Thứ Ba, 1/10/2024
Môi trường
Thứ Năm, 5/3/2009 14:31'(GMT+7)

Đặt con người làm trung tâm để bảo tồn rừng

Đó là phát biểu của ông Hà Công Tuấn, Cục trưởng Cục Kiểm lâm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong hội thảo quốc gia “Gắn kết bảo vệ rừng, phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo - Các vấn đề và hướng tiếp cận tại Việt Nam” khai mạc ngày 4-3 tại Hà Nội.

Ông Tuấn cho biết, diện tích rừng của Việt Nam đã tăng từ 12 triệu ha lên gần 13 triệu ha, trong đó có 10,4 triệu ha rừng tự nhiên, và 2,55 triệu ha rừng trồng. Việc tăng được 0,5% độ che phủ quốc gia về rừng là một cố gắng lớn của Việt Nam với sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế.

Địa bàn gần 13 triệu ha rừng này, đang gắn chặt chẽ với đời sống của 20 triệu người dân, và hầu hết những người dân ở đây đang gặp rất nhiều khó khăn, phải làm thế nào để từng bước xóa đói giảm nghèo, vươn lên có đời sống cao hơn.

Số liệu cho thấy 85% khu bảo tồn nằm trong khu vực có tỷ lệ đói nghèo cao và trung bình. Chính phủ Việt Nam đã nhấn mạnh mối quan hệ chặt chẽ giữa xóa đói giảm nghèo và bảo tồn rừng, bằng việc đặt kế hoạch sẽ giảm tỷ lệ nghèo của toàn quốc xuống dưới 40% và phục hồi tỷ lệ che phủ rừng tới 43% vào năm 2010.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hứa Đức Nhị cho biết, để giải quyết những vấn đề bức xúc về bảo tồn rừng, cần một hệ thống những giải pháp gồm cả tuyên truyền nhận thức, vừa duy trì pháp luật về rừng, vừa bảo đảm lợi ích kinh tế trực tiếp cho những người làm nghề rừng.

Ông kể ra một số chính sách như: trong chính sách với 61 huyện nghèo, Chính phủ đã thực hiện việc giao khoán toàn bộ diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và diện tích rừng sản xuất là rừng giàu và trung bình nhưng đang đóng cửa rừng trong các huyện nghèo với mức khoán bảo vệ rừng nâng lên đến 200 nghìn đồng/ha.

Nhằm đáp ứng lợi ích người bảo vệ rừng và những người làm nghề rừng do lợi ích to lớn về môi trường và các dịch vụ xã hội khác do rừng tạo ra, Thứ trưởng cho biết, theo đề nghị của Bộ, Thủ tướng đã quyết định triển khai thí điểm chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Hiện nay chính sách này đang được triển khai tại Lâm Đồng và Sơn La.

Hội thảo diễn ra ba ngày, do Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổ chức nghiên cứu Nông lâm thế giới (ICRAF), Trung tâm nghiên cứu Lâm nghiệp quốc tế (CIFOR) và Đối tác hỗ trợ ngành lâm nghiệp (FSSP) tổ chức, hội tụ những nhà quản lý, chuyên gia trong nước và thế giới về lĩnh vực bảo tồn và phát triển rừng nhằm trao đổi kinh nghiệm về những phương thức tiếp cận mới./.

(Theo Nhân Dân điện tử)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất