Thứ Ba, 24/9/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 26/11/2008 8:4'(GMT+7)

Đẩy mạnh xuất khẩu vào EU: Cần nâng cao năng lực xúc tiến thương mại

Giầy dép là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào EU

Giầy dép là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào EU

Với việc là thành viên chính thức của WTO, cùng với quan hệ đối tác Việt Nam – EU ngày càng được củng cố phát triển, trong đó có quan hệ thương mại đang diễn ra rất khả quan, các chuyên gia Bộ Công Thương nhận định, xuất khẩu của Việt Nam năm 2008 vào EU sẽ đạt trên 10 tỷ USD, tăng khoảng trên 23,5% so với năm 2007; trong đó, các mặt hàng dệt may, thủy sản, cao su tự nhiên, đồ gỗ, cà phê, túi xách, thủ công mỹ nghệ, điện tử, vi tính, sản phẩm nhựa… vẫn sẽ là những mặt hàng có mức tăng trưởng xuất khẩu cao.

Tuy nhiên, EU vốn là thị trường khó tính bởi các yêu cầu về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như các rào cản kỹ thuật thương mại khác. Chính vì vậy, một số mặt hàng Việt Nam xuất khẩu vào EU hiện vẫn gặp không ít khó khăn, đặc biệt là nhóm hàng thủ công mỹ nghệ sản xuất bởi các cơ sở nhỏ không có sự kiểm tra chặt chẽ về tiêu chuẩn. Các mặt hàng xe đạp, giầy mũ da vẫn bị Ủy ban châu Âu (EC) áp thuế chống bán phá giá. Nhóm hàng nông sản, thực phẩm, thủy sản phải đối mặt với những rào cản kỹ thuật cao. Riêng nhóm hàng thực phẩm có nguồn gốc động vật như thịt lợn, thịt bò, gà… chưa xuất khẩu được vào EU vì Việt Nam chưa có cơ quan quản lý thú y nông nghiệp được EU công nhận. Bên cạnh đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào EU còn phải chịu sự cạnh tranh quyết liệt với các nước, nhất là với Trung Quốc.

Để đạt được mục tiêu xuất khẩu trên 10 tỷ USD vào EU trong năm 2008 và tiếp theo, Bộ Công Thương cho rằng, bên cạnh những mặt hàng đã có chỗ đứng tốt như dệt may, giày dép, nông thuỷ sản, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm gỗ..., cần phát triển các mặt hàng mới có triển vọng tăng kim ngạch như sản phẩm cơ khí, chế tạo (gia công), linh kiện vi tính và điện tử. Theo đó, phải đẩy mạnh khai thác các thị trường nhập khẩu chủ yếu của các nước thuộc EU, cần tích cực tiếp cận với thị trường các nước thành viên mới của EU như Lithuania, Cộng hòa Séc, Hungary, Ba Lan, Estonia... Muốn vậy, phải phát huy cao hiệu quả xúc tiến thương mại ở cả 3 cấp độ là nhà nước, hiệp hội và doanh nghiệp:

Thứ nhất, quan hệ thương mại Việt Nam – EU đang chuyển sang thời kỳ gắn liền với những chuyển biến kinh tế từ hai phía nên triển vọng và hiệu quả xuất khẩu vào EU phụ thuộc vào đường lối, chính sách và những định hướng dài hạn về phát triển thị trường, những phương sách cụ thể nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xâm nhập thị trường này cũng như việc lôi cuốn các doanh nghiệp EU vào thị trường Việt Nam. Vì vậy, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tăng cường các hoạt động thông tin về thị trường EU, áp dụng các biện pháp hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu vào EU, đặc biệt khuyến khích các mặt hàng có lợi thế là việc làm cần thiết. Nhà nước cần tăng cường các chính sách và chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ, triển lãm chuyên ngành, quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại thị trường EU.

Thứ hai, các hiệp hội ngành hàng cần nâng cao năng lực xúc tiến thương mại, hợp tác với các hiệp hội ngành hàng của các nước để làm cầu nối cho doanh nghiệp tìm hiểu thông tin thị trường, đối tác, thiết lập quan hệ bạn hàng với các nhà nhập khẩu, các doanh nghiệp EU.

Thứ ba, doanh nghiệp là nhân tố quyết định thắng lợi chiến lược xuất khẩu vào thị trường EU. Ngoài việc đẩy mạnh cải tiến sản xuất, áp dụng các tiêu chuẩn HACCP; ISO 9000; ISO 9002; ISO 14000… để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn về vệ sinh thực phẩm, môi trường và trách nhiệm xã hội, ông Vũ Thanh Sơn, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro, một doanh nghiệp có khá nhiều kinh nghiệm xuất khẩu hàng hóa vào EU) cho rằng, các doanh nghiệp cần lưu ý phân tích kỹ sức mua, thị hiếu, tính đa dạng cũng như phân khúc thị trường, dân số của các khu vực (các nước) ở EU nhằm đưa ra các mặt hàng phù hợp. Xuất khẩu vào EU trong bối cảnh Việt Nam đã gia nhập WTO không thể vẫn cứ theo kiểu nhỏ lẻ mà phải biết đáp ứng theo đòi hỏi của thị trường. Cần phải tích cực tiếp cận các thông tin thị trường, học hỏi kinh nghiệm của các nước và rút kinh nghiệm từ chính mình để tổ chức lại sản xuất. Doanh nghiệp phải biết chấp nhận và nâng cao khả năng thích ứng với các rào cản kỹ thuật cao của EU (vệ sinh an toàn thực phẩm, chống bán phá giá…), trên cơ sở đó có đối sách ứng phó kịp thời từ đầu để kiểm soát sản phẩm của mình tránh bị động. Phải nắm rõ các qui định liên quan của EU, đặc biệt coi trọng việc liên doanh, liên kết để nâng cao năng lực cạnh tranh./.

Việt Anh (Bộ Công thương)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất