Thực hiện Chỉ thị số 03- CT/TW, ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Kế hoạch số 03-KH/TW, ngày 1-7-2011 để triển khai. Về nội dung hoạt động tuyên truyền, Kế hoạch của Ban Bí thư nêu: Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đồng thời giao Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức Giải thưởng về sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Việc tổ chức Giải thưởng không chỉ đơn thuần là cuộc thi hoặc liên hoan đối với lĩnh vực, văn học, nghệ thuật, báo chí và chỉ có các văn nghệ sĩ, nhà báo chuyên nghiệp tham gia. Giải thưởng có ý nghĩa rất quan trọng là tập hợp trí tuệ, sức sáng tạo của các tác giả là người Việt Nam đang sinh sống, công tác ở trong và ngoài nước, tác giả là người nước ngoài, tham gia trực tiếp vào công tác tuyên truyền, nhằm đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành nhiệm vụ thường xuyên của các tổ chức đảng. Thông qua đó, làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức sâu sắc những giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và sâu rộng về ý thức tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng; đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các tệ tham nhũng, tiêu cực; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng.
Ba năm qua, hoạt động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” (sau đây gọi tắt là Giải thưởng) đã thu được những kết quả đáng khích lệ, đóng góp hiệu quả vào công tác tuyên truyền, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của toàn xã hội. Nhân dịp kỷ niệm 123 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Chỉ đạo Giải thưởng đã tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động và trao giải thưởng đợt I và trao tặng giải A về sáng tác cho 9 tác phẩm của 9 tác giả, nhóm tác giả; trao giải A về quảng bá cho 4 tập thể là cơ quan báo chí, xuất bản, đơn vị nghệ thuật; tặng giải B về sáng tác cho 27 tác phẩm của 27 tác giả, nhóm tác giả và giải B về quảng bá cho 13 tập thể, 5 cá nhân; tặng giải C về sáng tác cho 29 tác phẩm của 29 tác giả, nhóm tác giả và giải B về quảng bá cho 10 tập thể, 2 cá nhân; tặng giải Khuyến khích về sáng tác cho 32 tác phẩm của 32 tác giả, nhóm tác giả, tặng Giải Khuyến khích về quảng bá cho 5 tập thể.
Phát huy kết quả của đợt I, để chuẩn bị tốt hơn cho đợt II, từ tháng 6 năm 2013 đến nay, Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương, Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam và các Hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương tiếp tục duy trì, tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn hoạt động, thường xuyên định hướng, động viên hoạt động sáng tác, quảng bá các tác phẩm thông qua giao ban, thông tin trên báo, đài nội bộ. Hoạt động quảng bá tác phẩm được đẩy mạnh, nhất là dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng, dịp đón xuân Giáp Ngọ- 2014, ngày kỷ niệm, những sự kiện lớn của của ban, bộ, ngành, địa phương với sự tham gia của các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, câu lạc bộ, nhà văn hóa, trung tâm văn hóa, đội chiếu bóng, đội thông tin lưu động... Đài phát thanh, đài truyền hình Trung ương, đài phát thanh và truyền hình của địa phương, báo, tạp chí của ban, bộ, ngành, địa phương tiếp tục duy trì, tăng thời lượng, số lượng các tin, bài, ảnh, chuyên mục, chuyên trang về những tấm gương điển hình trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác và các tác phẩm văn học, nghệ thuật có chất lượng tốt, tác phẩm mới viết về chủ đề này.
Một số cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm, tạo điều kiện cho hội viên, nghệ sĩ, nhà báo đi thực tế đến các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp, vùng kinh tế trọng điểm, nơi đang triển khai xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới có hiệu quả để phát hiện gương tốt, tuyên truyền và sáng tác tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí từ những điển hình trong đời sống. Cùng đó, tổ chức gặp gỡ, trao đổi giữa văn nghệ sĩ, nhà báo với điển hình tiêu biểu, như: Thanh Hóa, Lào Cai, Lạng Sơn, Nam Định, Bắc Giang, Tổng cục Chính trị, Quân đội nhân dân Việt Nam, Tổng cục xây dựng lực lượng, Bộ Công an...
Từ thực tế đó, hàng ngàn tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí viết về những gương điển hình tiêu biểu, mô hình tốt, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được đăng, phát trên báo Nhân dân, Quân đội nhân dân, đài Truyền hình Việt Nam, đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam; tạp chí, báo điện tử của các ban của Đảng, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, báo, đài của các địa phương; các cơ quan đại diện thuộc Đảng ủy Ngoài nước...
Từ những kết quả đạt được và những hạn chế trong quá trình triển khai hoạt động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí chủ đề "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:
Thứ nhất, nơi nào có sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, người chủ trì; sự tham mưu cụ thể, thường xuyên của Bộ phận Giúp việc, cán bộ chuyên trách, ở đó hoạt động sáng tác, quảng bá có hiệu quả rõ, tác dụng tuyên truyền tốt.
Thứ hai, nơi nào, văn nghệ sĩ, nhà báo được tiếp xúc với thực tiễn đời sống xã hội về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, được quan tâm dàn dựng, quảng bá, ở đó có tác phẩm chất lượng, ngược lại thì rất chung chung, không thuyết phục.
Thứ ba, ở đâu, lãnh đạo, người chủ trì cơ quan truyền thông nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; giá trị, vai trò của tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí đối với việc định hướng thẩm mỹ, giáo dục đạo đức, lối sống cho con người, thì ở đó hiệu quả của hoạt động sáng tác, quảng bá được phát huy.
Để ngày càng có nhiều hơn nữa những tác phẩm có chất lượng cao về chuyên môn, về tính tư tưởng, hoạt động sáng tác, quảng bá rất cần cấp ủy, chính quyền các cấp, các cấp Hội tập trung vào một số điểm sau:
Một là, tạo điều kiện để văn nghệ sĩ tiếp xúc với các điển hình tiêu biểu, những mô hình tốt, cách làm hiệu quả của cá nhân và tập thể trên các lĩnh vực đời sống xã hội.
Hai là, cơ quan truyền thông, hệ thống thiết chế văn hóa các cấp, các đơn vị biểu diễn nghệ thuật chủ động tổ chức giới thiệu tác phẩm có chất lượng, nghệ sĩ, phóng viên, những tập thể, cá nhân có thành tích về quảng bá tác phẩm, nhất là vào dịp ngày kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của Đảng, của ban, bộ, ngành, địa phương.
Ba là, Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Trung ương, Hội văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương, Hội văn học, nghệ thuật, Hội nhà báo các địa phương chủ động, phối hợp tổ chức cho hội viên đi thực tế, nhất là các phong trào, các điển hình tiêu biểu, cách làm sáng tạo, hiệu quả,... để sáng tác, viết tin, bài về chủ đề này; đầu tư, động viên để tác giả hoàn thiện những tác phẩm có quy mô lớn.
Thực tiễn cho thấy, sức thuyết phục của công tác tuyên truyền và sự lan tỏa của nó thông qua tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí là rất hiệu quả. Tuy nhiên, để có tác phẩm có chất lượng về chuyên môn, đạt được yêu cầu về giáo dục là không dễ đối với người sáng tác. Do vậy, văn nghệ sĩ, nhà báo và những người say mê sáng tác về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” cũng cần phải xác định đó là công việc thường xuyên, bền bỉ và càng phải bám sát thực tiễn đời sống xã hội để có những tác phẩm mang dấu ấn, hơi thở của cuộc sống./.
Nhạc sĩ Vũ Việt Hùng