Thứ Hai, 30/9/2024
Kinh tế
Chủ Nhật, 22/4/2012 23:17'(GMT+7)

Ðể doanh nghiệp tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng

 

Sự "đuối sức" của DN thể hiện rõ trên các báo cáo tài chính quý I-2012 đã được công bố, trong đó, phần lợi nhuận âm ngày càng lớn. Tăng trưởng tín dụng ba tháng đầu năm ở mức âm, dư nợ giảm mạnh, cho thấy không chỉ nhu cầu mà cả điều kiện để vay vốn ngân hàng của DN cũng đã giảm mạnh. Hoạt động của DN ngày càng rơi vào bế tắc, nhiều DN trước đây hoạt động khá sôi động, thời gian gần đây đã phải tạm thời ngừng hoạt động.

Bên cạnh việc quyết định giảm lãi suất huy động, NHNN cũng đã quyết định "gỡ" nút thắt tín dụng bằng cách mở van tín dụng cho bất động sản và cho vay tiêu dùng. Tín dụng phi sản xuất đã được mở đến 50% và có khả năng sẽ tiếp tục mở. Tuy nhiên, những kỳ vọng đã không đạt được như dự kiến. Thực tế, chỉ có một số ngân hàng thương mại lớn thật sự giữ được mức lãi suất huy động 12%/năm, nhiều ngân hàng khác vẫn đang phải chấp nhận "đi đêm", tìm mọi cách để thu hút vốn huy động với mức lãi suất vượt trần từ 2 đến 4%/năm, vì thanh khoản của các ngân hàng này chưa thật sự được cải thiện. Với việc không thể duy trì được mức trần lãi suất huy động 12%, cho nên thực tế lãi suất cho vay của một số ngân hàng thương mại vẫn còn ở mức khá cao, phổ biến trong khoảng từ 19,5 đến 21,5%/năm. Với mức lãi suất này, các DN phải có lợi nhuận từ 25 đến 30%/năm thì mới trang trải được lãi vay. Ðiều này quả là không dễ thực hiện trong điều kiện hết sức khó khăn hiện nay. Khi tung ra các gói tín dụng ưu đãi, các ngân hàng thương mại đều nói rất rõ, dành cho những đối tượng được ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ. Cụ thể là các DNVVN, doanh nghiệp xuất khẩu và nông nghiệp nông thôn. Thế nhưng, dù là đối tượng nào đi nữa, đặc biệt đối với những khách hàng muốn vay với mức lãi suất thấp thì ngân hàng cũng phải chọn những doanh nghiệp "khỏe mạnh". Bản thân các DN hiện cũng rất e dè vì đang gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, còn các DN có vấn đề về "sức khỏe" thì không ngân hàng nào dám cho vay, vì lo nợ xấu. Do đó, xuất hiện tình trạng vốn không thiếu, lãi suất hạ, song tìm khách hàng để cho vay cũng không dễ.

Theo Ngân hàng Á Châu (ACB), kết quả khảo sát nhóm DNVVN do ngân hàng này thực hiện mới đây, có khoảng 35% DN cho biết đang gặp khó khăn khi tiếp cận vốn tín dụng, 30% không thể tiếp cận và phải vay bên ngoài, 35% DN cho rằng tiếp cận được nhưng rất khó. Trong số các DN không tiếp cận được vốn vay, có đến 70% cho rằng thủ tục rườm rà, 53% không đủ tài sản thế chấp, 51% không chứng minh được thu nhập, 36% cho rằng lãi suất cao...

Có thể nhận thấy rõ, việc giảm lãi suất huy động xuống còn 12% như hiện nay, về cơ bản chưa giúp được gì nhiều cho DN. Vấn đề DN cần hiện nay là thị trường tiêu thụ khởi sắc để duy trì sản xuất kinh doanh trở lại. Cho nên trong lúc này, sự thống nhất về mục tiêu và tính tổng thể trong điều hành chính sách cần phải được đặt ra chứ không phải chỉ là những "liều thuốc" đơn lẻ.

THANH HÀ/Nhân Dân 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất