Trong sinh hoạt nghệ thuật ở Việt Nam, đã có giai đoạn, sân khấu luôn là một sức hút mạnh mẽ đối với công chúng nghệ thuật. Các nhà hát thường xuyên sáng đèn, dư âm nhiều vở diễn lan tỏa rất lâu trong công chúng.
Song thời gian qua, vì nhiều lý do, sân khấu đã mất dần sự hấp dẫn với người xem. Phải chăng sân khấu đang tự đánh mất vị trí của mình hay là do sự thiếu vắng tác giả tài năng và tác phẩm xuất sắc có thể đáp ứng được đòi hỏi ngày càng khắt khe của khán giả?
Trong nhiều năm, tác giả Lưu Quang Vũ luôn được xem là một hiện tượng đặc sắc của sân khấu Việt Nam. Tác phẩm kịch của ông thường xuyên góp mặt tại các liên hoan, hội diễn sân khấu, góp phần “hâm nóng” nhiều sàn diễn, thu hút công chúng tìm đến thưởng thức, tâm đắc và ngẫm ngợi trước những vấn đề được đặt ra trong tác phẩm. Năm 2013, lần đầu tiên trong lịch sử sân khấu Việt Nam có một liên hoan dành riêng cho một tác giả, đó là Liên hoan các vở diễn sân khấu được dàn dựng từ kịch bản của Lưu Quang Vũ do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam chủ trì phối hợp Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và gia đình tổ chức nhân 25 năm ngày mất của ông. Với công chúng, đây không chỉ là dịp để thưởng thức các tác phẩm có giá trị của một nghệ sĩ tài hoa, mà còn là cơ hội quý giá để được sống lại với không khí của một thời chưa xa qua những tác phẩm sân khấu có tính thời sự cao nhưng lại hết sức gần gũi với đời thường... Có thể thấy, dù hơn một phần tư thế kỷ đã trôi qua, song những đóng góp về nghệ thuật cũng như tính dự báo trong một số tác phẩm của Lưu Quang Vũ vẫn còn nguyên giá trị. Điều đó phần nào lý giải sức sống lâu bền của kịch bản Lưu Quang Vũ trong thưởng thức nghệ thuật của công chúng.
Hiện tượng Lưu Quang Vũ khiến nhiều người nhớ đến những năm 80, 90 của thế kỷ trước, khoảng thời gian thường được coi là “thời hoàng kim” của sân khấu Việt Nam. Khi đó, bên cạnh Lưu Quang Vũ, còn có sự góp mặt của một lực lượng hùng hậu tác giả kịch bản nổi tiếng với Xuân Trình, Tất Đạt, Doãn Hoàng Giang, Võ Khắc Nghiêm, Sỹ Hanh... Trước hiện thực xã hội của những năm tháng đất nước vừa bước ra khỏi chiến tranh chưa lâu, niềm hân hoan, tự hào chiến thắng vẫn dư âm mạnh mẽ nhưng lại lập tức phải đối mặt với biết bao khó khăn và thử thách, cơ chế quản lý đang nảy sinh một số vấn đề bất cập, nền kinh tế cần những biến chuyển, hướng phát triển mới... với tài năng, sự nhạy bén, ý thức trách nhiệm của cá nhân nghệ sĩ, các tác giả đã có sự nhập cuộc rất quyết liệt. Cùng với văn học, sân khấu đã chứng tỏ khả năng của nó qua việc các nghệ sĩ nắm bắt hiện thực, trăn trở và sáng tạo, phản ánh sinh động trong tác phẩm. Có thể kể đến các vở diễn tiêu biểu của thời kỳ này như Mùa hè ở biển (Xuân Trình), Nhân danh công lý (Doãn Hoàng Giang và Võ Khắc Nghiêm), Tôi và chúng ta, Lời thề thứ 9, Điều không thể mất... của Lưu Quang Vũ. Dù khai thác đời sống ở các khía cạnh khác nhau, nhưng mỗi tác giả kịch bản đều đã thể hiện một thái độ trung thực và thẳng thắn với thời cuộc: lên án cái ác, đấu tranh với tiêu cực, phê phán sự lỗi thời, lạc hậu đang cản trở sự hình thành và phát triển của cái mới, ca ngợi lòng nhân ái... Không thể phủ nhận được rằng, nghệ thuật nói chung và sân khấu nói riêng đã đóng góp vai trò tích cực trong các năm đầu của sự nghiệp đổi mới đất nước. Đáng chú ý, cũng trong giai đoạn này, sân khấu được đánh giá như một ngành nghệ thuật tiên phong, bám sát đời sống, phản ánh các vấn đề mang tính thời đại với nhiều tìm tòi mới mẻ, hấp dẫn, có khả năng truyền cảm hứng mạnh mẽ trong công chúng cảm thụ.
Điều đó giúp lý giải sự yêu thích, say mê của công chúng đối với sân khấu trong một thời gian dài. Các “địa chỉ đỏ” như Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Kịch Hà Nội,... thường xuyên sáng đèn. Cùng với đó, hệ thống đài phát thanh, truyền hình cũng góp sức đưa các vở diễn đến với đông đảo nhân dân. Nhiều người còn nhớ các chương trình sân khấu tối thứ bảy hằng tuần, các gia đình quây quần bên chiếc đài thu thanh, say sưa lắng nghe các tác phẩm sân khấu được phát trên sóng phát thanh. Khi đó, thế giới nghệ thuật hoàn toàn không phải là “tháp ngà” xa lạ mà trở nên hết sức gần gũi với đông đảo công chúng. Các tác phẩm đã nói giúp họ tâm tư, nguyện vọng, phản ánh được nỗi băn khoăn, trăn trở cũng như khát vọng đổi mới trong bối cảnh xã hội đang có nhiều biến chuyển chưa có tiền lệ. Ở chiều ngược lại, hình tượng các nhân vật từ sân khấu được soi chiếu vào cuộc đời thực, có tác dụng nhắc nhở, định hướng cộng đồng. Nhờ đó, các giá trị nhân văn, hướng thiện được tôn vinh, phát huy trong đời sống. Đến với vở diễn, công chúng vừa được thưởng thức tác phẩm nghệ thuật, vừa được tham gia bàn luận về các vấn đề nổi cộm trong cuộc sống của chính mình.
Tuy nhiên, đến giai đoạn hiện nay, không ít sân khấu lại đang phải vật lộn để tồn tại hoặc mất dần sức hút với công chúng. Thay vào đó là sự thờ ơ, lạnh nhạt từ phía người xem. Nguyên nhân khách quan là sự phát triển của lĩnh vực giải trí với nhiều hình thức mới đa dạng, hấp dẫn, có tính cạnh tranh hơn khiến sân khấu dần bị lép vế. Nhưng đó không phải là nguyên nhân chủ yếu. Cần thẳng thắn nhìn thẳng vào một sự thật của sân khấu hiện nay, đó là chúng ta đang thiếu những vở diễn có tầm vóc về tư tưởng - nghệ thuật, có tính thời sự, đủ sức lôi cuốn công chúng tìm đến. Các liên hoan, hội diễn sân khấu vẫn được tổ chức định kỳ với công thức phổ biến là nhiều kịch bản cũ được dàn dựng lại. Hết liên hoan, hội diễn nhiều nhà hát, đoàn kịch lại trở lại không khí vắng lặng. Để tồn tại, nhiều đơn vị nghệ thuật chọn cách chạy theo “thời vụ”, chương trình chỉ “chạy” trong thời gian ngắn, thậm chí chỉ diễn một buổi. Một số đơn vị nghệ thuật nhạy bén hơn thì tổ chức sản xuất các chương trình kịch ngắn, hài kịch có nội dung nhẹ nhàng, tích cực để lưu diễn tại các địa phương. Nhằm thu hút người xem, một số đoàn nghệ thuật đã mạnh dạn dàn dựng các vở diễn đáp ứng nhu cầu của một bộ phận công chúng như khai thác yếu tố kỳ ảo, vấn đề đồng tính... nhưng, vì quá đặt nặng tính giải trí, nội dung đơn giản, sức sống của những chương trình này cũng không được lâu bền. Tuy nhiên tại một số đơn vị vẫn kiên trì với giá trị nghệ thuật, trong khi chờ đợi những kịch bản đặc sắc mới, việc dàn dựng lại các vở diễn kinh điển, có giá trị vẫn tạo hiệu ứng mạnh mẽ với khán giả. Điều đó cho thấy, công chúng không hoàn toàn quay lưng với sân khấu, mà chính sân khấu đang chưa đáp ứng được sự mong đợi, kỳ vọng của khán giả.
Cần phải khẳng định nghệ thuật nói chung và sân khấu nói riêng luôn đồng hành cùng với nhân dân, cùng với dân tộc. Bởi vậy, mọi sáng tạo nghệ thuật cần phải xuất phát từ cuộc sống của nhân dân và dân tộc. Đó là bệ phóng vững chắc cho lao động sáng tạo của nghệ sĩ. Dù vấn đề tự chủ của các nhà hát vẫn đang là một thách thức, thì công chúng vẫn đang chờ đợi các tác phẩm phản ánh được tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của họ trong giai đoạn hiện nay. Nếu các đơn vị sân khấu không chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy cũng như cách thức hoạt động thì khó có thể nắm bắt, đáp ứng kịp thời đòi hỏi của công chúng. Sân khấu nào chậm đổi mới, thiếu sáng tạo sẽ tự đánh mất vị trí của mình trong lòng người hâm mộ.
Ý thức được điều này, thời gian qua, đã xuất hiện những vở diễn bám sát các diễn biến thời sự hoặc vấn đề nóng bỏng của đời sống, tạo được hiệu ứng tích cực trong công chúng. Tiêu biểu như vở kịch hát Tiên Nga của sân khấu kịch IDECAF. Từ tác phẩm truyện thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, đạo diễn Thành Lộc đã dàn dựng tác phẩm thành một vở nhạc kịch cổ trang hấp dẫn mà không bị “cải lương hóa”, “hát bội hóa”, đồng thời khéo léo lồng ghép các vấn đề thời sự, khiến vở kịch trở nên gần gũi hơn với công chúng đương đại. Hoặc vở kịch Bên đàng dệt mộng (kịch bản: Phạm Trường Long, đạo diễn: Quách Hồ Ninh) của Nhà hát Sân khấu nhỏ TP Hồ Chí Minh xây dựng bối cảnh làng lụa Tân Ba trong cơn lốc của thị trường, qua đạo lý kinh doanh, đạo lý cuộc đời, vở diễn gửi gắm thông điệp về việc phải gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông. Với giá trị tư tưởng - nghệ thuật nhất định, từ ngày công diễn đến nay, Bên đàng dệt mộng là vở diễn thu hút khán giả đến với nhà hát... Tuy vậy, đó chỉ là số ít tác phẩm tạo được hiệu ứng trong người xem. Thực tế sân khấu vẫn đang thiếu vắng tác phẩm phản ánh các vấn đề thiết thân của xã hội. Điều này đã được người trong nghề thẳng thắn chỉ ra, như nghệ sĩ Kim Xuyến (Hội Nghệ sĩ Sân khấu Hà Nội) phân tích: “Kịch bản sân khấu hiện nay vẫn mang tính sáo rỗng, hình thức. Hầu hết tác phẩm chỉ khái quát chung chung một vấn đề, khán giả xem xong thường không đọng lại gì”. Còn nhà viết kịch Ngọc Thụ thì bày tỏ: “Khán giả cần những gì họ đang trải qua và nhìn thấy, không phải những thứ cao xa hay ngôn tình sướt mướt như chúng ta đã thấy. Phải đời sống, phải thiết thực. Chúng ta cứ hay kêu rằng tại sao sân khấu thiếu khán giả, bởi có ai phục vụ tâm tư của họ đâu. Có quá nhiều vấn đề như giáo dục, đời sống, an sinh, xã hội,… mà không ai viết. Một vở kịch hay nhưng thành công hay không là phải đến được với khán giả và được họ đón nhận”. Rõ ràng, sân khấu không thể thiếu khán giả, một vở diễn chỉ có thể tồn tại nếu được công chúng đón xem. Muốn vậy vở diễn phải đồng hành với thời cuộc, nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu lành mạnh của công chúng, và có giá trị lâu bền chứ không phải là nghệ thuật “ăn xổi”, thiếu tính bền vững.
Tháng 12-2014, tại Đại hội lần thứ VIII Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam nhiệm kỳ 2014-2019, một chiến lược tổng thể và dài hạn trong lĩnh vực sân khấu đã được đặt ra. Trong đó những mục tiêu chính bao gồm: “đào tạo, xây dựng đội ngũ người viết kịch bản có tri thức, có tâm huyết; kêu gọi và huy động năng lực sáng tạo của đội ngũ nhà văn, nhà thơ; đề xuất với Nhà nước gửi đi đào tạo ở nước ngoài về công tác đạo diễn và diễn xuất; sân khấu cần tự mình đổi mới mạnh mẽ và ứng dụng có hiệu quả thành tựu khoa học - công nghệ mới…”. Từ đó đến nay là 5 năm, một nhiệm kỳ đại hội của các nghệ sĩ sân khấu đã sắp khép lại, tuy nhiên việc làm thế nào để khán giả trở lại với sân khấu vẫn là một thách thức, một câu hỏi đang đặt ra. Và tất nhiên, câu trả lời thuộc về các nghệ sĩ sân khấu, bởi bằng lao động nghệ thuật một cách sáng tạo, họ chính là những người giúp sân khấu lấy lại vai trò đi đầu trong đời sống nghệ thuật.
Theo Nhân dân