Thứ Bảy, 21/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Ba, 19/3/2013 10:51'(GMT+7)

ĐBQH thành phố Hà Nội góp ý sửa đổi Hiến pháp

Chiều 18/3, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, tập trung vào các nội dung đặc biệt là Chương V: Quốc hội và Chương IX: Chính quyền địa phương.

Nhiều đại biểu đã bày tỏ sự nhất trí cao với sự cần thiết phải sửa đổi Hiến pháp 1992. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được chuẩn bị công phu, nghiêm túc có nhiều điều mới, nhiều nội dung bổ sung cho Hiến pháp 1992, trong đó những nguyện vọng chính đáng của nhân dân đã được quan tâm và đã thể chế hóa nhiều nội dung quan trọng trong Cương lĩnh xây dựng đất nước đã được thông qua tại Đại hội lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Dự thảo sửa đổi lần này đã thể hiện rõ tinh thần đổi mới một cách đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đảm bảo tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; xây dựng và bảo vệ đất nước; tích cực và chủ động hội nhập Quốc tế.

Đóng góp ý kiến cho Chương V: Quốc hội của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, ông Nguyễn Văn Hòa, Trưởng phòng công tác Đại biểu Quốc hội cho rằng các Điều 80 và 81 của Dự thảo quy định Chủ tịch Hội đồng Dân tộc và Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội do Quốc hội bầu; các Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc và các Ủy viên Hội đồng Dân tộc, Phó Chủ nhiệm và các Ủy viên Ủy ban do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn. Tại Điều 75 về nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội đã ghi rõ chức năng này, nhưng Điều 79 của Dự thảo quy định nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội lại không đề cập đến việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nhiệm vụ phê chuẩn Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, các Ủy viên của Hội đồng Dân tộc, các Phó Chủ nhiệm và Ủy viên các Ủy ban của Quốc hội.

Ông Hòa đề nghị bổ sung: “Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nhiệm vụ phê chuẩn Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, các ủy viên của Hội đồng Dân tộc, các Phó Chủ nhiệm và Ủy viên các Ủy ban của Quốc hội” vào Điều 79.

Quy định tại Khoản 2, Điều 115 “Việc thành lập Hội đồng nhân dân, Ủy ban Nhân dân... phân cấp quản lý" và Khoản 2, Điều 116 quy định Ủy ban Nhân dân là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân nhưng lại không quy định Ủy ban Nhân dân do Hội đồng Nhân dân bầu như Điều 123 Hiến pháp 1992. Điều này khá mở, tạo sự linh hoạt khi xây dựng tổ chức, bộ máy chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị sớm có đánh giá, tổng kết việc thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân ở quận, huyện, phường để có những quyết định phù hợp trong Hiến pháp sửa đổi lần này.

Mặt khác, để có cơ sở xây dựng Luật tổ chức và hoạt động của Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân sau này, đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung “Trong trường hợp cần thiết Hội đồng Nhân dân thành lập Ban lâm thời để điều tra về một vấn đề nhất định ở địa phương”, vào cuối Khoản 1, Điều 116; đồng thời bổ sung 1 khổ trong Khoản 1 “Nhà nước đảm bảo các điều kiện để Hội đồng Nhân dân thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Luật.”

Ông Nguyễn Dũng Văn, Phòng công tác Hội đồng Nhân dân đề nghị, về tổ chức Chính quyền địa phương, Khoản 2, Điều 115 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã tạo cơ sở cho việc đổi mới chính quyền địa phương. Dự thảo không quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cấp chính quyền địa phương trong Hiến pháp mà giao cho Luật quy định, thể hiện sự đổi mới tư duy về tổ chức chính quyền địa phương, các đơn vị hành chính không nhất thiết là có đầy đủ 2 chủ thể. Ở các đơn vị hành chính không tổ chức Hội đồng nhân dân thì chỉ còn là một cấp hành chính hoặc một cơ quan hành chính đại diện, sẽ áp dụng cơ chế bổ nhiệm đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thay cho cơ chế bầu cử kết hợp phê chuẩn như hiện nay.

Ông Văn cũng đề nghị bổ sung trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 quy định về chính quyền nông thôn và chính quyền đô thị. Trong Dự thảo chưa phân biệt sự khác nhau về vị trí, tổ chức, chức năng giữa các đơn vị hành chính cơ bản là tỉnh, thành phố, xã với đơn vị hành chính trung gian là huyện, quận, phường dẫn đến tình trạng chức năng và hình thức hoạt động của Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân đô thị và nông thôn được áp dụng giống nhau cho tất cả các cấp hành chính. Điều này chưa phù hợp với điều kiện kinh tế, địa lý, dân cư, kết cấu hạ tầng, đặc điểm và yêu cầu quản lý của các đơn vị hành chính ở các cấp, chưa tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội.

Trong Dự thảo cũng nên khẳng định tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương. Thực hiện phân cấp quản lý là sự chuyển giao quyền quyết định trong hoạt động quản lý hành chính Nhà nước từ Trung ương, chính quyền cấp trên xuống địa phương, các cơ quan, chính quyền cấp dưới. Các nội dung phân cấp Hiến pháp nên quy định một cách khái quát. Chính quyền địa phương hoặc cấp hành chính được bảo đảm tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc quyết định và tổ chức thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn trong phạm vi được phân cấp.

Ngoài ra, đại biểu cho rằng nên gộp Điều 117 và Điều 118 thành một vì hai điều này đều có nội dung quy định địa vị pháp lý, nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Hội đồng Nhân dân và nên viết gọn lại./.

TTX
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất