Góp phần tạo ra sự đồng thuận xã hội và định hướng các luồng dư luận xã hội tích cực
Báo cáo tại buổi gặp mặt, đồng chí Nguyễn Huy Cường, Phó Viện trưởng Viện Dư luận xã hội thông tin một số nét chính về hoạt động của Viện trong năm 2020.
Tuy bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhưng công tác dư luận xã hội vẫn có bước chuyển biến tích cực. Hoạt động của đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội từ cấp Trung ương đến cấp huyện tiếp tục được củng cố, kiện toàn. Mạng lưới cộng tác viên dư luận trong ngành tuyên giáo nói chung, đội ngũ Cộng tác viên dư luận xã hội cấp Trung ương nói riêng đã trở thành lực lượng quan trọng là kênh nắm bắt tập hợp, phản ánh và cung cấp thông tin chính thống, góp phần tạo sự đồng thuận xã hội và định hướng các luồng dư luận xã hội tích cực.
Trong năm qua, chất lượng nắm bắt, tổng hợp, phân tích, tham mưu, phản ánh tình hình dư luận xã hội tiếp tục có sự đổi mới, nêu cao trách nhiệm, tính chủ động kịp thời, trong đó nhiều nội dung có tính dự báo tốt, kiến nghị trúng, khách quan, sát thực với những vấn đề, sự kiện nóng mà dư luận quan tâm được Bộ Chính trị, Ban Bí thư và lãnh đạo Ban ghi nhận, đánh giá cao và coi đây là tài liệu tham khảo tin cậy trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền, định hướng dư luận có hiệu quả.
Trong năm 2020, Viện Dư luận xã hội đã xây dựng, phát hành 23 báo nhanh, báo cáo chuyên đề về tình hình dư luận xã hội. Trong đó, có 10 báo cáo nhanh gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Các báo cáo nhanh, báo cáo chuyên đề của Viện đã phân tích đúng, trúng, kịp thời những sự kiện lớn, những vẫn đề dư luận quan tâm, đồng thời có sự phân tích, dự báo, đề xuất, kiến nghị cụ thế, sát thực. Nhiều báo cáo nhận được phản hồi tích cực từ các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Lãnh đạo Ban và một số ban, bộ, ngành.
|
Viện Dư luận xã hội phối hợp chặt chẽ với ban tuyên giáo các địa phương, các cơ quan, đơn vị Trung ương tiến hành 10 cuộc điều tra, thăm dò dư luận xã hội (vượt tiến độ so với kế hoạch đầu năm). Các cuộc điều tra, thăm dò dư luận về cơ bản đã đáp ứng tốt yêu cầu chất lượng, tiến độ, đã góp phần cung cấp những số liệu định lượng cụ thể, khoa học, có giá trị đối với Đảng, Nhà nước, ngành Tuyên giáo.
Tại buổi gặp mặt, các đồng chí cộng tác viên dư luận xã hội cấp Trung ương đã có những trao đổi, chia sẻ với lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, lãnh đạo Viện Dư luận xã hội nhằm nâng cao công tác dư luận xã hội trong năm 2021 và thời gian tới.
Nhiệm vụ trọng tâm năm 2021
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, đồng chí Võ Văn Phuông, Phó Trưởng ban Thường trực, Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao trong nhiệm kỳ Đại hội XII, nhất là trong năm 2020, trước bối cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn và biến động, tác động của đại dịch COVID - 19, biến đổi khí hậu, thiên tai xảy ra liên tiếp… ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội, công tác dư luận xã hội trong đó có sự hoạt động tích cực của của đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội có sự khởi sắc và chuyển biến tích cực.
Đồng chí Võ Văn Phuông nhấn mạnh, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vừa qua đã thành công rất tốt đẹp, mang lại bầu không khí phấn khởi, niềm tin tưởng, ý chí, khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong toàn Đảng, toàn dân đúng thời điểm đất nước bước vào một mùa xuân mới. Tuy nhiên, năm 2021 và những năm tiếp theo, dự báo tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có nhiều thay đổi rất nhanh, phức tạp, khó lường. Đất nước ta, Đảng ta, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Cuộc cách mạng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo phát triển từng ngày, từng giờ; xu hướng cá nhân hóa thông tin ngày càng trở nên phổ biến trong xã hội; các thế lực thù địch không ngừng chống phá quyết liệt, bằng mọi hình thức, thủ đoạn.
“Thực tiễn đó đặt ra yêu cầu, đòi hỏi với công tác tuyên giáo của Đảng nói chung, công tác dư luận xã hội nói riêng phải đi trước mở đường, phải dự báo sớm, chính xác, làm chủ tình hình, định hướng dư luận xã hội tạo sự đồng thuận trong Đảng, sự thống nhất trong xã hội, vì mục tiêu chung đảm bảo giữ vững ổn định để phát triển đất nước.
Mỗi cộng tác viên dư luận xã hội phải trở thành “nhiệt kế” để đo được “nhiệt độ” xã hội, trở thành “các cột ăng ten” để nắm bắt tập hợp, phản ánh và cung cấp thông tin chính thống, góp phần tạo ra sự đồng thuận xã hội và định hướng các luồng dư luận xã hội tích cực.” – Đồng chí Võ Văn Phuông nhấn mạnh.
Trên tinh thần đó, đồng chí Võ Văn Phuông đề nghị công tác dư luận xã hội cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
Thứ nhất, công tác dư luận xã hội phải bám sát các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước; theo sát các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, anh ninh, quốc phòng, đối ngoại quan trọng của đất nước. Năm 2021 là năm đầu tiên trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng triển khai, thực hiện Nghị quyết của Đại hội, các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ; thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030… Công tác dư luận xã hội phải tập trung bám sát các sự kiện chính trị quan trọng này, chủ động, kịp thời nắm bắt, phân tích, phản ánh khách quan dư luận của các giai tầng xã hội; dự báo và đề xuất giải pháp khả thi nhằm cung cấp thông tin, định hướng dư luận xã hội, góp phần đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào thực tiễn cuộc sống.
Thứ hai, coi trọng chất lượng các sản phẩm nắm bắt, điều tra, nghiên cứu dư luận xã hội; đổi mới nội dung, phương thức nghiên cứu dư luận xã hội, đặc biệt coi trọng yêu cầu về mặt khoa học, tính chính xác, khách quan, toàn diện. Dư luận xã hội là một ngành khoa học, do đó, các sản phẩm nắm bắt, điều tra, nghiên cứu dư luận xã hội phải đặt yêu cầu khoa học, chính xác, khách quan, toàn diện lên hàng đầu. Không thể làm tốt công tác dư luận xã hội bằng chủ nghĩa kinh nghiệm thuần túy, dễ dẫn đến chủ quan, cảm tính, cũng như bằng chủ nghĩa thực tiễn mù quáng, dễ dẫn đến nóng vội, phiến diện. Trong bối cảnh đại dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp hiện nay, cần nhanh chóng đổi mới, đa dạng hóa các hình thức, phương pháp điều tra, thăm dò dư luận xã hội (qua các ứng dụng trên thiết bị di động, nền tảng mạng xã hội…). Đẩy nhanh việc áp dụng các kỹ thuật tiên tiến, công nghệ mới như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo… trong nắm bắt, nhận diện, phân tích, dự báo, định hướng các luồng dư luận trong các giai tầng xã hội.
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh việc củng cố, kiện toàn nâng cao chất lượng, hiệu quả của tổ chức, bộ máy làm công tác dư luận xã hội trong hệ thống tuyên giáo và đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội nhất là ở cấp Trung ương. Xây dựng đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội là những chuyên gia, người am hiểu sâu chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kiên định lập trường, gương mẫu và tích cực tuyên truyền, vận động thuyết phục nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Thứ tư, nâng cao năng lực định hướng dư luận xã hội, bám sát “hơi thở” của thực tiễn cuộc sống, phòng ngừa sự phá hoại, thâm nhập của các thông tin xấu độc và làm lớn mạnh dư luận tư tưởng chính thống. Nghiên cứu dư luận xã hội đang đứng trước thách thức mới, khi không gian trên mạng internet đang thu hút sự tham gia của 1/3 dân số thế giới và trong môi trường internet xuất hiện những phương thức truyền thông mới, chưa từng có trong lịch sử trước đây. Theo Tổ chức Liên minh viễn thông quốc tế (ITU), Việt Nam đứng thứ 3 tại Đông Nam Á, thứ 7 tại Châu Á và thứ 18 trên thế giới về số lượng người sử dụng internet. Với số lượng cộng tác viên dư luận xã hội các cấp như hiện nay, nếu cộng tác viên hằng ngày, thậm chí hằng giờ, ngoài việc nắm tình hình dư luận, chúng ta tích cực chia sẻ các thông tin chính thống, tích cực lên mạng xã hội, sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa không hề nhỏ. Công tác dư luận xã hội cần thâm nhập sâu, rộng vào môi trường mạng xã hội; cần chủ động xây dựng các đề tài, kịch bản cung cấp thông tin định hướng dư luận xã hội.
* Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, đồng chí Võ Văn Phuông đã tặng bằng khen cho 5 cộng tác viên dư luận xã hội cấp Trung ương có thành tích xuất sắc trong năm 2020.
Thu Hằng