Thứ Bảy, 23/11/2024
Diễn đàn
Thứ Năm, 11/5/2017 19:27'(GMT+7)

Để Chính phủ gần dân hơn

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi gặp gỡ, nói chuyện với 2.000 công nhân vùng kinh tế trọng điểm miền Trung từ Thừa Thiên-Huế đến Quảng Ngãi ngày 22/4/2017. (Ảnh minh họa)

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi gặp gỡ, nói chuyện với 2.000 công nhân vùng kinh tế trọng điểm miền Trung từ Thừa Thiên-Huế đến Quảng Ngãi ngày 22/4/2017. (Ảnh minh họa)

Đầu tháng 4 vừa qua là thời điểm kênh thông tin đối thoại giữa Chính phủ với người dân chính thức đi vào hoạt động. Đây là một bước quan trọng nhằm hiện thực hóa quyết tâm của Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ trong quá trình xây dựng một Chính phủ kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân.

Việc thực hiện đối thoại giữa cơ quan nhà nước với người dân và doanh nghiệp vẫn được thực hiện lâu nay. Tuy nhiên, xét ở nhiều góc độ, có  thể thấy tính hiệu quả trong quá trình thực hiện đối thoại vẫn chưa cao, còn nhiều vấn đề từ người dân và doanh nghiệp chưa thực sự đến được người đứng đầu Chính phủ. Đơn cử như việc áp thuế xuất nhập khẩu, giấy phép con, xin giấy phép xuất khẩu gạo... cùng nhiều vấn đề nổi cộm khác, nhất là ở địa phương chưa đến được với Chính phủ, người đứng đầu Chính phủ; hoặc đến được nhưng chậm, thiếu kịp thời. Do đó, trong nhiều những trường hợp, chỉ khi Thủ tướng Chính phủ có điều kiện tiếp xúc, lắng nghe trực tiếp tiếng nói của người dân và doanh nghiệp, thì những khó khăn, vướng mắc mới được khai thông, giải quyết triệt để, thấu đáo.

Không phải ngẫu nhiên mà kênh thông tin đối thoại giữa Chính phủ với người dân được đặt tên miền là http://nguoidan.chinhphu.vn và do chính Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo, điều hành. Qua đó thể hiện sự quyết tâm, cầu thị, gần gũi, nghiêm túc, sẵn sàng lắng nghe tiếng nói, kiến nghị từ người dân của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đúng như ý kiến của người đứng đầu Văn phòng Chính phủ đã khẳng định: “Chủ trương là tạo sự minh bạch, công khai và gắn kết gần hơn giữa Chính phủ với người dân và lấy mục tiêu Chính phủ hoạt động phục vụ doanh nghiệp và người dân”.

Với việc triển khai kênh thông tin đối thoại giữa Chính phủ với người dân, người dân sẽ có cơ hội phản ánh, kiến nghị trực tiếp, kịp thời đến người đứng đầu Chính phủ những vấn đề chính đáng, có ảnh hưởng đến quá trình thực hiện các chính sách của Chính phủ và cuộc sống của cộng đồng.

Đồng thời, qua kênh thông tin này người đứng đầu Chính phủ sẽ có điều kiện nắm bắt tình hình một cách nhanh chóng, kịp thời những vấn đề kinh tế-xã hội, dân sinh của đất nước. Đặc biệt, là cơ sở để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đưa ra những biện pháp quản lý, điều hành sát đúng, hiệu quả cao hơn. Khắc phục được hạn chế trước đây: những thông tin chính thống từ phía người dân, doanh nghiệp muốn chuyển đến người đứng đầu Chính phủ lại phải trải qua nhiều tầng nấc và khâu trung gian, khiến quá trình chỉ đạo xử lý của Chính phủ, người đứng đầu Chính phủ nhiều khi còn chậm, thậm chí là thiếu chính xác.

Có thể nói, việc thiết lập kênh thông tin đối thoại giữa Chính phủ với người dân là kết quả của sự quyết tâm, khẳng định tinh thần lắng nghe, thấu hiểu, quan tâm đến những tâm tư nguyện vọng từ phía người dân, doanh nghiệp của một Chính phủ hành động, kiến tạo.

Dù mới bước đầu đi vào hoạt động, nhưng kênh thông tin này đang được dư luận hoan nghênh, ủng hộ, đón nhận với niềm tin và hy vọng mãnh liệt./.

TG

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất