Việt Nam có bờ biển dài, hệ thống sông ngòi dày đặc, không khí trong lành thoáng mát, cùng phong cảnh đẹp. Đây là lợi thế để phát triển những sản phẩm du lịch, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn sông nước dẫn đến đuối nước, đặc biệt là với trẻ em.
Cảnh báo về những cái chết thương tâm do đuối nước
Theo một thống kê, ở Việt Nam, tỷ lệ tai nạn đuối nước ở trẻ em rất cao, chiếm 22,6% trong tổng số trẻ em bị tai nạn, thương tích mỗi năm. Trong đó, tỷ lệ trẻ dưới 15 tuổi đuối nước là 70%. Con số này cao nhất khu vực Đông - Nam Á và gấp tám lần so với các nước phát triển, mặc dù tỷ lệ này đã giảm một phần hai so với giai đoạn 2001-2010.
Số liệu thống kê cho thấy, số vụ chết đuối xảy ra nhiều nhất vào thời điểm học sinh nghỉ hè, trong mùa mưa lũ. Có hơn 50% các trường hợp trẻ bị chết đuối khi tắm sông, hồ, ao… ở gần nhà. Trẻ em ở nông thôn bị chết đuối nhiều hơn ở khu vực thành thị, nhất là các tỉnh có nhiều sông rạch ở miền Tây Nam bộ, hay các tỉnh có sông sâu, nước chảy xiết ở miền Trung.
Dù chỉ mới vào hè mà nhiều vụ đuối nước thương tâm đã liên tiếp xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước. Điển hình là, vụ 9 học sinh lớp 6 đã tử vong khi tắm sông ngày 15-4 tại Quảng Ngãi, 4 nữ sinh lớp 7 đuối nước ngày 4-5 tại Khánh Hòa, vụ 3 học sinh lớp 1 rủ nhau đi tắm kênh bị đuối nước ngày 6-5 tại Long An, 3 học sinh lớp 11 tử vong khi tắm biển ngày 8-5 tại Nam Định…
Không chỉ nhiều tai nạn thương tâm do tắm biển, tắm sông, kênh rạch, nhiều trẻ nhỏ đuối nước do phải đi kiếm sống, do ngã úp mặt vào xô, chậu, chum vại chứa nước trong nhà, do tai nạn sông nước…
Mới đây, Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã tiếp nhận một bé gái khoảng 13 tháng trong trạng thái hôn mê, phù não vì ngạt nước. Theo người nhà, bé được phát hiện khi đã ngã chúi đầu vào xô nước. Mực nước tuy chỉ khoảng 2 tấc nhưng do bé quá nhỏ nên vẫn ngạt nước, ngừng thở và không qua khỏi…
Hay như vụ chìm tàu du lịch trên sông Hàn (Đà Nẵng) tối 4-6 làm 3 người chết, trong đó có 1 người lớn và 2 trẻ nhỏ. Qua vụ chìm tàu du lịch trên sông Hàn cho thấy không thể chủ quan với hiểm họa sông nước. Cùng với việc đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, mỗi người dân, đặc biệt là trẻ nhỏ, cần phải có kỹ năng bơi lội.
Để không còn những cái chết thương tâm do đuối nước
Tai nạn đuối nước xảy ra ở trẻ thời gian qua nguyên nhân chủ yếu là do rất thiếu những biện pháp hữu hiệu của gia đình, nhà trường và xã hội, nhằm giúp trẻ có thể ứng phó với hiểm họa sông nước.
Giáo viên hướng dẫn cách bơi cho học sinh: Ảnh: Phạm Cường/TTXVN
|
Từ 5 năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai việc phổ cập bơi lội cho học sinh tiểu học, thế nhưng hiện rất nhiều trường, nhiều địa phương vẫn chưa thực hiện. Lý do trên địa bàn thiếu hồ bơi; nơi có hồ bơi thì thiếu huấn luyện viên.
Nhưng sự thực đó không phải là nguyên nhân không thể khắc phục, cái chính là ngại khó và thiếu trách nhiệm. Ban giám hiệu các trường không thực hiện việc phổ cập bơi lội cho học sinh cũng không bị khiển trách gì, nên chẳng thấy cần phải cố gắng phổ cập bơi lội cho học sinh.
Nếu nghĩ đến con số khủng khiếp về trẻ em nước ta bị đuối nước, các trường, các địa phương đã không thể chần chừ với trách nhiệm tìm cách đầu tư nhân lực và cơ sở vật chất để phổ cập bơi lội cho học sinh.
Để không còn những cái chết thương tâm do đuối nước, điều cần làm ngay khi bước vào năm học mới là ngành Giáo dục và Đào tạo phải đưa môn bơi vào chương trình học chính khóa cho học sinh phổ thông ngay từ bậc tiểu học. Đây cũng là môn học trang bị cho học sinh kỹ năng sinh tồn, phòng tránh được tai nạn có thể cướp đi mạng sống của mình.
Một yêu cầu cấp bách là đầu tư xây hồ bơi ở tất cả các quận - huyện trong cả nước để đáp ứng yêu cầu phổ cập bơi lội và rèn luyện thể lực.
Cùng với nguồn vốn ngân sách, cần ràng buộc trách nhiệm các chủ đầu tư dự án khu dân cư mới phải dành đất xây dựng hồ bơi (vì đây cũng là cơ sở hạ tầng xã hội khu dân cư), có chính sách khuyến khích tư nhân đầu tư xây dựng khai thác hồ bơi…
Sơ cứu kịp thời quyết định sự sống còn của trẻ
Khi trẻ bị ngạt nước (đuối nước) việc sơ cứu tại chỗ đúng kỹ thuật là điều quan trọng nhất để cứu sống trẻ, tránh được di chứng não nặng nề sau này.
Do đó, khi trẻ bị đuối nước, người lớn cần nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi mặt nước, đặt trẻ nằm chỗ khô ráo, thoáng khí. Sau đó, người sơ cứu phải lay gọi trẻ. Nếu trẻ không đáp ứng hoặc khi quan sát lồng ngực, thấy không di động, tức là trẻ đã ngưng thở.
Lúc này, việc cần làm là nhanh chóng ấn tim và hà hơi thổi ngạt cho trẻ. Ấn tim ngoài lồng ngực ở nửa xương dưới ức phối hợp thổi ngạt theo tỉ lệ 30/2: Tức là sau 30 lần ấn tim thì thực hiện 2 lần thổi ngạt. Nếu cùng lúc có 2 người cấp cứu thì thực hiện theo tỉ lệ 15:1.
Khi thổi ngạt cho trẻ cần chú ý, người thổi phải áp miệng thật sát vào mũi và miệng trẻ (đối với trẻ nhỏ). Đối với trẻ lớn, áp sát miệng vào miệng trẻ và dùng tay bịt mũi trẻ để hơi thở đi vào phổi. Thổi ngạt liên tiếp 2 lần, mỗi lần khoảng 3 giây.
Việc ép tim, thổi ngạt nên làm trong khoảng 5-10 phút.
Nếu không hiệu quả, nên gọi cấp cứu 115 và tiếp tục ép tim, thổi ngạt trong khi chờ nhân viên y tế đến cấp cứu nâng cao. Nếu tự di chuyển, nên dùng ô tô, taxi và đặt trẻ lên mặt phẳng cứng, lúc này cũng tiếp tục ép tim, thổi ngạt cho đến khi đến được cơ sở y tế gần nhất.
Trong trường hợp đưa trẻ lên bờ, thấy trẻ phản ứng đáp lại hoặc khóc có nghĩa là trẻ vẫn còn thở được. Lúc này, việc cần làm là nhanh chóng lau khô người trẻ, ủ ấm và đưa đến bệnh viện. Trên đường đi, bé nên được đặt ở tư thế nằm nghiêng để đàm nhớt chảy ra ngoài. Người nhà phải liên tục quan sát lồng ngực của trẻ, nếu thấy bất động cần thực hiện ngay thao tác ấn tim, hà hơi thổi ngạt.
TTX