Thứ Năm, 10/10/2024
Văn hóa
Chủ Nhật, 11/2/2024 14:14'(GMT+7)

Để di sản thành “tài sản “và phát huy “quyền lực mềm”

Di sản văn hóa, di sản thiên nhiên luôn hấp dẫn du khách

Nền văn hóa Việt Nam giàu truyền thống, bản sắc và rất phong phú, đa dạng với rất nhiều di sản vật thể và phi vật thể. Về số lượng các di sản được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh thì nước ta thuộc tốp 10 trên thế giới.

Tính đến nay Việt Nam được UNESCO công nhận 8 di sản thế giới, 15 di sản văn hóa phi vật thể, 9 di sản văn hóa tư liệu, 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới, 3 công viên địa chất toàn cầu, 9 khu Ramsar (khu đất ngập nước). Bên cạnh đó là 485 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nổi bật trong hệ thống di sản của nước ta là 8 di sản thế giới, trong đó có 5 di sản văn hóa là Quần thể di tích cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Khu Di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Thành nhà Hồ; 2 di sản thiên nhiên là Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, Vịnh Hạ Long-Quần đảo Cát Bà; 1 di sản hỗn hợp là Quần thể danh thắng Tràng An.

Các di sản văn hóa, di sản thiên nhiên là mỏ vàng để ngành du lịch khai thác, mang về cho đất nước ngoại tệ.

Vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) được UNESCO vinh danh là Di sản thiên nhiên thế giới lần đầu tiên năm 1994 nhờ cảnh quan độc đáo. Năm 2011, Vịnh Hạ Long được bầu chọn là một trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới. Năm 2000 và 2011, Vịnh Hạ Long lần thứ 2 và thứ 3 được ghi danh là Di sản thiên nhiên thế giới nhờ giá trị đặc biệt về địa chất - địa mạo. Đến tháng 9/2023, Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) trong tổng thể với Quần đảo Cát Bà (Hải Phòng) một lần nữa được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới.

Trong năm 2023 có 15,5 triệu lượt khách (khoảng 2 triệu khách quốc tế) đến Quảng Ninh, chủ yếu để tham quan Vịnh Hạ Long. Doanh thu du lịch của tỉnh đạt gần 33.500 tỷ đồng, trọng tâm là khai thác lợi thế du lịch biển đảo, du lịch sinh thái, trụ cột là bảo tồn và phát huy các giá trị của Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.

Bên cạnh Quần thể di tích cố đô, tỉnh Thừa Thiên-Huế còn sở hữu Di sản văn hóa phi vật thể Nhã nhạc cung đình. Địa phương này đã biết kết hợp giữa việc bảo tồn và phát triển, thu hút khách du lịch. Quần thể di tích cố đô Huế trước đây chỉ đón vài chục nghìn lượt khách du lịch nhưng hiện nay mỗi năm thu hút được hàng triệu khách tham quan. Năm 2023, lượng khách đến tỉnh đạt 3,2 triệu lượt, trong đó có 1,2 triệu khách quốc tế. Dịch vụ đóng góp 53% GDP của tỉnh, trong đó tỷ trọng dịch vụ, du lịch do khai thác di sản chiếm phần lớn.

Năm 2012, khi Quần thể danh thắng Tràng An được lập hồ sơ gửi đi UNESCO thì Ninh Bình chỉ đón 3,75 triệu lượt khách. Đến hết năm 2023, sau khi có “tiếng lành đồn xa” về Tràng An, tỉnh đón gần 6,6 triệu lượt khách, trong đó khoảng 400.000 khách quốc tế.

Tính chung trên cả nước, trong năm 2023 ngành du lịch Việt Nam đón 12,6 triệu lượt khách nước ngoài. Cục Du lịch Quốc Gia Việt Nam cho biết, hơn 70% du khách quốc tế đến nước ta trước hết là để khám phá các di sản đã được thế giới công nhận.

Lan tỏa sức mạnh mềm

“Sức mạnh mềm” - thương hiệu quốc gia là hình ảnh và dấu ấn của một quốc gia được thế giới ghi nhận. Các yếu tố tạo ra “sức mạnh mềm” là giá trị của nền văn hóa, lịch sử, du lịch, kinh tế... “Sức mạnh mềm” trên trường quốc tế càng lớn thì càng mang lại nhiều lợi ích kinh tế, chính trị và xã hội cho quốc gia.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Sỹ Phán, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, “sức mạnh mềm” văn hóa Việt Nam là khả năng đạt được những gì mà dân tộc, nhân dân Việt Nam mong muốn thông qua việc gây dựng ảnh hưởng, tạo sự hấp dẫn bởi giá trị văn hóa Việt Nam.

Còn Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), thì cho rằng nước ta có thể chuyển hóa được các nguồn tài nguyên di sản phi vật thể, vật thể dày đặc và hấp dẫn thông qua hoạt động du lịch.

Các chuyên gia nói gì?

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

"Khách du lịch hiểu gì về lịch sử Việt Nam? Muốn họ hiểu và quay lại, trước hết, các công ty lữ hành cần phải tạo ra chương trình, sản phẩm du lịch có yếu tố “nghe - nhìn” phù hợp với thị hiếu của từng đối tượng khách. Đây vừa là cách bảo tồn di sản văn hóa, vừa để phát huy hiệu quả giá trị của loại hình nghệ thuật biểu diễn gắn với di sản".

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch):

"Thời gian tới, các địa phương và Cục Di sản vẫn tiếp tục nghiên cứu, lập hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận, ghi danh các di sản văn hóa, di tích, danh lam thắng cảnh tiêu biểu của Việt Nam là di sản thế giới. Các đơn vị, địa phương cần lựa chọn, đầu tư xây dựng thương hiệu cho những di tích tiêu biểu".

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam:

“Chúng ta cần có chiến lược đào tạo thêm cho hướng dẫn viên du lịch, đại diện công ty du lịch về di sản. Hiện tại, nhiều hướng dẫn viên thậm chí không biết Việt Nam có bao nhiêu di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Đôi khi, hướng dẫn viên còn phải biết về Hán Nôm, về di sản vật thể, phi vật thể và cả về phong tục, tập quán của quê hương khách để có ứng xử phù hợp, tạo thiện cảm cho du khách, khiến họ muốn quay trở lại…".

Ông Phạm Hà, CEO LUX Group (doanh nghiệp về du lịch, lưu trú, lữ hành):

“Hãy định vị du lịch Việt Nam là “Điểm đến hàng đầu di sản Châu Á” hoặc “Chạm vào di sản Việt Nam” để chúng ta có hướng xúc tiến du lịch tổng thể và hiệu quả trên cả môi trường số, ứng dụng chuyển đổi số…".

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam:

“Việt Nam cần hình thành cơ chế liên kết, chuyển hóa nguồn lực thành sức hấp dẫn du lịch thông qua sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa. Đây là lựa chọn chuyển hóa phù hợp cho các quốc gia đang phát triển như Việt Nam vốn bị hạn chế về nguồn tài nguyên cứng, nhưng sẵn có một nguồn lực mềm văn hóa đầy tiềm năng là các di sản phi vật thể và vật thể vô cùng hấp dẫn”.

Thạc sỹ Bùi Trị Điền, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội:

“Để gia tăng sức mạnh mềm văn hóa, phải gắn kết chặt chẽ văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội; gắn phát triển văn hóa với phát triển du lịch. Du lịch văn hóa mang lại những trải nghiệm sinh động cho du khách về những nét văn hóa đặc sắc của một cộng đồng, một địa phương, một quốc gia, từ đó xây dựng tình cảm, niềm tin đối với du khách, đặc biệt là du khách quốc tế”./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất