Thứ Sáu, 22/11/2024
Văn hóa
Thứ Tư, 17/1/2024 17:50'(GMT+7)

Phát triển ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô Hà Nội

TIỀM NĂNG LỚN, TIỀN ĐỀ QUAN TRỌNG TẠO ĐIỀU KIỆN THUẬN LỢI PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA THỦ ĐÔ

Góp phần cụ thể hóa chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 ngày 22/2/2022, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là một trong hai nghị quyết chuyên đề của Thành ủy Hà Nội khóa XVII (bên cạnh nghị quyết về công tác cán bộ), đã cho thấy ý nghĩa, tầm quan trọng của văn hóa và minh chứng cho sự coi trọng văn hóa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ Thủ đô.

Mục tiêu chung được Thành phố Hà Nội xác định là tạo bước phát triển toàn diện các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, đảm bảo phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ, tỷ trọng, giá trị gia tăng cao; hoạt động có tính chuyên nghiệp, với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; dịch vụ, sản phẩm văn hóa đa dạng, có chất lượng, có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ của người dân trong nước, thúc đẩy phát triển du lịch và xuất khẩu. Tập trung đầu tư phát triển một số lĩnh vực giàu tiềm năng, lợi thế của Thủ đô như: du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, quảng cáo, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, mỹ thuật; điện ảnh, thời trang, ẩm thực; phần mềm và các trò chơi giải trí; truyền hình và phát thanh, xuất bản phù hợp với thực tiễn Thủ đô và từng giai đoạn cụ thể. Điểm mới được Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh trong Nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô Hà Nội lần này không chỉ xác định mục tiêu phát triển đến năm 2030 mà còn định hướng phát triển đến năm 2045 (là năm kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

Đây được coi là bước đột phá trong phát triển văn hóa Thủ đô, nhằm đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn văn hóa và phát triển văn hóa, cải thiện chất lượng văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, thu hẹp dần khoảng cách, nâng cao khả năng hưởng thụ văn hóa giữa các vùng (đô thị, ngoại thành, khu vực xa trung tâm,...) của Thủ đô, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, gia tăng tỷ trọng đóng góp vào GRDP của Thành phố. Đồng thời, hiện thực hóa quan điểm, mục tiêu được Bộ Chính trị xác định tại Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 về “Phương hướng nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với yêu cầu Hà Nội cần: “Tập trung phát triển văn hoá Thủ đô xứng tầm với truyền thống nghìn năm Thăng Long - Hà Nội; xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hoá của cả nước, trở thành nguồn lực phát triển mới cho Thủ đô”, phấn đấu sớm hoàn thành mục tiêu đưa “Thủ đô Hà Nội là Thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực”.

Hồ Gươm Hà Nội

Hồ Gươm Hà Nội

Thế mạnh của Hà Nội để phát triển công nghiệp văn hóa không chỉ là “vốn” di sản văn hóa giàu có, mà còn có nguồn lực con người to lớn, với trên 51,7% dân số trẻ, tập trung nhân tài, trí tuệ của cả nước với hơn 70% trường đại học, trung tâm nghiên cứu, học viện; số nhà khoa học đầu ngành, giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ và tiến sĩ khoa học đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội, chiếm hơn 65% tổng số các nhà khoa học trong cả nước; 80% số phòng nghiên cứu khoa học trọng điểm của cả nước nằm trên địa bàn; có 2 khu công nghiệp công nghệ cao, hơn 3.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thiết kế, nghệ thuật, văn hóa, thời trang, thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 6.000 USD/người/năm, tầng lớp trung lưu tăng nhanh,… Hà Nội đang trở thành một thành phố năng động, phát triển. Đây là những tiềm năng lớn, tiền đề quan trọng tạo điều kiện thuận lợi cho Hà Nội phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô.

Bên cạnh đó, với vị thế là Thủ đô, Hà Nội còn có thế mạnh là trung tâm lớn về khoa học công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế, có mối quan hệ hợp tác với hơn 100 thủ đô các nước, quan hệ thương mại với trên 200 quốc gia, vùng lãnh thổ… Đây là điều kiện thuận lợi cho phát triển, là thị trường rộng mở để sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm từ ngành công nghiệp văn hóa. Đặc biệt, năm 2019, sau 20 năm đón nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” do UNESCO trao tặng, Hà Nội tiếp tục được vinh danh là thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO với mục tiêu lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững. Sự kiện này giúp xác lập mục tiêu phát triển văn hóa mới, truyền cảm hứng sáng tạo và định vị thương hiệu mới cho Hà Nội trên trường quốc tế, là bước tiến thuận lợi cho Thủ đô có điều kiện phát huy sức mạnh tổng hợp các nguồn lực, nhất là khai thác, phát huy tối đa nguồn lực văn hóa, con người thành nguồn “sức mạnh mềm” đảm bảo cho việc kế thừa và phát triển dòng chảy văn hóa sáng tạo của Thủ đô.

Với những thay đổi tích cực về chính sách, trên cơ sở khai thác phát huy những lợi thế so sánh, khơi thông nguồn lực văn hóa với bề dày lịch sử, trên nền tảng di sản văn hóa phong phú, đa dạng, nơi hội tụ, kết tinh, tỏa sáng, nơi nuôi dưỡng, thúc đẩy sự sáng tạo văn hóa, nơi tạo ra các sản phẩm và dịch vụ văn hóa chất lượng, thời gian qua, Thành phố Hà Nội đã ban hành các cơ chế, chính sách để phát triển văn hóa nói chung và công nghiệp văn hóa nói riêng. Qua đó, các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô đã từng bước phát triển và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.

Sau hơn một năm ban hành Nghị quyết riêng về phát triển công nghiệp văn hóa, Hà Nội hiện nay đang hình thành và phát triển sự đa dạng của các sản phẩm thủ công và những sản phẩm của sự sáng tạo đã có mặt ở khắp nơi trong Thành phố. Cùng với việc kết nối với mạng lưới hơn 100 không gian sáng tạo trên địa bàn Thủ đô đã tạo nên bản sắc riêng có của Hà Nội trong cách Thành phố lưu giữ truyền thống, định hình hiện tại và hướng tới tương lai dựa trên phát huy nguồn tài nguyên văn hóa thành sức mạnh mềm văn hóa thông qua các ngành công nghiệp văn hóa. Đáng chú ý là việc chuyển đổi công năng di sản công nghiệp của nhiều khu vực nhà máy cũ, khu công nghiệp, khu vực kém phát triển tại nhiều đô thị của Thành phố được quan tâm nghiên cứu, đề xuất và thử nghiệm chuyển đổi công năng thành các trung tâm sáng tạo, không gian văn hóa nghệ thuật,… như: Nhà máy xe lửa Gia Lâm, tháp nước Hàng Đậu, biệt thự cũ,… tạo điều kiện thuận lợi về không gian cho đông đảo văn nghệ sĩ, cộng đồng sáng tạo, doanh nghiệp, người dân Thủ đô, du khách trong nước và quốc tế có không gian trải nghiệm và thực hành sáng tạo. Nhiều không gian sáng tạo đã trở thành thương hiệu, điểm nhấn của Hà Nội như: Không gian đi bộ Hồ Hoàn Kiếm, chỉ trong hơn 3 năm gần đây đã có gần 500 sự kiện trong nước và quốc tế được tổ chức; Không gian văn hóa Phố sách - nơi hội tụ nhiều nhà xuất bản lớn, uy tín với nhiều hoạt động về văn hóa đọc, lễ hội, triển lãm, xuất bản, mua bán sách. Trong khoảng 5 năm, Phố sách Hà Nội đã đón khoảng hơn 3 triệu độc giả đem về doanh thu khoảng 29 tỉ đồng. Các không gian này góp phần quan trọng trong việc tạo môi trường văn hóa mới, phát triển bối cảnh văn hóa sáng tạo đương đại của Thành Phố nói chung và giới trẻ yêu nghệ thuật, văn hóa nói riêng.

Đặc biệt, sự kiện Hà Nội chính thức là thành viên của mạng lưới các thành phố sáng tạo, Hà Nội cho thấy một diện mạo trẻ trung, hiện đại và sáng tạo trên nền tảng lịch sử, văn hóa ngàn năm văn hiến, trở thành một thành phố năng động nhất trên thế giới. Một trong những điểm nhấn quan trọng của Hà Nội sau khi tham gia Mạng lưới đó là tổ chức thành công Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội thường niên, trở thành sự kiện được mong đợi đối với nghệ sĩ, nhóm nghệ sĩ, diễn giả, nghệ nhân, cộng đồng sáng tạo trong nước và quốc tế tham gia.

Nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực văn hóa nói chung, công nghiệp văn hóa nói riêng được thành phố quan tâm đầu tư. Năm 2022, Thành phố đã thông qua Nghị quyết số 02/NQ-HĐND bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 và những năm tiếp theo với hơn 14.000 tỉ đồng để tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa - nguồn lực vô cùng quan trọng cho phát triển du lịch văn hóa, xây dựng thành phố sáng tạo; thông qua Nghị quyết Về việc quy định chế độ đãi ngộ, hỗ trợ đối với nghệ sỹ, nghệ nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”, “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”; Câu lạc bộ tiêu biểu trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể Thành phố Hà Nội… Đây là quyết sách quan trọng, góp phần tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển cho các ngành, lĩnh vực công nghiệp văn hóa phát triển. Cùng với đó, việc Thủ đô Hà Nội rất tích cực giao lưu đẩy mạnh hợp tác quốc tế về công nghiệp văn hóa, tích cực tham gia các diễn đàn, hội thảo, tọa đàm trong nước, khu vực và quốc tế trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO… Coi trọng chiến lược ngoại giao văn hóa, thúc đẩy quan hệ hợp tác với hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây được xem là một kênh dẫn truyền quan trọng để thúc đẩy công nghiệp văn hóa Thủ đô phát triển.

Đảng bộ Thành phố Hà Nội xác định: “Phát triển công nghiệp văn hóa được đặt trong tổng thể và dựa trên nền tảng phát triển văn hóa, con người Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Đây là điều kiện để phát huy tối đa nguồn lực văn hóa, con người, tạo nên sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng quyết định phát triển bền vững Thủ đô”.

ĐỂ HÀ NỘI TRỞ THÀNH MỘT TRONG BA TRUNG TÂM HÀNG ĐẦU CỦA CẢ NƯỚC VỀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA

Từ nhận thức tới hành động, phát huy tiềm năng, thế mạnh để phát triển công nghiệp văn hóa, để trở thành một trong ba trung tâm hàng đầu của cả nước về phát triển công nghiệp văn hóa, định vị tầm nhìn, chiến lược cho một “Thành phố sáng tạo”, thời gian tới, Hà Nội tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện nhất quán với 6 quan điểm, cụ thể là: Thứ nhất, phát triển công nghiệp văn hóa được đặt trong tổng thể và dựa trên nền tảng phát triển văn hóa, con người Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Thứ hai, phát triển công nghiệp văn hóa trên nguyên tắc đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, phát huy tối đa những tiềm năng, thế mạnh, giá trị văn hóa truyền thống mang bản sắc của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Thứ ba, phát triển công nghiệp văn hóa là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, của toàn xã hội trên tinh thần “đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển bền vững”. Thứ tư, quá trình phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với hoàn thiện thị trường văn hóa, đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, lộ trình theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, phát huy cao nhất lợi thế của Thủ đô. Thứ năm, đảm bảo kết cấu hạ tầng, tạo lập môi trường và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cho các ngành công nghiệp văn hóa phát triển. Thứ sáu, hoàn thiện quy hoạch, cơ chế, chính sách phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa để huy động, đầu tư, khai thác tối đa và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô vừa bao trùm, đặc sắc, vừa bền vững, hiện đại.

Chương trình trình diễn áo dài với chủ đề

Chương trình trình diễn áo dài với chủ đề "Di sản văn hóa thế giới của Việt Nam" trên tà áo dài truyền thống tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội)_Nguồn: toquoc.vn

Cùng với 6 quan điểm nêu trên, Hà Nội cũng đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô Hà Nội đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 và có nhiều điểm mới so với Đề án về phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô trước đó, như: Khơi dậy ý chí khát vọng phát triển Thủ đô của nhân dân Hà Nội; lấy khoa học, công nghệ cao và đổi mới sáng tạo là động lực then chốt để xây dựng và phát triển Thủ đô; phát triển văn hóa, xây dựng nền công nghiệp văn hóa Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước, trở thành nguồn lực mới cho Thủ đô; hoàn thiện hệ thống pháp luật về Thủ đô với cơ chế, chính sách phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô.

Từ thực tiễn, Hà Nội xin đưa ra một số vấn đề có tính khuyến nghị sau:

Một là, cần nghiên cứu, xây dựng và có cơ chế thực thi hiệu quả Quy hoạch cấp quốc gia cho chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; đồng thời hướng dẫn các địa phương trong cả nước triển khai quy hoạch đồng bộ nhằm tạo sự thống nhất mục tiêu phát triển.

Hai là, ban hành và triển khai hướng dẫn thực hiện “Khung tiêu chí/chỉ số đánh giá các ngành công nghiệp văn hóa” tới các ngành, địa phương nhằm thống nhất trong công tác thống kê, đánh giá chất lượng, hiệu quả cũng như kịp thời bổ sung cơ chế, chính sách, khơi thông nguồn lực cho phát triển công nghiệp văn hóa đảm bảo đúng hướng, phát huy được tinh thần đổi mới sáng tạo.

Ba là, điều chỉnh sửa đổi, bổ sung những chính sách còn chênh với thực tiễn, là “rào cản” trong phát triển. Như vấn đề đang đặt ra hiện nay, hợp tác công tư trong công tác bảo tồn, phát huy, khai thác giá trị di sản cần có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, bền vững của các chủ thể: cơ quan nhà nước quản lý di sản văn hóa; tổ chức, cá nhân có nhu cầu hoạt động văn hóa và các cơ quan, cá nhân nghiên cứu khoa học...

Bốn là, Trung ương cần có kế hoạch tổng thể về các sự kiện, lễ hội, các Festival của cả nước để có điều chỉnh, phân bố sao cho phù hợp tránh việc dồn dập một lúc quá nhiều sự kiện trong cùng thời điểm, để Việt Nam là một quốc gia có nhiều sự kiện văn hóa trải rộng cả năm.

Năm là, đề nghị Trung ương có thể thí điểm một số chính sách về văn hóa nói chung và về công nghiệp văn hóa nói riêng. Hà Nội sẵn sàng là địa phương xin được thí điểm, thử nghiệm đầu tiên.

Năm 2018, ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 1,49 tỉ USD vào tổng sản phẩm trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Tổng doanh thu trực tiếp từ làng nghề truyền thống và các làng có nghề của Thành phố Hà Nội đạt khoảng 983,5 triệu USD năm 2018 (với tổng số gần 1 triệu lao động trực tiếp; kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng thủ công mỹ nghệ đạt cũng 192 triệu USD (chiếm tỷ trọng 1,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của Thành phố Hà Nội).

Năm 2023, Hà Nội đón 21 triệu lượt khách, trong đó có gần 4 triệu lượt khách quốc tế (vượt kế hoạch năm), tăng 3,5 lần so với năm 2022 và 17.1 triệu lượt khách nội địa, tăng 19,1%. Tổng thu từ du lịch ước đạt 76,3 nghìn tỉ đồng, tăng 66,9% với cùng kỳ năm trước và Hà Nội tiếp tục được công nhận Điểm đến du lịch Thành phố hàng đầu châu Á và thế giới. Cơ cấu kinh tế Thủ đô chuyển dịch nhanh chóng theo hướng gia tăng nhanh các ngành dịch vụ lên đến 65,13%, GRDP của Thủ đô tăng trưởng khá, bình quân đạt 6,7%/năm, gấp 1,43 lần so với cả nước.

 

NGUYỄN VĂN PHONG
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội

 

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất