Hội thảo “Xã hội không dùng tiền mặt - Chính sách và thực tiễn” đã ghi nhận nhiều đề xuất khá tập trung về việc nhanh chóng hoàn thiện cơ sở dữ liệu dân cư, ra chuẩn chung cho QR code, chuẩn hóa hệ thống công nghệ thông tin, hệ thống dữ liệu của các cơ quan tham gia giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt.
Hội thảo diễn ra ngày 11/6 tại TP. Hồ Chí Minh, do Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) và
Báo Tuổi trẻ TP. Hồ Chí Minh tổ chức. Tham dự của Phó Thủ tướng
Vương Đình Huệ, cùng Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng
Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng,
Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong và rất nhiều doanh nghiệp hoạt
động trong các lĩnh vực công nghệ, dịch vụ... trên cả nước.
TỈ LỆ DÙNG TIỀN MẶT CAO, KHÔNG CHỈ DO NHẬN THỨC
Không thể phủ nhận sự phát triển như vũ
bão của công nghệ các năm qua đã khiến bức tranh thanh toán không dùng
tiền mặt (TTKDTM) trở nên đa sắc hơn khi hàng loạt loại hình thanh toán
mới và hiện đại nhanh chóng được nhân rộng, đặc biệt là tại các đô thị
lớn. Có thể kể đến như ví điện tử, thẻ không tiếp xúc, thẻ sử dụng công
nghệ sinh trắc học, QR Code, POS di động, mã hóa thông tin thẻ…
Cùng với dịch vụ ngân hàng điện tử đã có
mặt ngót 2 thập kỷ, các loại hình TTKDTM lẫn hạ tầng của các đơn vị
cung ứng dịch vụ này tại Việt Nam có thể nói không hề thua kém các nước
phát triển là bao.
Khảo sát của PwC đối với 27 nước đã ghi
nhận Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động
trong năm 2018 với tỉ lệ người tiêu dùng thanh toán di động ở Việt Nam
đã tăng từ 37% lên 61%. Thế nhưng tính chung, tỉ lệ TTKDTM trên tổng
phương tiện thanh toán đến nay mới đạt được 14% - còn cách rất xa nếu so
với “con hổ châu Á” Hàn Quốc, nơi mà tỉ lệ TTKDTM đã lên tới hơn 80%.
Thực tế ghi nhận tại một trong những hệ
thống siêu thị lớn nhất Việt Nam là Saigon Co.op cũng cho thấy sau khi
trừ đi các kênh thanh toán online thì tỉ lệ TTKDTM cũng mới chỉ xấp xỉ
3%.
Tương tự, ngay ở kênh thương mại điện tử
Shopee - nơi lượng khách hàng dưới 35 tuổi chiếm áp đảo - thì tỉ trọng
TTKDTM trên tổng giá trị thanh toán vẫn thấp. Trong số 7 nước mà nhà bán
lẻ này đang hoạt động thì tỉ lệ thanh toán bằng tiền mặt tại Việt Nam
là cao nhất. Tại doanh nghiệp này, cho dù tất cả công tác hành chính đều
được điện tử hóa nhưng khâu quan trọng nhất là thu tiền hàng vẫn cần hệ
thống nhân lực rất lớn.
Những con số trên cho thấy sự tiếp cận
và hào hứng với các hình thức TTKDTM chưa thực sự “chạm” đến đông đảo
công chúng. Vì sao một nền tảng dân số trẻ, được đánh giá là rất nhạy
bén với công nghệ lại vẫn không ưu tiên chọn lựa cách thanh toán hiện
đại? Có đơn giản là do nhận thức của người tiêu dùng còn hạn chế như
nhiều giải thích lâu nay?
Theo ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc Điều
hành mạng bán lẻ Shopee Việt Nam, qua quan sát hành vi tiêu dùng của
hàng nghìn người trẻ từng sinh sống, công tác, du lịch cả trong và ngoài
nước, có thể thấy trải nghiệm không dùng tiền mặt ở Việt Nam chưa thực
sự thuận lợi như sử dụng tiền mặt. “Ví dụ, để kích hoạt thành công một
ví điện tử hiện cần 18 bước và khi đang thao tác thì có thể bị rớt mạng
bất cứ lúc nào. Trong khi đó, với một người trẻ, nếu ứng dụng nào yêu
cầu người dùng phải trải qua 3 bước trở lên thì nguy cơ họ từ bỏ dịch vụ
là rất cao”, nhà điều hành trang thương mại điện tử nhận định.
Thực tế còn cho thấy các liên minh, đối
soát hoàn trả tiền cho giao dịch không thành công cũng vẫn đang còn
vướng mắc. Điều này khiến khách hàng cảm thấy rủi ro khi TTKDTM cho sản
phẩm/dịch vụ mà mình mua sắm.
CẦN CHUẨN HÓA VỀ KẾT NỐI VÀ CƠ SỞ DỮ LIỆU
Để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền
mặt và thực sự tạo ra cú hích ban đầu cho xã hội, bên cạnh chuyện hiện
thực hóa kênh thanh toán hiện đại như Mobile Money, theo người đại diện
nhà bán lẻ Saigon Co.op - quyền Tổng Giám đốc Nguyễn Anh Đức - thì cần
có thêm chính sách hấp dẫn người tiêu dùng/người thanh toán, có thể là
các chính sách về thuế, phí. Ngoài ra, chuẩn chung về kết nối kỹ thuật
giữa các trung gian thanh toán hoặc ngân hàng cũng cần được thống nhất.
“Ví điện tử hiện có tới 29 đơn vị đầu mối, mà mỗi đơn vị lại có một
chuẩn riêng nên việc kết nối với các cơ sở hạ tầng của nhà bán lẻ cũng
có khó khăn”.
Trong một bức xúc tương tự về sự khác
biệt trong tổ chức dữ liệu giữa ngành hải quan và ngân hàng, ông Đinh
Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cho rằng, hiện vẫn còn hạn chế
trong tự động hóa dữ liệu giữa bộ tờ khai hải quan với ngân hàng.
“Ngành hải quan và ngân hàng cần phối hợp xây dựng phần mềm tự động hóa
vì nhiều doanh nghiệp có lượng tờ khai hải quan rất lớn”.
Cùng chung nhu cầu về việc được tiếp cận
hệ cơ sở dữ liệu đã được chuẩn hóa, Phó Tổng Giám đốc Sacombank Nguyễn
Minh Tâm cũng mong muốn các cơ quan chức năng cần sớm hoàn thiện cơ sở
dữ liệu dân cư tập trung để hỗ trợ ngành ngân hàng trong kết nối-định
danh khách hàng (KYC) khi cho mở tài khoản trực tuyến. “Điều này cùng
với quy trình KYC sẽ giúp người dân vùng sâu, vùng xa tiếp cận dịch vụ
TTKDTM qua các ứng dụng nhanh chóng hơn”.
Từ góc độ của thanh toán dịch vụ công,
Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) Phạm Tiến Dũng cũng đồng
tình rằng nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ công chưa có quy trình nghiệp vụ
công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu khách hàng đầy đủ, chính xác nên
kết nối với ngân hàng để nhận TTKDTM gặp vướng mắc. “Và cũng cần cơ chế
tài chính để các đơn vị cung ứng dịch vụ công- nhận thanh toán không
dùng tiền mặt- được trả phí để bù đắp chi phí vận hành hệ thống”.
Kết luận tại Hội nghị, Phó Thủ tướng
Vương Đình Huệ cho rằng đúng là đã tới lúc “phải chuẩn hóa hệ thống QR
Code, chuẩn hóa hệ thống công nghệ thông tin của các cơ quan, đơn vị
cung ứng dịch vụ công gồm hành chính công, dịch vụ công và dịch vụ công
ích”. Những chính sách liên quan đến phí trong TTKDTM phải được cơ cấu
hài hòa cho cả ngân hàng, trung gian thanh toán, công ty công nghệ lẫn
người sử dụng.
Người đại diện Chính phủ cũng khuyến
nghị các DN tham gia xây dựng môi trường TTKDTM rằng “ngay từ đầu đừng
nghĩ tới vấn đề lợi nhuận, lợi nhuận sẽ đến trong tương lai, bởi một khi
thanh toán không dùng tiền mặt phát triển thì tốc độ sẽ theo cấp số
nhân”.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đặt
mục tiêu đưa tỉ lệ TTKDTM hiện nay (14%) lên hơn 33% trong 3 năm tới và
trong thời gian sớm nhất có thể lên tới 50%.
Phương Hiền (VGP)