Thứ Hai, 23/9/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 5/12/2008 21:49'(GMT+7)

Đề án Xây dựng thị trường phát điện cạnh tranh tại Việt Nam:Chuyển từ độc quyền nhỏ sang độc quyền lớn?

Nhà máy thuỷ điện Sơn La nằm trong mục tiêu chiến lược của EVN

Nhà máy thuỷ điện Sơn La nằm trong mục tiêu chiến lược của EVN

 

Mới đây, Bộ Công Thương đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án Xây dựng thị trường phát điện cạnh tranh tại Việt Nam và kế hoạch chuyển đổi.

Sẽ chào giá theo chi phí

Theo Bộ Công Thương, trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá toàn diện tình hình thực tế ngành điện Việt Nam, mục tiêu và khả năng thực hiện phát triển thị trường điện, hệ thống cơ sở pháp lý cho phép, với sự hỗ trợ trực tiếp của tư vấn quốc tế và sự tham gia góp ý của WB, ADB v.v… mô hình được lựa chọn để kiến nghị thực hiện cho giai đoạn thị trường phát điện cạnh tranh chính thức tại Việt Nam là mô hình thị trường chào giá theo chi phí - Cost-based pool (CBP).

Theo mô hình này, tất cả các nhà máy điện có công suất ≥ 30MW phải tham gia chào giá trên thị trường để được lập lịch huy động, trừ các nhà máy điện BOT có hợp đồng bao tiêu nhiều năm. Các đơn vị phát điện sẽ ký hợp đồng mua bán điện với đơn vị mua duy nhất theo hợp đồng mua bán điện mẫu được ban hành. Mỗi loại nhà máy điện (nhiệt điện, thuỷ điện, thuỷ điện đa mục tiêu, BOT) sẽ phải chào giá lên thị trường ngày tới theo những quy tắc khác nhau với các mức giá trần và giá sàn khác nhau nhằm tránh tăng giá đột biến trong thị trường.

Bộ Công Thương cho rằng, mô hình này sẽ đảm bảo cung cấp điện ổn định không gây ra những đột biến tăng giá điện; giảm thiểu được rủi ro cho các nhà đầu tư nhằm thu hút đầu tư phát triển nguồn điện mới, tăng dần tính cạnh tranh trong khâu phát điện giúp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh chung toàn hệ thống và hạn chế khả năng lũng đoạn thị trường của các đơn vị phát điện lớn.

Bộ Công Thương cũng đưa ra 3 phương án tái cơ cấu ngành điện cho phát triển thị trường phát điện cạnh tranh để đảm bảo phát triển đúng với mô hình chào giá theo chi phí.

Hiện tại, tổng công suất đặt của các nhà máy điện thuộc EVN chiếm 71% toàn hệ thống, 29% còn lại thuộc về các đơn vị phát điện độc lập (IPP). Cơ cấu sở hữu nguồn điện như hiện nay không đảm bảo điều kiện vận hành của thị trường phát điện cạnh tranh chính thức. EVN, với quy mô chi phối thị trường, có khả năng sử dụng các nhà máy điện của mình để thao túng, lũng đoạn thị trường điện để đạt lợi nhuận cao hơn và gây thiệt hại đến các công ty phát điện khác tham gia thị trường. Do vậy, nội dung của việc tái cơ cấu khối phát điện là nhóm các nhà máy điện thuộc sở hữu của EVN để hình thành các công ty phát điện độc lập tham gia cạnh tranh trong thị trường điện.

Các nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu (bao gồm: Nhà máy thuỷ điện Hòa Bình, Ialy, Trị An, Sê San 3, Pleikrong, Sơn La, Lai Châu) sẽ được nhóm lại để hình thành Công ty Phát điện chiến lược theo mô hình công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên do Bộ Công Thương đại diện quản lý vốn Nhà nước.

Thay đổi hình thức độc quyền

Xung quanh đề án “Xây dựng thị trường điện Việt Nam” vẫn còn nhiều ý kiến gây tranh cãi.

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, đề án xây dựng thị trường phát điện cạnh tranh và tái cơ cấu ngành điện do Bộ Công Thương đang xây dựng còn nhiều chỗ cần được nghiên cứu lại.

Theo ông Ngãi xây dựng thị trường phát điện cạnh tranh và tái cơ cấu ngành điện là câu chuyện từ xưa tới nay chưa làm. Đây là một chủ trương mới thì khi xây dựng đề án, Bộ Công Thương nên nghe ý kiến của nhiều người, đặc biệt là các chuyên gia đầu ngành, những người từng lăn lộn với ngành điện.

“Chính phủ nên có một cuộc họp mời các tập đoàn, tổng công ty có tham gia mua bán điện để lấy ý kiến chung. Phải làm sao để các nhà đầu tư nước ngoài nhìn thấy rằng thị trường điện Việt Nam hấp dẫn với họ. Muốn như vậy thì phải xác định một số đầu mối quan trọng, đó là việc xây dựng giá điện… Giá điện do cơ quan nào lập, cơ quan nào trình và do ai duyệt. Giá điện đó phải hết sức linh hoạt và thích ứng với các thời điểm phát điện của kinh tế Việt Nam. Giá điện cũng không nên để thấp hơn so với giá của các nước trong khu vực”- Ông Ngãi nói.

Liên quan đến đề án này, theo ông Trần Viết Ngãi, nên để các công ty phân phối điện hoạt động độc lập theo hình thức thu phí dịch vụ. Cũng không nên hạn chế số lượng các công ty phân phối nhằm tạo sự cạnh tranh.

Về lâu dài không nhất thiết cả nước chỉ có một công ty mua bán điện mà có thể có nhiều công ty mua bán điện được phân bổ theo vùng, miền và theo phụ tải và tạo ngay sự cạnh tranh giữa các công ty này. Đây là điểm khác với đề án của Bộ Công Thương. Điều này trên thế giới nhiều nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… đã thực hiện. Một thị trường điện thể có 5 – 7 hoặc hàng chục công ty mua bán điện khác nhau miễn rằng các công ty này hoàn thành tốt nhiệm vụ của người bán điện và người mua điện được mua với chất lượng điện tốt nhất, an toàn nhất. Còn nếu chỉ có một công ty mua bán điện thì bản thân công ty này cũng sinh ra độc quyền, không có sự cạnh tranh.

Ông Ngãi cũng cho rằng Trung tâm điều độ điện quốc gia là một đầu mối hết sức quan trọng. Xét về lâu dài khi xuất hiện nhiều nhà đầu tư xây dựng nhà máy điện (các nhà bán điện) mới, theo tổng sơ đồ phát triển ngành điện Việt Nam đến 2020 và sau 2020, thì trung tâm điều độ điện quốc gia cũng phải chuyển về cho cơ quan quản lý độc lập (một cơ quan thuộc Chính phủ). Lúc đó các nhà bán điện sẽ hoạt động bình đẳng với nhau trên thị trường. Việc điều độ hệ thống điện theo kế hoạch, theo biểu đồ phụ tải… sẽ do cơ quan của Chính phủ trực tiếp chỉ đạo.

Vừa đá bóng vừa thổi còi lại... vừa tự vỗ tay

Trong ngành điện có 3 khâu: Phát điện, truyền tải và hộ tiêu thụ cuối cùng, trong đó khâu truyền tải có truyền tải trung, cao thế và truyền tải hạ thế.

TS Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, ngành điện cần một bài toán tổng thể. Nhìn bức tranh toàn cảnh thị trường phát điện hiện nay thì hoàn toàn là độc quyền bởi EVN nắm giữ tới 75%, truyền tải điện cũng do EVN làm nốt.

Khi EVN “nghĩ” ra một Tổng công ty mua bán điện đồng nghĩa với việc “vẽ” ra một đơn vị độc quyền trong cả mua và bán. Trong kế hoạch tái cơ cấu ngành điện, dù tách các khâu Phát điện – Truyền tải – Phân phối khỏi EVN thành một đơn vị độc lập nhưng lại chuyển về trực thuộc Bộ Công Thương thì sẽ lặp lại tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” khi Bộ là đơn vị vừa quản lý Cục Điều tiết điện lực, vừa quản lý EVN và các đơn vị được tách ra. “Đề án này đã đi xa rời nguyên tắc cơ bản nhất là tách quản lý nhà nước ra khỏi hoạt động kinh doanh. Thực tế phải tách dần, quản lý nhà nước là quản lý nhà nước và không làm kinh doanh. Với đề án hình thành các tổng công ty mới với nhiều hình thức và lại đưa về tất cả trực thuộc Bộ Công Thương thì sẽ quay lại thời kỳ của các Bộ chủ quản, vừa quản lý vừa kinh doanh thì sẽ không quản lý được. Khi đó sẽ quay lại cơ chế cũ.”- Ông Ánh phân tích.

Đồng tình với quan điểm nay, ông Trần Viết Ngãi cho rằng, nếu đề xuất tách và đưa tất cả trở lại Bộ Công Thương quản lý là không phù hợp. Vì khi giao về cho một Bộ mà ở đó có toàn đơn vị thuộc Bộ thì khi đó tính khách quan sẽ giảm đi.

TS Vũ Đình Ánh cho rằng, cái khó hiện nay là cạnh tranh trong khâu truyền tải điện. Viễn thông có thể phát không dây được còn điện thì mỗi gia đình phải có ít nhất một đường dây dẫn vào nhà. Vậy vấn đề đặt ra ai sẽ nắm đường dây truyền tải điện? Ai sẽ đầu tư cho hệ thống này? Ông Trần Viết Ngãi và TS Vũ Đình Ánh đều cho rằng, Nhà nước nên đứng ra làm và cho thuê lại đường truyền tải tránh việc mạnh ai lấy làm. Nhưng việc này sẽ gặp vấn đề ai sẽ là người đứng ra quản lý đường truyền tải đó. Nếu không giải quyết khéo sẽ tạo ra cơ chế độc quyền mới. Ông Trần Viết Ngãi phân tích: Trước mắt cần để nguyên như EVN đã thành lập. Về lâu dài Chính phủ cần nghiên cứu chuyển công ty truyền tải sang một đơn vị do Chính phủ quản lý, có thể là Bộ Công Thương. Nói chung theo đề án của Bộ Công Thương, tách cả truyền tải và phân phối sang Bộ Công Thương quản lý thì nên chăng để EVN quản lý trong một thời gian. Cái quan trọng là cần có chính sách quản lý thế nào để tránh được độc quyền trong mua bán, truyền tải và phân phối điện.

Ai xác định giá điện? Nếu là cạnh tranh thì tự các doanh nghiệp cạnh tranh bằng giá. Nhà nước chỉ can thiệp khi có cạnh tranh không lành mạnh hoặc có hiện tượng độc quyền. “Nếu nhìn tổng thể thì sẽ không có cạnh tranh, tất cả đều do một Bộ quản lý thì cạnh tranh là gì. Thậm chí, Cục Quản lý cạnh tranh chống độc quyền cũng nằm trong Bộ Công Thương. Với cơ chế này thì đúng là vừa đá bóng, vừa thổi còi và vừa vỗ tay hoan hô” – ông Ánh bày tỏ quan điểm của mình.

Theo ông Ánh, phương án tối ưu hiện nay với thị trường điện ở Việt Nam là lặp lại bài học của ngành Bưu chính viễn thông. Chỉ cần Viettel tham gia thị trường là xuất hiện thị trường cạnh tranh. Phương án được đưa ra là phải “đập nhỏ” các đơn vị của EVN để các đơn vị này cạnh tranh thực sự và không có đơn vị nào nắm phần khống chế thị trường. Còn nếu vẫn giữ nguyên thì dù có thêm hàng chục đơn vị khác mới cùng tham gia thị trường cũng không đủ sức cạnh tranh bình đẳng với các đơn vị hiện có của EVN. Ngoài ra có thể “đẩy” ra một “ông” to ngang EVN cũng làm nhiệm vụ phát điện thì khi đó chắc chắn giá sẽ giảm và người tiêu dùng sẽ được lợi./.

Theo Vũ Hạnh - Quang Tuấn (VOVNews)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất