Thứ Sáu, 20/9/2024
Ban Tuyên giáo Trung ương
Thứ Ba, 14/11/2017 20:54'(GMT+7)

Đẩy mạnh tuyên truyền về tình hình kinh tế - xã hội năm 2017

Đồng chí Lâm Thị Phương Thanh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Đồng chí Lâm Thị Phương Thanh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Đồng chí Lâm Thị Phương Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì Hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe đồng chí Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Học viện Ngoại giao) thông tin về những kết quả nổi bật của Tuần lễ cấp cao APEC 2017; kết quả Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc; dự báo tình hình Trung Quốc và quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong thời gian tới. Đồng chí Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thông tin chuyên đề "Chủ trương chuyển đổi mô hình phát triển bền vững ở đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu. Dự báo tình hình và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới". 

Phát biểu định hướng tuyên truyền trong thời gian tới, đồng chí Lâm Thị Phương Thanh đề nghị đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp như sau:

 Khi thông tin về những kết quả nổi bật của Tuần lễ cấp cao APEC 2017, cần nhấn mạnh một số điểm sau: 

Thứ nhất, sự có mặt đầy đủ của 21 nhà lãnh đạo các nền kinh tế thành viên tại APEC VIETNAM 2017, nhất là sự có mặt của nguyên thủ các quốc gia: Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Canada, Australia,…và lãnh đạo Tổ chức Thương mại Thế giới; Diễn đàn Kinh tế thế giới; cùng với hơn 2.000 doanh nghiệp trong nước và các CEO toàn cầu với những tên tuổi lớn, những hãng truyền thông lớn như BBC, CNN, Reuters, AP, AFP… đã cho thấy các tổ chức quốc tế, các nước lớn trên thế giới đặc biệt quan tâm và đánh giá cao ý nghĩa, tầm quan trọng của Diễn đàn APEC nói chung và Diễn đàn APEC VIETNAM 2017 nói riêng.

Thứ hai, bên lề Diễn đàn APEC VIETNAM 2017, hầu hết lãnh đạo các nền kinh tế lớn đã tổ chức nhiều cuộc gặp chính thức, không chính thức với các nước thành viên APEC, các nước tham gia TPP, Cộng đồng ASEAN, bàn thảo về nhiều vấn đề chính trị, kinh tế song phương, đa phương, nhất là về những vấn đề đang thu hút sự quan tâm của cả thế giới như, vấn đề: Phi hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên, chủ nghĩa khủng bố, vấn đề biến đổi khí hậu, tự do hóa thương mại… Điều đó cho thấy, APEC đã khẳng định vai trò không thể thiếu trong cấu trúc kinh tế toàn cầu, các sáng kiến kết nối, chuỗi giá trị và cung ứng toàn cầu ở khu vực, kiến tạo hòa bình, phát triển và thịnh vượng của châu Á - Thái Bình Dương, đã góp phần liên kết khu vực, góp phần vào hòa bình thịnh vượng chung của thế giới. 

Thứ ba, APEC VIETNAM 2017 có tầm quan trọng chiến lược cả về chính trị và kinh tế đối với nước ta. Tại Diễn đàn này, lãnh đạo các nền kinh tế thành viên đã đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao sáng kiến và ý tưởng của Việt Nam “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” với bốn ưu tiên của Năm APEC 2017: (1) Thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; (2) Đẩy mạnh liên kết kinh tế sâu rộng; (3) Nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số; (4) Tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Các ý tưởng và sáng kiến, đồng sáng kiến của Việt Nam trong năm APEC 2017 đã thúc đẩy hợp tác, liên kết, hợp tác và phát triển của APEC, tăng cường quan hệ giữa Việt Nam với các nền kinh tế thành viên.

Cần khẳng định, Việt Nam là thành viên có trách nhiệm của Liên Hợp quốc và các diễn đàn quốc tế. Việt Nam đã chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác đối ngoại đa phương, chủ động và tích cực đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương. Các cơ quan, đơn vị, các địa phương được giao nhiệm vụ phục vụ các hoạt động Năm APEC 2017, nhất là Đảng bộ và nhân dân thành phố Đà Nẵng đã làm hết sức mình, khắc phục nhanh hậu quả của cơn bão số 12 để Tuần lễ cấp cao APEC 2017 diễn ra trọng thị, an toàn và thành công tốt đẹp.

Về chuyên đề “Kết quả Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc; dự báo tình hình Trung Quốc và quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong thời gian tới”, cần tuyên truyền những thành công của Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc; nêu những thành tựu Trung Quốc đã đạt được trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, nêu một số tổng kết thực tiễn và phát hiện lý luận mới về kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc... 

 Về chuyên đề “Chủ trương chuyển đổi mô hình phát triển bền vững ở đồng bằng Sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu. Dự báo tình hình và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới”, cần nhấn mạnh, mặc dù chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, hạn mặn nhưng với sự nỗ lực của các địa phương, sự quan tâm của Trung ương, sự hợp tác, giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, đồng bằng Sông Cửu Long đã có bước phát triển tích cực, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế và an sinh xã hội.  Quan điểm, đường lối phát triển của Đảng về khu vực đồng bằng sông Cửu Long là rất rõ ràng; và tầm nhìn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long là kiến tạo phát triển bền vững, thịnh vượng, trên cơ sở làm cho đất và nước điều hòa để nâng cao đời sống của nhân dân. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cam kết với quyết tâm chính trị cao, kiến tạo cơ chế thuận lợi, huy động sự tham gia của mọi người dân của doanh nghiệp và các đối tác quốc tế; huy động nguồn lực cần thiết có thể để phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long. 

Bên cạnh đó, cần tuyên truyền về tình hình kinh tế - xã hội năm 2017, tập trung nêu bật những kết quả quan trọng phát triển kinh tế - xã hội theo Kết luận Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2017 và nhiệm vụ năm 2018. Nhấn mạnh, thời gian còn lại của năm 2017, các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp Chính phủ đã đề ra; không chủ quan trong chỉ đạo điều hành, nhất quán mục tiêu bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo mọi thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; chủ động phòng, chống thiên tai, bão lũ và chú trọng bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Tiếp tục tuyên truyền sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp và sự nỗ lực của người dân trong công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại một số tỉnh Bắc bộ, Bắc Trung bộ; đặc biệt, cần đẩy mạnh tuyên truyền khắc phục hậu quả cơn bão số 12 vừa qua, kêu gọi tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách của nhân dân cả nước, người Việt Nam ở nước ngoài ủng hộ đồng bào vùng bị thiệt hại do bão lũ.

Về tuyên truyền Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII), căn cứ Hướng dẫn tuyên truyền và Hướng dẫn việc tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) của Ban Tuyên giáo Trung ương, tuyên truyền sâu rộng nội dung các Nghị quyết tới cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; tham mưu cho cấp ủy tổ chức việc học tập, quán triệt và triển khai sâu rộng Nghị quyết, nhất là tới các đối tượng trong phạm vi điều chỉnh theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII). Trong quá trình tuyên truyền, tổ chức nghiên cứu, học tập, triển khai Nghị quyết, cần chú trọng nắm bắt tư tưởng cán bộ, đảng viên, dư luận xã hội.

Bên cạnh đó, cần tập trung tuyên truyền kết quả chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và các hoạt động đối ngoại quan trọng khác; tuyên truyền Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV…

Những tháng cuối năm, Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương tiếp tục tăng cường nắm bắt dư luận xã hội, tình hình tư tưởng cán bộ, đảng viên, nhân dân, báo cáo về Ban Tuyên giáo Trung ương; kịp thời tham mưu cho cấp ủy xử lý các tình huống phát sinh, góp phần ổn định chính trị, an ninh, trật tự trên địa bàn./.


Thu Hằng


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất