(TG) - Chính sách Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đang phát huy hiệu quả to lớn trong bối cảnh thị trường lao động bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Ông Đỗ Ngọc Thọ - Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) đã có cuộc trao đổi với báo chí về công tác thực hiện chính sách này thời gian qua.
PV: Có thể nói, chưa khi nào chính sách BHTN được người lao động quan tâm như hiện nay. Trợ cấp thất nghiệp (TCTN) đang trở thành chỗ dựa của không ít người lao động trong bối cảnh mất việc làm gia tăng. Ông có thể cho biết tổng quan về chính sách này và tình hình thực hiện hiện nay?
- Ông Đỗ Ngọc Thọ: Chính sách BHTN theo quy định tại Luật BHXH 2006 được tổ chức triển khai thực hiện từ ngày 01/01/2009 với mục tiêu hỗ trợ người lao động bị mất việc một phần thu nhập, hỗ trợ học nghề và tư vấn, giới thiệu việc làm, giúp người lao động sớm quay trở lại thị trường lao động.
Từ ngày 01/01/2015, chính sách BHTN được thực hiện theo quy định của Luật Việc làm với những sửa đổi về mặt chính sách. Nhờ đó mà từ gần 6 triệu người tham gia BHTN vào năm 2009 thì đến 31/12/2019 đã có trên 13 triệu người tham gia, tổng số người được chi trả trợ cấp thất nghiệp hàng tháng gần 5,7 triệu người với số tiền chi trả trên 52.000 tỷ đồng. Tổng số người hưởng hỗ trợ học nghề trên 200.000 người với số tiền hỗ trợ 408 tỷ đồng. Ngoài ra, quỹ BHTN còn chi trả tiền đóng BHYT cho người hưởng TCTN với tổng số tiền xấp xỉ 2.400 tỷ đồng. Số đối tượng hưởng TCTN trong những năm đầu thực hiện chính sách còn tương đối thấp, thời gian hưởng TCTN ngắn, được phản ánh số chi các chế độ BHTN so với số thu quỹ BHTN trong những năm đầu chỉ dao động khoảng dưới 30%. Tuy nhiên, trong những năm gần đây tỷ lệ này bắt đầu gia tăng, năm 2015 là 52% trở lên thì đến năm 2019 tỷ lệ này là 70%. Đặc biệt trong 10 tháng đầu năm 2020 tỷ lệ này là khoảng 90%.
Cụ thể, số BHTN đến tháng 10/2020 là 15.129 tỷ đồng nhưng tính đến hết ngày 31/10/2020, toàn quốc đã giải quyết chế độ BHTN cho 881.895 người với số tiền chi trả 12.988 tỷ đồng, tăng 26,9% so với cùng kỳ 2019.
Không chỉ có số tiền trợ cấp thất nghiệp, tham gia BHTN, khi mất việc làm người lao động được hưởng 4 chế độ gồm: (1) Trợ cấp thất nghiệp; (2) hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; (3) hỗ trợ học nghề; (4) hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động. 10 tháng năm 2020, toàn quốc có 12.737 người được hỗ trợ học nghề.
Có thể thấy, trong bối cảnh hiện nay, BHTN đã thật sự trở thành “chỗ dựa” của cả triệu người lao động, giúp họ có nguồn tài chính vượt qua giai đoạn khó khăn, duy trì cuộc sống; giúp người sử dụng lao động không bị áp lực về tài chính, vì không phải chi trả trợ cấp thôi việc, mất việc cho người lao động và giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, vì không phải cấp một khoản kinh phí cũng như thời gian để xây dựng chính sách, trình tự, thủ tục để tổ chức thực hiện hỗ trợ cho đối tượng này.
PV: Những năm qua, đặc biệt 10 tháng năm 2020, số tiền chi trả BHTN là rất lớn. Nguồn quỹ này từ đâu và được quản lý, vận hành như thế nào, thưa ông?
- Ông Đỗ Ngọc Thọ: Theo quy định của Luật Việc làm, quỹ BHTN được hình thành từ các khoản đóng góp của người lao động, người sử dụng lao động, hỗ trợ của Nhà nước, tiền sinh lời của hoạt động đầu tư quỹ và nguồn thu hợp pháp khác. Tuy nhiên, Nhà nước chỉ hỗ trợ Quỹ BHTN theo nguyên tắc đảm bảo duy trì số dư quỹ hằng năm bằng 02 lần tổng chi quỹ BHTN của năm trước liền kề nhưng hỗ trợ tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng đóng BHTN của những người lao động đang tham gia BHTN. Do vậy mà từ năm 2015 đến nay, Nhà nước không phải hỗ trợ Quỹ BHTN hàng năm.
Trong thời gian qua, Quỹ BHTN luôn quản lý, vận hành tốt, theo đúng quy định và có kết dư, tính đến hết năm 2019 ước quỹ kết dư 84.000 tỷ đồng. Các khoản sinh lời từ hoạt động đầu tư hàng năm được phân bổ vào các quỹ theo quy định.
Số tiền kết dư của Qũy BHTN có nhiều nguyên nhân. Theo đó, năm 2009 bắt đầu thực hiện thu BHTN nhưng theo quy định đến năm 2010 mới có người đủ điều kiện về thời gian đóng để hưởng TCTN, hỗ trợ học nghề. Do đó trong năm 2009 chỉ phát sinh thu vào Quỹ BHTN mà không có phát sinh chi các chế độ BHTN.
Số chi hỗ trợ học nghề thấp, số người hưởng chỉ chiếm khoảng 5% so với số người hưởng TCTN do tâm lý người lao động chỉ quan tâm đến TCTN; Danh mục các nghề được đào tạo của các cơ sở đào tạo nghề tham gia thực hiện chế độ hỗ trợ học nghề còn lạc hậu, chưa gắn kết giữa nhu cầu của đơn vị sử dụng lao động; Chất lượng các khóa đào tạo nghề còn thấp nên chưa thu hút được sự quan tâm của người lao động. Từ khi thực hiện Luật Việc làm, số người hưởng hỗ trợ học nghề đã tăng nhiều so với trước đây nhưng vẫn chiếm một tỷ lệ thấp trong tổng số người hưởng TCTN hàng tháng.
Trên thực tế, nhóm đối tượng khu vực hành chính sự nghiệp ít bị mất việc làm hơn nhóm lao động ngoài quốc doanh, nhưng hiện nay mức đóng BHTN quy định là như nhau giữa các khu vực và nhóm đối tượng (người lao động đóng 1 % tiền lương tháng và đơn vị sử dụng lao động đóng 1 % quỹ tiền lương tháng) nên số người hưởng TCTN ở khu vực hành chính sự nghiệp là rất thấp.
Chi hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo Điều 47 Luật Việc làm từ năm 2015 đến nay chưa phát sinh. Hiện nay, hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động mất việc làm do cán bộ của Trung tâm Dịch vụ việc làm thực hiện tư vấn miễn phí nên chưa thực hiện chi đối với chế độ này.
PV: Quỹ có kết dư, cho thấy chúng ta còn nguồn lực để nâng cao hơn nữa hiệu quả thực hiện chính sách BHTN. Theo ông, đâu là giải pháp cho để chính sách BHTN phát huy hiệu quả tốt hơn nữa trong thời gian tới?
- Ông Đỗ Ngọc Thọ: Đầu tiên phải khẳng định, với các quy định hiện hành, chính sách BHTN hoạt động dựa trên nguyên tắc đóng - hưởng. Do đó, để hưởng những lợi ích của chính sách này điều kiện cần là người lao động cần ý thức được quyền và trách nhiệm tham gia của mình.
Trong đại dịch Covid-19 hiện nay, báo cáo của Tổng cục thống kê từng đưa ra con số 31,8 triệu người bị ảnh hưởng việc làm từ đại dịch ở Việt Nam. Đó là những người cần đến sự hỗ trợ của chính sách BHTN. Tuy nhiên, dù có sự tăng trưởng nhanh qua các năm nhưng tính đến tháng 10 năm 2020, toàn quốc số người tham gia BHTN mới có 13,03 triệu người tham gia BHTN. Con số này còn thấp so với lực lượng lao động trong độ tuổi ở nước ta, do đó cần phải tiếp tục thực hiện các giải pháp để tăng diện bao phủ, để BHTN có thể hỗ trợ được thêm nhiều người lao động hơn nữa.
Đơn cử, ngành du lịch đang chịu sự tác động rất lớn của đại dịch Covid-19, ước tính du lịch Việt Nam thất thu tới 23 tỷ USD, ảnh hưởng đến việc làm của khoảng 870.000 lao động. Tuy nhiên, lao động trong lĩnh vực này, hiện chủ yếu theo hình thức hợp đồng đại lý, không thuộc đối tượng tham gia BHTN nên không đủ điều kiện nhận được sự hỗ trợ từ chính sách. Đó là “khoảng trống” cần được “lấp đầy” trong tương lai của chính sách BHTN, nhất là với những ngành nghề người lao động dễ bị tổn thưởng do dịch bệnh, thiên tai.
Việc tăng diện bao phủ cũng giúp Quỹ BHTN thêm nguồn lực để chia sẻ, hỗ trợ tốt hơn cho người lao động. Nhìn vào những con số người hưởng, số chi BHTN trong 10 tháng năm 2020, dễ dàng nhận thấy nguồn lực quỹ BHTN tưởng dồi dào nhưng đứng trước những biến động lớn của thị trường lao động cũng đối mặt không ít thách thức. Với tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp và ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội còn lâu dài, số người hưởng BHTN vẫn còn tăng cho thấy những nguy cơ về mất cấn đối thu chi quỹ BHTN trong ngắn và trung hạn.
Với tư cách là cơ quan thực hiện chính sách BHTN, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục tổ chức thu, chi các chế độ BHTN, quản lý và sử dụng quỹ BHTN theo quy định của Luật Việc làm và các quy định liên quan. Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam đã kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền tăng cường giám sát việc thực hiện các chế độ BHTN nhằm đưa người lao động thất nghiệp sớm quay trở lại thị trường lao động, đánh giá lại công tác dạy nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động bị thất nghiệp trở lại thị trường lao động (cả về mặt chính sách cũng như hiệu quả trong việc tổ chức thực hiện chính sách dạy nghề, hệ thống tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động bị thất nghiệp hiện nay). Từ đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách về hỗ trợ học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động. Mở rộng điều kiện hỗ trợ để người sử dụng lao động dễ tiếp cận hơn với chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động. Bổ sung thêm các khoản hỗ trợ khác ngoài hỗ trợ học nghề. Đổi mới, nâng cao chất lượng của các trung tâm dạy nghề, tư vấn giới thiệu việc làm; gắn công tác dạy nghề, tư vấn giới thiệu việc làm với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, thị trường lao động.
Khi bốn chế độ BHTN ( TCTN; hỗ trợ học nghề; tư vấn giới thiệu việc làm; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động) được thực hiện đầy đủ sẽ mang lại những lợi ích lớn hơn nữa cho người lao động, người sử dụng lao động và chắc chắn quỹ BHTN sẽ không còn kết dư như hiện nay.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
PV (thực hiện)