Thứ Bảy, 23/11/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 26/4/2013 21:35'(GMT+7)

Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng

TS. Nguyễn Đình Cung giới thiệu Đề án (Ảnh: Thu Hằng)

TS. Nguyễn Đình Cung giới thiệu Đề án (Ảnh: Thu Hằng)

Ngày 19/2, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013-2020. Ngày 26/4, TS. Nguyễn Đình Cung – Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã giới thiệu tóm tắt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Mục tiêu tổng thể của Đề án là đến năm 2020 cơ bản hình thành mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, đảm bảo chất lượng tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Mục tiêu cụ thể  của Đề án là (1)hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo lập hệ thống đòn bẩy khuyến khích hợp lý, ổn định và dài hạn theo cơ chế thị trường thúc đẩy phân bố hợp lý, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm các nguồn lực xã hội, nâng cao năng suất lao động, năng suất các yếu tố tổng hợp và năng lực cạnh tranh; (2) Hình thành và phát triển cơ cấu kinh tế hợp lý trên cơ sở cải thiện, nâng cấp trình độ phát triển các ngành, lĩnh vực, vùng kinh tế, phát triển các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, tạo tra giá trị gia tăng cao để từng bước thay thế các ngành công nghệ thấp, giá trị gia tăng thấp, trở thành các ngành kinh tế chủ lực; (3) Củng cố, phát huy nội lực, chủ động hội nhập quốc tế và củng cố vị thế quốc gia trên trường quốc tế, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Để đạt được mục tiêu đó, Đề án đã đưa ra mười nhóm giải pháp. Đó là:

- Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải thiện và nâng cao năng lực, cạnh tranh của môi trường kinh doanh quốc gia.

- Nâng cao chất lượng quy hoạch, gắn chiến lược với quy hoạch, kế hoạch, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với quy hoạch.

- Đổi mới cơ chế, chính sách huy động, phân bổ, sử dụng vốn đầu tư.

- Tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, trọng tâm là các ngân hàng thương mại.

- Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, nâng cao chất lượng doanh nghiệp tư nhân.

- Thực hiện hiệu quả các chương trình đồng bộ hỗ trợ phát triển các cụm sản xuất liên ngành, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu, nâng cao hiệu quả và liên kết giữa các ngành, lĩnh vực, vùng kinh tế.

- Phát triển nông nghiệp theo hướng tăng quy mô, hiện đại, nâng cao chất lượng, giá trị giá tăng và bền vững với kết hợp với xây dựng nông thôn mới.

- Phát huy lợi thế của từng vùng, chuyển đổi và hình thành cơ cấu vùng kinh tế hợp lý, đa dạng về ngành, nghề và trình độ phát triển.

- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tạo điều kiện thuận lợi cho tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

- Phát triển khoa học và công nghệ, thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Về tổ chức thực hiện, sẽ thành lập Ban Chỉ đạo, xây dựng chương trình đề án, xác định các nhiệm vụ trọng tâm 2013-2015. Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm thẩm tra, thẩm định, đảm bảo chất lượng đúng với mục tiêu, quan điểm, định hướng và yêu cầu tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Bộ Kế hoạch Đầu tư là cơ quan trực tiếp tham mưu cho Chính phủ trong phối hợp, chỉ đạo, kiểm tra và giám sát triển khai Đề án Tổng thể tái cơ cấu kinh tế.

Trao đổi với các phóng viên báo chí, TS.Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh Đề án sẽ tạo động lực mới, khắc phục thị trường ảm đạm hiện nay. Quá trình cổ phần hóa các công ty sẽ được đẩy nhanh hơn, yêu cầu các công ty nâng cao năng lực quản trị, cải cách quản trị. Lâu nay chúng ta vẫn cạnh tranh nhờ chi phí thấp.  Hiện nay, phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cạnh tranh nhờ nâng cao năng suất, sử dụng hiệu quả nguồn lực và năng suất lao động.

Trả lời câu hỏi về nguồn kinh phí thực hiện Đề án, TS. Nguyễn Đình Cung khẳng định quan trọng không phải nguồn kinh phí, mà điều quan trọng chính là đề án phải “thiết kế” được động lực mới làm cho nguồn lực phân bố lại đạt hiệu quả. Trong quá trình điều chỉnh đó, có thể phát sinh một số nhóm bị tác động (một số lao động mất việc, một số phải chuyển việc). Những chi phí đó phải tính toán trong những đề án tái cơ cấu tập đoàn và tổng công ty nhà nước.

Bảo Châu



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất