Dù đã đạt được một số kết quả rõ nét, nhưng qua khảo sát cho thấy,
quá trình thực hiện Nghị quyết 42 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu đang còn một số vấn đề vướng mắc
về cơ chế, chính sách cần được tháo gỡ.
Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu được ban hành đã tạo khung pháp lý thuận lợi cho phép tổ chức, cá nhân được mua bán khoản nợ xấu trên thị trường thay vì chỉ cho phép các công ty có chức năng mua bán nợ như trước đây. Thay đổi căn bản này nhằm giúp huy động được nguồn lực xã hội tham gia vào xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn khi vẫn còn những vướng mắc khiến Việt Nam vẫn chưa thật sự có một thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp.
GIẢM TỶ LỆ NỢ XẤU NỘI BẢNG
Theo báo cáo mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), tính từ
năm 2012 đến tháng 3/2019, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã
xử lý được 907,33 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó riêng năm 2018 xử lý
được 163,14 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng
3/2019 là 2,02%. Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho Công ty
Quản lý tài sản của các TCTD (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành
nợ xấu của hệ thống TCTD đến tháng 3/2019 ở mức 5,88%, giảm mạnh so với
mức 10,08% cuối năm 2016 và mức 7,36% cuối năm 2017. Riêng về xử lý nợ
xấu theo Nghị quyết 42, lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 3/2019, toàn
hệ thống các TCTD đã xử lý được 227,86 nghìn tỷ đồng nợ xấu, bao gồm
xử lý nợ xấu nội bảng là 117,8 nghìn tỷ đồng.
Trong khi đó, báo cáo từ VAMC cũng cho thấy, đối với việc mua nợ bằng
trái phiếu đặc biệt, lũy kế từ 2013 đến tháng 3/2019, VAMC mua nợ xấu
đạt hơn 338,8 nghìn tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng, tương ứng với giá mua nợ
là hơn 307,5 nghìn tỷ đồng; mua nợ theo giá trị thị trường, lũy kế đến
tháng 3/2019, VAMC đã mua được 46 khoản nợ với dư nợ gốc đạt 5.882 tỷ
đồng và giá mua bán nợ đạt 5.960 tỷ đồng. Ngoài ra, cũng lũy kế từ năm
2013 đến tháng 3/2019, VAMC đã phối hợp các TCTD thu hồi nợ ước đạt hơn
120,5 nghìn tỷ đồng. Từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, kết quả thu hồi
nợ của VAMC trong năm 2017, 2018 ước đạt gần 67,9 nghìn tỷ đồng, gần
bằng 57% tổng giá trị thu hồi nợ lũy kế từ năm 2013 đến 2018.
Kết quả xử lý nợ xấu này cho thấy, khách hàng trả nợ có xu hướng tăng,
phần nào phản ánh ý thức trả nợ của khách hàng đã cải thiện khi các
TCTD, VAMC có quyền thu giữ tài sản bảo đảm (TSBĐ) theo Nghị quyết số
42.
CẦN PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG CHUYÊN NGHIỆP
Dù đã đạt được một số kết quả rõ nét, nhưng qua khảo sát cho thấy,
quá trình thực hiện Nghị quyết 42 đang còn một số vấn đề vướng mắc
về cơ chế, chính sách cần được tháo gỡ.
Trong báo cáo gửi Quốc hội mới đây, NHNN cũng đề cập tới những khó
khăn trong hoạt động xử lý nợ xấu. Trong đó nêu rõ: Việc xử lý nợ xấu
của các TCTD yếu kém gặp nhiều khó khăn do để xử lý dứt điểm nợ xấu, thu
hồi tài sản không sinh lời của các TCTD này đòi hỏi phải có cơ chế phân
bổ tổn thất, giảm nhẹ gánh nặng tài chính bằng chính sách phù hợp để
TCTD hấp thụ dần tổn thất, vượt qua được khó khăn. Bên cạnh đó, việc xử
lý, thu hồi nợ và TSBĐ của các ngân hàng mua bắt buộc khó khăn do phần
lớn TSBĐ cho các khoản nợ đều đang bị kê biên, liên quan đến các vụ án,
hồ sơ pháp lý chưa hoàn chỉnh.
Một giải pháp được kỳ vọng sẽ xử lý dứt điểm nợ xấu như mua bán nợ theo
giá thị trường cũng đang gặp không ít khó khăn. Trong đó, một vài khó
khăn trong việc phát triển thị trường mua, bán nợ đã được NHNN chỉ ra,
đó là xác định giá trị khoản nợ làm căn cứ để bên mua, bán nợ tham khảo.
Việc thẩm định giá khoản nợ đang được các tổ chức thẩm định giá thực
hiện chưa theo quy chuẩn thống nhất do có sự khác biệt về phương pháp,
tiêu chí định giá. Điều này gây khó khăn cho bên mua, bên bán khoản nợ
trong việc lựa chọn giá tham khảo phù hợp cho giao dịch mua, bán nợ. Sau
khi mua các khoản nợ, bên mua thực hiện quản lý, khai thác và vận hành
TSBĐ cũng như rủi ro thanh khoản liên quan tới các TSBĐ này. Tuy nhiên,
việc chuyển nhượng hoặc ủy thác quản lý các khoản nợ này còn khó khăn vì
chưa có thị trường nợ thứ cấp. Tương tự, hiện tại chưa có các hoạt động
phái sinh như nghiệp vụ chứng khoán hóa tài sản, chứng khoán hóa nợ
thường và nợ xấu. Điều này dẫn đến thanh khoản của các khoản nợ rất
thấp, làm giảm mức độ hấp dẫn của các khoản nợ đã mua.
Chuyên gia tài chính ngân hàng, TS. Trần Du Lịch cho biết, Việt Nam
hiện thiếu vắng một thị trường mua - bán nợ thật sự. Theo đó, dù tại
Điều 5, Nghị quyết 42 quy định TCTD được bán các khoản nợ xấu và TSBĐ
liên quan một cách công khai, minh bạch, theo quy định của pháp luật và
giá bán phù hợp giá thị trường, có thể cao hơn hoặc thấp hơn dư nợ gốc
của khoản nợ. Nhưng việc bán nợ vẫn tương đối hạn chế do các TCTD vẫn
chủ yếu bán nợ cho VAMC và DATC. Việc mua bán nợ giữa các TCTD với VAMC,
DATC vẫn diễn ra từ trước đến nay tuy nhiên chưa có hoạt động mua -
bán nợ giữa các TCTD với nhau và nhất là chưa có sự tham gia của các nhà
đầu tư tư nhân (kể cả các nhà đầu tư nước ngoài).
“Một phần do điều
kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ quá cao, đơn cử yêu cầu vốn điều lệ
ít nhất 100 tỷ đồng đối với cá nhân, tổ chức có nhu cầu kinh doanh dịch
vụ mua bán nợ và ít nhất 500 tỷ đồng đối với doanh nghiệp thành lập sàn
giao dịch nợ”, ông Trần Du Lịch nhấn mạnh.
Trước những bất cập nêu trên, nhằm tạo điều kiện triển khai có hiệu
quả Nghị quyết 42 và Đề án 1058 cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ
xấu giai đoạn 2016-2020, NHNN đã đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ
tiếp tục chỉ đạo sát sao quá trình triển khai nhiệm vụ cơ cấu lại hệ
thống các TCTD, nhất là đối với các đề xuất của NHNN về phương án xử lý
các TCTD yếu kém. Đồng thời, chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp
chặt chẽ và tham gia hỗ trợ tích cực cho quá trình cơ cấu lại, xử lý nợ
xấu của các TCTD.
Để bảo đảm Nghị quyết 42 được triển khai có hiệu quả,
NHNN cũng kiến nghị Quốc hội xem xét, chỉ đạo Tòa án nhân dân tối cao
sớm có văn bản gửi tòa án các địa phương yêu cầu các đơn vị này ưu tiên
áp dụng các thủ tục rút gọn được quy định tại Nghị quyết số
03/2018/NQ-HĐTP khi giải quyết các vụ án liên quan đến xử lý nợ xấu.
Theo đó, có thể tiến hành xét xử điểm một vụ án theo thủ tục rút gọn.
Trên cơ sở đó, rút kinh nghiệm để triển khai nhân rộng trong toàn hệ
thống ngành tòa án và bổ sung xây dựng cơ chế chính sách được hoàn chỉnh
hơn./.
Thông tin về hàng hóa trên thị trường còn thiếu tính minh bạch và bất
cập. Hiện nay, nguồn cung hàng hóa cho thị trường sơ cấp và thị trường
thứ cấp về nợ xấu chủ yếu từ các TCTD. Tuy nhiên, số liệu nợ xấu của các
TCTD hiện chỉ được báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước. Việc tiếp cận
số liệu là rất khó khăn.
Nguyễn Tiến Đông
Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC
|
Hồng Anh (nhandan.com.vn)