "Chiếc xe của Hiền"
có hình dáng khá thẩm mỹ; gọn nhẹ, cơ động, linh hoạt mà hiệu quả và có
tính ứng dụng cao. Cô gái nhỏ nhắn, cá tính này đặt tên chiếc xe của
mình là "Chim cánh cụt biết bay" để động viên, khích lệ những người
khuyết tật tay.
Tâm huyết với đề tài từ điều kiện thực tế quê
mình, kiến trúc sư trẻ quê ở miền trung Trương Ðức Luy đã thực hiện đề
tài: "Nhà lắp ghép vùng nông thôn bão lũ miền trung" được giải nhất tại
Eureka lần thứ 13. Luy tâm sự: "Tôi có nhiều năm sống trong cảnh lũ lụt
nên thấu hiểu và cảm thông người dân quê mình. Ðiều đó đã thôi thúc tôi
nghĩ ra những giải pháp mới để giúp người dân đỡ cơ cực hơn trong việc
chống chọi với bão, lũ". Công trình của Luy đưa ra ba nguyên tắc cơ bản
"Neo - Giằng - Liền khối" thường được sử dụng để phòng, chống gió bão;
khá linh hoạt trong việc sử dụng vật liệu xây dựng giúp cho căn nhà có
kết cấu chặt chẽ chống được bão, lũ; làm giảm giá thành, do sử dụng một
phần nguyên, vật liệu chính tại chỗ và có thể được nhân rộng cho nhiều
vùng khác có đặc điểm khí hậu tương tự.
Việc ứng dụng có hiệu quả
những công trình, đề tài NCKH của sinh viên trong những năm gần đây mang
lại tín hiệu tích cực nhưng vẫn chưa tạo hết điều kiện, động lực để lớp
trẻ cống hiến sức trẻ trong NCKH. Một số hạn chế của thực trạng trên là
do những thông tin về công trình, đề tài NCKH của sinh viên được giới
thiệu đến các đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu còn thiếu và chưa toàn
diện; các đơn vị sản xuất, kinh doanh tìm đến các nhà khoa học, viện
nghiên cứu là chính, chưa để ý đến các "sản phẩm, mặt hàng" của sinh
viên, do đó số lượng đơn vị "đặt hàng" trực tiếp còn ít. Mặt khác, một
số lượng không nhỏ đề tài NCKH của sinh viên có khả năng ứng dụng vào
thực tiễn thấp ngay từ khâu lựa chọn đề tài chưa sát với đòi hỏi của
cuộc sống. Kinh phí đầu tư cho nghiên cứu còn thấp, chủ yếu là của Nhà
nước, chưa huy động được nguồn lực đầu tư của các doanh nghiệp tư nhân./.
Nguyễn Đức Thắng (Nhân Dân)