Đồng chí Dương Quang Đông (Năm Đông, Phúc), sinh ngày 02/05/1902 tại Ấp Mỹ Cẩm, xã Mỹ Hòa, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh. Tham gia hoạt động cách mạng từ sớm, hành trình hoạt động không mệt mỏi: từ tham gia Công hội Đỏ đến khi trở thành đảng viên cộng sản, đảm nhiệm các chức vụ quan trọng trong Xứ ủy Nam Kỳ; từ ra nước ngoài mua vũ khí, tổ chức đường dậy vận chuyển về nước phục vụ kháng chiến chống Pháp đến xúc tiến, mở tuyến chi viện cho chiến trường miền Nam trên biển… của đồng chí hiển hiện tấm gương mẫu mực của người chiến sĩ cộng sản luôn tận tâm, tận lực vì Dân, vì Đảng, hoàn thành mọi hoàn thành nhiệm vụ được giao phó.
Cơ duyên có tính bước ngoặt “mở đường”
Thừa hưởng truyền thống cách mạng của gia đình và quê hương Trà Vinh, đồng chí Dương Quang đông tham gia hoạt động cách mạng tháng vào 8/1920 và chính trong khoảng thời gian có tính bước ngoặt này, ông đã gặp đồng chí Tôn Đức Thắng khi “bác Tôn” vừa mới về nước.
Là người đã trực tiếp kéo cờ phản chiến trên hạm đội Pháp góp phần vào việc bảo vệ nước Nga Xôviết, đồng chí Tôn Đức Thắng luôn ý thức được sức mạnh đoàn kết đấu tranh của giai cấp công nhân; luôn suy nghĩ đến việc phải tổ chức công nhân thành đoàn thể, qua đó giác ngộ cho họ thấy được vai trò và sức mạnh của giai cấp mà đấu tranh giành lấy những lợi ích thiết thân trước mắt. Giai cấp công nhân Việt Nam cũng như những người dân mất nước khác đều là nô lệ của thực dân Pháp, không có một chút quyền tự do dân chủ nào. Vì vậy, tổ chức của công nhân không chỉ đấu tranh về quyền lợi kinh tế mà còn đòi hỏi cả về quyền lợi chính trị nữa, do đó phải được tổ chức bí mật để tránh sự đàn áp dã man của thực dân Pháp. Trong hoàn cảnh đó, đồng chí Tôn Đức Thắng và những người bạn cùng chí hướng của mình đã quyết định tổ chức ra Công hội bí mật và thành lập nhóm trung kiên lãnh đạo gồm có: Tôn Đức Thắng, Trần Trương (Sáu Trương), Đặng Văn Sâm (Nhuận), Trần Văn Hòe (Ba Hòe), Trần Ngọc Giải (Thuận Hòa), Bùi Văn Thêm (Định), v.v..
Sự ra đời của Công hội bí mật vào những năm 1920-1921 ở Việt Nam có một ý nghĩa chính trị quan trọng, đúng như lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nhấn mạnh, đó là: “Tổ chức công hội trước hết là để công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình; hai là để nghiên cứu với nhau; ba là để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ; bốn là để giữ gìn quyền lợi cho công nhân; năm là để giúp cho quốc dân, giúp cho thế giới”[1]. Vì vậy, dù chưa thật sự là một tổ chức cách mạng, quy mô còn nhỏ bé, nhưng Công hội bí mật đã đánh dấu một thời kỳ mới, thời kỳ mà giai cấp công nhân Việt Nam có ý thức về sức mạnh của giai cấp mình; đã tập hợp lực lượng lại trong một tổ chức và từng bước đưa giai cấp công nhân Việt Nam lên vũ đài chính trị.
Năm 1920, vinh dự là một trong tám thành viên dự cuộc họp thành lập Công hội Đỏ Nam Kỳ dưới sự chủ trì của đồng chí Tôn Đức Thắng tại đình Bình Đông (nay thuộc Quận 8, thành phố Hồ Chí Minh), sự thông minh, hoạt bát và tích cực của Dương Quang Đông đã được đồng chí Tôn Đức Thắng tin tưởng và giao nhiệm vụ Thư ký và là Trưởng ban Giao liên của tổ chức. Năm 1921, đồng chí Tôn Đức Thắng cử Dương Quang Đông trở về quê hương Trà Vinh vận động, xây dựng tổ chức Công hội Đỏ. Một thời gian sau, Dương Quang Đông đã thành lập được hai tổ chức Công Nông hội Đỏ ở Cầu Ngang (Ba Biện, Hai Kỉnh), tỉnh lỵ Trà Vinh (Nanh, Đức Thịnh), rồi dần dần lan tới các địa phương lân cận như Mỏ Cày, Càng Long, Long Hồ. Theo Hồi ký “Đốm lửa đầu tiên của Nam Kỳ lục tỉnh trong những tháng năm chưa có Đảng” của Dương Quang Đông, phần lớn các đồng chí liên lạc về các tỉnh như anh Kỉnh, Năm Đông về Trà Vinh, anh Thiệt về Vĩnh Long, anh Thành về Tây Ninh, anh Trực về Tân An, anh Châu về Biên Hòa, v.v.. và một số anh khác như Ka Him vào làm công nhân Hãng rượu Bình Tây, anh Mười Giao xây dựng Nông hội ở Bình Đông (quận 8), anh Khánh phụ trách đềpô xe lửa Dĩ An, Hãng dầu Nhà Bè, v.v.. đã góp phần phát triển nhanh lực lượng cũng như liên kết những người đồng tâm, đồng chí trong tổ chức.
Năm 1923, đồng chí Tôn Đức Thắng đã giới thiệu Dương Quang Đông vào làm việc ở hãng Ba Son - nơi tập trung rất đông công nhân, thầy thợ của Sài Gòn, với trọng trách hợp sức với các đồng chí khác trong tổ chức, phụ trách Công hội Đỏ tại đây. Trong những năm 1920-1925, Công hội bí mật đã có đến 300 hội viên; ở khắp địa bàn Sài Gòn - Chợ Lớn đều có cơ sở của Công hội. Tiếp đó, năm 1927, tổ chức Công hội đỏ chuyển thành Kỳ bộ thanh niên cách mạng đồng chí hội do đồng chí Tôn Đức Thắng làm Bí thư (Hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng) và cùng với sự kiện chính trị quan trọng này, Dương Quang Đông cũng đã chính thức trở thành thành viên của Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội. Sau đó, theo sự phân công của Bí thư Tôn Đức Thắng, Dương Quang Đông về Trà Vinh lựa chọn trong Công Nông hội Đỏ cũ để thành lập hai Chi bộ thanh niên cách mạng đồng chí Hội ở Cầu Ngang và tỉnh lỵ Trà Vinh.
Có thể nói rằng, tham gia cách mạng từ thời Đảng ta chưa ra đời, song với lòng yêu nước, có cơ duyên được gặp đồng chí Tôn Đức Thắng, cuộc đời người chiến sĩ cộng sản Dương Quang Đông đã bắt đầu một hành trình đấu tranh cách mạng đầy gian khó những cũng rất đỗi tự hào.
Luôn gần dân, dựa vào dân để hoạt động cách mạng
Năm 1930, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Dương Quang Đông quay về Trà Vinh để thành lập các chi bộ Cộng sản ở Cầu Ngang, tỉnh lỵ Trà Vinh; đồng thời là Bí thư Quận ủy Cầu Ngang. Cũng trong thời gian này, theo sự giới thiệu của đồng chí Tôn Đức Thắng, Dương Quang Đông được đề bạt tham gia Xứ ủy Nam Kỳ.
Giữa năm 1931, trong sự kiện Lý Tự Trọng bắn chết tên Chánh mật thám Le Grand tại sân vận động Mayer, đồng chí Dương Quang Đông bị bắt, bị đưa về Trà Vinh và kết án 3 năm tù. Thụ án 3 năm, năm 1934 Dương Quang Đông được trả tự do. Đến năm 1935 ông bị bắt lần thứ hai, năm 1937 bị bắt lần ba, năm 1939 bị bắt lần thứ tư, tới năm 1940, được thả. Khi mãn hạn tù, đồng chí trở về tham gia Xứ ủy Nam Kỳ, tiếp tục hoạt động với nhiệm vụ Trưởng ban giao liên của Xứ ủy. Từ năm 1936, Đảng chủ trương ra hoạt động công khai, đẩy mạnh phong trào dân chủ, thành lập các Ủy ban hành động khắp Nam Bộ. Lúc này, đồng chí Dương Quang Đông được chỉ định tham gia Ủy ban hành động Nam Bộ, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban hành động tỉnh Trà Vinh. Đầu năm 1940, Xứ ủy Nam Kỳ được củng cố lại do đồng chí Tạ Uyên làm Bí thư và Dương Quang Đông nhận nhiệm vụ Thường vụ Xứ ủy. Khi đó, do nhận định thời cơ khởi nghĩa vũ trang đến, Xứ ủy Nam Kỳ đã phát động khởi nghĩa toàn Nam Kỳ và tích cực chuẩn bị cho cuộc “vùng lên” đó. Song kế hoạch khởi nghĩa đã bị lộ, ngày 20/5/1940, Dương Quang Đông trên đường truyền đạt lệnh khởi nghĩa cho các tỉnh miền Tây trở về Sài Gòn đã bị mật thám bắt và đày lên Tà Lài (nay thuộc tỉnh Đồng Nai) cùng gần như toàn bộ Xứ ủy Nam Kỳ.
Đêm 27/3/1941, Dương Quang Đông cùng 7 đồng chí tổ chức vượt ngục Tà Lài. Cuộc vượt ngục thành công nhưng chỉ có 3 đồng chí trong số 8 đồng chí về được Sài Gòn hoạt động là Dương Quang Đông, Trương Văn Nhâm và Đức. Không để thời gian chết, ba đồng chí đã cùng nhau thành lập Ban vận động cách mạng Nam Kỳ nhằm tìm lại cơ sở, bắt liên lạc lại với các đồng chí cũ, khôi phục hoạt động của Xứ ủy và liên lạc để nhận sự chỉ đạo từ Trung ương Đảng. Tuy nhiên, không lâu sau đó, hai đồng chí Trương Văn Nhâm và Đức bị thực dân Pháp bắt lại, đày đi Côn Đảo, chỉ còn lại mình Dương Quang Đông. Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn của một người tù vượt ngục bị truy nã khắp nơi, lại không nhận được sự chỉ đạo của Trung ương, Dương Quang Đông phải lặn lội khắp Sài Gòn, Gia Định, chợ Lớn rồi đi đến các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam Bộ và dựa vào nhân dân để móc nối với các đồng chí cũ, khôi phục tổ chức đảng. Cũng trong thời gian này, Tỉnh ủy Trà Vinh được khôi phục do chính đồng chí Dương Quang Đông trực tiếp làm Bí thư.
Ngày 13/10/1943, theo sự triệu tập của Dương quang Đông, 11 đồng chí là Bí thư các tỉnh về Chợ Gạo dự Hội nghị thành lập Xứ ủy Nam Kỳ và 12 đồng chí trở thành Xứ ủy viên. Đồng chí Dương Quang Đông được hội nghị bầu làm Bí thư Xứ ủy nhưng ông chỉ xin nhận tạm chức vụ này (trong khi chờ đợi bắt liên lạc với đồng chí Trần Văn Giàu). Tuy nhiên, trên thực tế, đồng chí Dương Quang Đông đã đảm nhiệm cương vị Bí thư Xứ ủy đến ngày 9/3/1945, khi Nhật đảo chính Pháp, Xứ ủy mới liên lạc được với đồng chí Trần Văn Giàu. Sau khi đồng chí Trần Văn Giàu đảm nhận chức vụ Bí thư Xứ ủy, Dương Quang Đông là Thường vụ Xứ ủy kiêm Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh.
Ngày 24/8/1945, Hội nghị Xứ ủy Nam Kỳ tổ chức tại tại Chợ Đêm, công bố lệnh Tổng khởi nghĩa. Ngay sau đó, đồng chí Dương Quang Đông đã quay về Trà Vinh, cùng Đảng bộ và nhân dân Trà Vinh vùng lên khởi nghĩa, giành chính quyền. Trên cương vị là Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa, đồng chí đã góp sức mình vào thành công của cuộc tổng khởi nghĩa trong Cách mạng Tháng Tám ở Trà Vinh. Năm 1946, trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đồng chí Dương Quang Đông, lúc ấy là Bí thư Tỉnh ủy đã được nhân dân Trà Vinh tín nhiệm bầu làm đại biểu của mình vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.
Tuy nhiên, ngày 23/9/1945, với dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa, thực dân Pháp nổ súng tấn công và mở rộng chiến tranh ở Sài Gòn và Nam Trung Bộ. Khi đó, là Thường vụ Xứ ủy Nam Kỳ, đồng chí Dương Quang Đông đã chỉ huy chiến đấu ở trụ sở Ủy ban nhân dân Nam Bộ đang đóng ở Dinh Xã Tây (nay là trụ sở Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh) và từ đây, ông tiếp tục một chặng đường đấu tranh cách mạng mới, với những trọng trách mới.
Luôn thực thi các nhiệm vụ khó
Cuối năm 1945, kháng chiến chống thực dân Pháp ngày càng lan rộng. Do tương quan lực lượng chênh lệch, đặc biệt là trước những khó khăn về vũ khí, đạn được, Xứ ủy Nam Kỳ chủ trương tự lực kháng chiến và quyết định tổ chức một đơn vị công tác sang Thái Lan tìm mua vũ khí. Nhận trọng trách mới, tạm gác nhiệm vụ người đại biểu nhân dân tại Quốc hội khóa I, Dương Quang Đông cùng 14 đồng chí của mình đã mở đường xuyên Tây sang Thái Lan tìm và mua vũ khí. Theo chỉ đạo của Phan Trọng Tuệ, đồng chí Nguyễn Văn Xô giao 25 ký vàng cho Dương Quang Đông lên đường sang Thái Lan với 5 nhiệm vụ then chốt: 1) Dựa vào Việt kiều, vận động nhân dân và Chính phủ Thái Lan ủng hộ cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc của ta. 2). Mở đường biển rồi sau đó mở đường bộ từ Thái Lan tới Nam Bộ ngang qua Campuchia để đưa vũ khí về. 3) Vận động và tổ chức nhân dân Campuchia làm cách mạng giải phóng dân tộc. 4) Mở mặt trận thứ hai đánh Pháp trên đất bạn. 5) Bốn nhiệm vụ trên phải được tiến hành theo nguyên tắc triệt để bí mật.
Sang Thái Lan, đồng chí Dương Quang Đông đã gặp Trần Văn Giàu - Người được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương giao nhiệm vụ sang Campuchia và Thái Lan lập một căn cứ hậu cần, mua sắm vũ khí tiếp tế cho quân dân Nam Bộ. Hai người họp bàn và phân công nhiệm vụ; chọn chùa Thi Oa Thi tại Bangkok đại điểm tập kết. Số lượng vũ khí vừa xin, vừa mua được đã bí mật chuyển về chùa Thi Oa Thi, để vận chuyển về Việt Nam. Được sự ủng hộ của Chính phủ Thái Lan, Dương Quang Đông cho thành lập hai trạm thu mua vũ khí là May Luột và Kô Kông. Trong thời gian này, được sự ủng hộ tạo điều kiện của Thủ tướng Thái Lan Pridi Phanômyông, đặc biệt là sự giúp đỡ nhiệt tình của bà con kiều bào tại Thái Lan, vượt qua khó khăn, bất trắc và hết sức nguy hiểm, bằng mưu trí, sáng tạo, đơn vị công tác của Dương Quang Đông đã tìm, mua hàng trăm tấn vũ khí, khí tài và đưa cả các đơn vị bộ đội về chi viện cho chiến trường Nam Bộ; góp phần để đồng bào miền Nam kiên trì tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Năm 1949, đồng chí Dương Quang Đông được Xứ ủy cử dự lớp chính trị cao cấp Trường Chinh, khóa III. Sau đó, ông được Xứ ủy phân công tham gia Khu ủy khu Tây Nam Campuchia. Do thông thạo địa hình am hiểu tiếng nói, phong tục tập quán các nước bạn, ông được Xứ ủy cử kiêm luôn nhiệm vụ kiểm tra các cơ sở hoạt động bí mật của ta ở Thái Lan…
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, sau Hiệp định Giơnevơ, đồng chí Dương Quang Đông được Đảng phân công phụ trách công tác chuyển quân tập kết các đơn vị công tác ở Campuchia về khu IX và ở lại miền Nam, chuẩn bị cho ngày hiệp thương tổng tuyển cử như Hiệp định quy định. Theo sự phân công của Xứ ủy, ông tham gia vào Đặc khu ủy Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn, phụ trách công tác binh vận. Những năm 1957- 1959, tuyến giao liên giữa Trung ương, Chính phủ với Nam Bộ thường bị gián đoạn trong khi Bí thư Xứ ủy Lê Duẩn chuẩn bị lên đường ra Bắc báo cáo với Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh về tình hình cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở Nam Bộ.
Thêm một lần được sự tín nhiệm của Xứ ủy, đồng chí Dương Quang Đông nhận nhiệm vụ mở lại tuyến giao liên huyết mạch Nam - Bắc với phiên hiệu là Đoàn A53. Một hệ thống cơ sở trên suốt tuyến đường bộ từ Nam Bộ qua Campuchia - Lào - Thái Lan - Hà Nội và tuyến đường thủy Thái Lan - Hồng Kông - Hà Nội luôn hoạt động liên tục, bảo đảm tuyến giao thông liên lạc thông suốt phục vụ nhu cầu lãnh đạo cuộc kháng chiến trong những năm khó khăn nhất của cuộc chiến tranh.
Sau phong trào Đồng khởi năm 1960, đặc biệt là sau Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trung ương Cục miền Nam đã lập ban chỉ đạo bí mật lập tuyến đường biển tiếp tế vũ khí cho chiến trường Nam Bộ, Lào, Campuchia. Lại nhận nhiệm vụ mở đường biển ra Hải Phòng, từ đó tổ chức các chuyến vận chuyển vũ khí vào miền Nam, ngày 2/11/1961, nhóm công tác của Dương Quang Đông băng rừng lội suối, ăn củ rừng, ngày đêm theo đường giao liên của Khu 7, bắt đầu từ Mã Đà, qua sông Đồng Nai, xuyên rừng Tà Lài, qua núi Cậu tới Gia Ray... để tìm bến bãi. Tuyến đường vận tải bí mật trên biển được thành lập để vận chuyển vũ khí từ miền Bắc vào chi viện cho quân Giải phóng miền Nam và bãi tập kết hàng từ Bắc vào chính là Lộc An. Với kinh nghiệm và bản lĩnh của một người chỉ huy đã từng tìm mua và vận chuyển vũ khí về nước thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí Dương Quang Đông lại được Trung ương Cục miền Nam tin tưởng giao trọng trách Chỉ huy phó kiêm Chính ủy Đoàn tàu không số mở tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển. Những chuyến tàu không số chở vũ khí, đạn dược đã lần lượt cập bến Lộc An (xã Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nay thuộc ấp Lộc An, xã Phước Long Hội, huyện Long Đất - tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)...; đều được trang bị cho quân dân các tỉnh miền Đông Nam Bộ tham gia các chiến dịch, góp phần làm nên những thắng lợi vang dội sau đó như: Bình Giã, Đồng Xoài, Dầu Tiếng, Bàu Bàng, góp phần làm thất bại chiến lược Chiến tranh đặc biệt của Mỹ...
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kết thúc thắng lợi. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng năm 1975, đồng chí Dương Quang Đông về công tác tại Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1986, đồng chí Dương Quang Đông là đại biểu chính thức của Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI. Qua đời ngày 15/5/2003, đồng chí Dương Quang Đông thọ 101 tuổi.
Kiên trung, tận tâm, tận lực vì Dân, vì Đảng
Điểm lại những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời người chiến sĩ cộng sản Dương Quang Đông với nhiều lần bị tù đày; hai lần làm nhiệm vụ “mở đường”, hơn 10 năm hoạt động ở nước ngoài: Thái Lan, Lào, Campuchia và Malaysia; đảm nhiệm nhiều chức vụ trong Đảng càng thấy thấm thía hơn nhận định của Giáo sư, nhà sử học Trần Văn Giàu, người có nhiều năm đồng cam cộng khổ với đồng chí Dương Quang Đông: “Phúc, tức Năm Đông người Trà Vinh vào thanh niên cách mạng đồng chí Hội từ 1926, và từ đó công tác Đảng liên tục cho đến ngày hôm nay, nhiều lần vào ra khám lớn, biết nhiều lớp cán bộ ở các tỉnh; mập mạp tưởng chừng như chậm lụt, nhưng thật ra thật lẹ làng, ít lý luận mà siêng năng, kiên trì, làm gì thì làm tới nơi tới chốn”[2].
Có thể thấy, khi trong đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện đang có một bộ phận không nhỏ suy thoái đạo đức, lối sống, ngày càng quan liêu, tham nhũng và rời xa nhân dân; phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc; sa vào chủ nghĩa cá nhân, sống ích kỷ, thực dụng, vụ lợi, lo vun vén cho bản thân và gia đình, không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân… thì tấm gương người cộng sản Dương Quang Đông luôn kiên trung, kiên định con đường cách mạng đã chọn; vượt khó để thoát khỏi nhà tù của thực dân; dựa vào nhân dân, được sự che chở của nhân dân để hoạt động bí mật ở trong nước hay nước ngoài; thực thi và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà Đảng giao phó, và nhất là những trăn trở, tâm sự của ông: “Muốn trả ơn nghĩa với nhân dân, chúng ta phải sống xứng đáng, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân vô điều kiện, làm đày tớ cho dân như Bác Hồ đã dặn” càng trở nên có ý nghĩa biết bao.
Trong bối cảnh toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đang gắn việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ", góp phần làm cho Đảng ta luôn trong sạch, vững mạnh như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn, chúng ta càng thấy thấm thía và học tập được từ người chiến sĩ cộng sản tiền bối luôn rèn luyện đạo đức cách mạng, hướng lòng mình đến chí công vô tư, một lòng kiên trung với Đảng, tận tâm, tận lực trong công tác. Đó là tấm gương người cán bộ lãnh đạo dù đảm nhận vị trí công tác nào cũng luôn đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, trước hết. Đó cũng chính là người Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ nhưng kiên quyết đề nghị Xứ ủy giao lại chức vụ cao ấy cho người khác tài giỏi hơn mình, vì như vậy sẽ có lợi nhiều hơn cho dân, cho Đảng, cho sự nghiệp cách mạng. Đó cũng chính là tám gương người cộng sản “không màng danh lợi” đã dành tài sản của mình ủng hộ đồng bào gặp khó khăn, lũ lụt; luôn đau đáu với sự hy sinh vô bờ bến của nhân dân, của đồng đội trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước với những việc làm nặng tình, nặng nghĩa. Ở ông hiển hiện một tấm lòng vì Dân, vì Đảng; gương mẫu đảm nhận và hoàn thành tốt những nhiệm vụ khó, có tính mở đường mà Tổ quốc và Đảng giao phó và tấm gương ấy nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn “có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”[3]./.
TS Văn Thị Thanh Mai
---------------------
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.2, tr.302
[2] Mùa thu rồi ngày hăm ba, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.1, tr.80
[3]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 1, tr. 263