Thứ Ba, 1/10/2024
Môi trường
Thứ Năm, 26/2/2009 15:56'(GMT+7)

Quản lý rác thải- Bài toán cho phát triển đô thị

Mặc dù các hạn chế hay thiếu thụt trong quản lý rác thải là một trong những trở ngại rất lớn cho sự phát triển kinh tế xã hội, nhưng vấn đề này vẫn chưa được đánh giá đúng mức”, bà Karin Kortmann, Quốc Vụ khanh Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Liên bang Đức nhấn mạnh tại Diễn đàn Phát triển Đô thị bền vững khai mạc vào sáng nay (26/2), tại Hà Nội. Diễn đàn do Bộ Hợp tác và Phát triển kinh tế Liên bang Đức cùng Bộ Xây dựng Việt Nam tổ chức, nhằm nhìn nhận rõ hơn các vấn đề trong lĩnh vực nước thải, rác thải đô thị và xác định các hành động ưu tiên.

“20 năm trước, sông Reine ở thành phố quê hương tôi-Dusseldorf (Đức) bị ô nhiễm đến mức bị cho là đầy hoá chất và giết chết sự sống. Ngày nay, thậm chí các đàn cá hồi cũng đã quay trở về và đôi khi có người xuống tắm! Thành công chỉ có thể đến nếu tất cả các bên tham gia đều thống nhất đi cùng một hướng”-Karin Kortmann

Tại Diễn đàn, bà Kortmann bày tỏ sự khâm phục đối với Việt Nam khi trở thành một trong những “tấm gương sáng trong thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ”, đồng thời khẳng định “Việt Nam đã tiến xa hơn các mục tiêu của Liên Hợp Quốc, đưa ra và thực hiện tốt các Mục tiêu Phát triển riêng”.

Tuy nhiên, bà Kortmann cảnh báo, Việt Nam đang phải gánh chịu hậu quả từ những yếu kém trong quản lý nước thải và chất thải rắn. Đây được coi là một thách thức lớn đối với Việt Nam trong việc bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là trong việc thực hiện mục tiêu vào năm 2010, tất cả các thành phố lớn đều có hệ thống quản lý nước thải và các khu công nghiệp có công trình xử lý nước thải riêng.

Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cũng thừa nhận, mặc dù đã được Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương quan tâm hơn, nhưng công tác phát triển các hệ thống thoát nước, xử lý nước thải và quản lý chất thải rắn tại đô thị và khu công nghiệp ở Việt Nam vẫn còn rất nhiều bất cập. Các Nghị định đã được Chính phủ ban hành song việc triển khai thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Bộ trưởng cũng khẳng định, môi trường đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật vẫn còn ở mức thấp, chưa đáp ứng kịp so với yêu cầu, nhất là đối với lĩnh vực thoát nước và xử lý chất thải rắn.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân, trước hết là do chúng ta chưa có quy hoạch, kế hoạch phát triển đồng bộ, thiếu sự phối hợp chung trong đầu tư xây dựng và quản lý vận hành, chưa huy động tốt các nguồn lực trong xã hội cùng tham gia, đặc biệt là việc huy động nguồn vốn và tổ chức quản lý còn nhiều yếu kém.

Bênh cạnh đó, sức ép của quá trình đô thị hoá, gia tăng dân số, di dân tập trung cao tại các đô thị lớn đã gây tình trạng quá tải về hạ tầng kỹ thuật. Trong khi đó, cơ chế chính sách phát triển chậm đổi mới, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu, chưa đồng bộ, chưa có tính pháp lý cao để thống nhất quản lý nhà nước về lĩnh vực thoát nước và vệ sinh môi trường.

Ông Nguyễn Hồng Quân cũng nhấn mạnh, không phải một ngành, một cấp chính quyền nào có thể giải quyết được vấn đề môi trường, mà cần có sự phối hợp đa ngành, xuyên suốt từ trung ương đến địa phương các cấp, sự tham gia của tất cả các tổ chức, cá nhân. “Có như vậy, chúng ta mới đảm bảo sự bền vững của môi trường trong phát triển đô thị tại Việt Nam”./.

Các hoạt động hợp tác phát triển giữa Đức và Việt Nam trong lĩnh vực trọng tâm là nước thải, rác thải được tích cực triển khai từ năm. Đến nay, đóng góp của phía Đức lên đến gần 150 triệu Euro, bao gồm cả việc xây dựng hệ thống thoát nước và nhà máy xử lý nước thải ở 9 tỉnh, thành phố cũng như xây dựng 2 khu tập kết rác thải tại Việt Nam./.

 VOVNews

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất