Thứ Hai, 7/10/2024
Đời sống
Thứ Sáu, 31/12/2010 20:57'(GMT+7)

Để không tan biến như một hạt bụi vô nghĩa

Sinh ra ở Hà Nội, lớn lên ở Sài Gòn, học đại học ở Pháp, bảo vệ thạc sĩ và tiến sĩ ở Mỹ rồi làm cho cơ quan Hỗ trợ kỹ thuật bức xạ (IRSN) tại Pháp hơn 30 năm, ở tuổi về hưu ông lựa chọn quê hương là nơi hoàn tất cuộc đời bằng việc đào tạo những chuyên gia cho đề án phát triển điện hạt nhân của Việt Nam.

Thập niên 1960, ngành công nghệ hạt nhân rất mới với thế giới. Vì sao ông lại chọn ngành này cho tương lai của mình?

Năm 1965, thầy Louis Neel (giải Nobel Vật lý năm 1970) và các thầy khác khuyên tôi học khoa công nghệ hạt nhân. Lúc đó tôi được cấp học bổng. Ngay từ khi bước chân vào đại học cho đến khi bảo vệ thạc sĩ ở Mỹ, tôi đều tìm học bổng. Từ những ngày học đầu tiên, để xứng đáng với học bổng, chúng tôi phải nỗ lực học. Từ đó, đam mê như ngọn lửa không bao giờ tắt vì chúng tôi giữ nó bằng sự nỗ lực và trách nhiệm đó.

Từ lâu, ông đã trở thành một chuyên gia cấp cao về an toàn bức xạ hạt nhân, đã đi khắp thế giới, sao bây giờ ông mới nghĩ đến chuyện trở về Việt Nam để thực hiện công việc này? Thời điểm này, theo ông, xây những lò phản ứng cho điện hạt nhân ở Việt Nam là thích hợp?

Tôi trở về Việt Nam chính thức từ năm 1997 từ lời mời của Chính phủ. Lúc đó chưa có chính sách rõ ràng, một phần do kinh tế. Thời điểm đó, để sản xuất điện, trong nước chủ yếu chú trọng thuỷ điện do giá thành tương đối rẻ. Nhưng khi trình bày những bài thuyết trình năm đó, tôi hy vọng rằng Việt Nam mình trong tương lai sẽ tiếp cận công nghệ này. Đến năm 2009 thì Chính phủ đặt vấn đề về đào tạo với tôi qua TS Ngô Đặng Nhân, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ của Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Nhân biết tôi từ sự giới thiệu từ IAEA (cơ quan Năng lượng nguyên tử năng quốc tế) và AREVA (tập đoàn Năng lượng nguyên tử Pháp).

Chính phủ đề nghị kinh phí khoảng 3.000 tỉ đồng để đào tạo nhân lực cho công nghệ hạt nhân từ đây đến năm 2015 (khi nhà máy điện hạt nhân đầu tiên vận hành) và đến 2030. Từ đây đến năm 2015, ít nhất phải có 200 – 500 chuyên viên về an toàn bức xạ hạt nhân.

Theo đề án, sẽ có ít nhất 14 lò phản ứng. Một mục tiêu lớn lao. Nếu đạt được thì đến năm 2030 sẽ góp ít nhất 15% sản lượng điện cho quốc gia. Với đề án này, dù phải đầu tư rất lớn trong 10, 20 năm đầu nhưng 40 năm sau nước ta đảm bảo được sự độc lập về năng lượng, không phải đi mua điện hay phụ thuộc vào các con sông đang dần cạn kiệt.

Nhưng môi trường của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng ra sao với quy mô xây dựng như thế?

Về mặt môi trường, sẽ không ảnh hưởng nhiều vì trong công nghệ hạt nhân mà Việt Nam cập nhật, những sự cố và tai nạn đều đã được nghĩ đến và có nhiều biện pháp để đáp ứng lại, không để gây hại. Cũng theo kinh nghiệm của các nước tiên tiến thì khu vực dân cư cách nhà máy 5 – 15km không bị ảnh hưởng gì.

Ông nói, mỗi ngày ông chỉ có bốn giờ để ngủ. Vậy hiện nay công việc chiếm bao nhiêu thời gian của ông?

Bây giờ thì tôi chỉ còn khả năng làm việc cao nhất tám tiếng mỗi ngày. Còn lại dành cho nhiều đam mê khác như sưu tầm về điện tử, cơ khí, đọc sách và nghe nhạc. Tôi có thú sưu tập máy hát, băng đĩa xưa, cả Việt và Âu – Mỹ. Tôi rất thích nghe các đĩa của nữ ca sĩ Pháp Edith Piaf từ thuở còn học trường Chasseloup Laubat (giờ là trường Lê Quý Đôn). Sau đó tôi lựa chọn ngành học đầu tiên là kỹ sư điện tử. Sau khi sang Pháp học, bắt đầu hành trình xa quê hương, đến đâu tôi đều đi chợ trời để thu thập các loại máy hát, đĩa nhựa… Hiện nay tôi có chừng 10.000 đĩa nhựa đủ thể loại nhạc các thời kỳ.

Trong nhiều niềm đam mê, không biết một nhà khoa học như ông sẽ dành bao nhiêu thời gian cho tình yêu và có thể hình dung sự rung động ấy liệu có lãng mạn?

Tôi có rất nhiều cuộc tình. Có cả mối tình mà nếu viết ra phải vài trăm trang sách và cũng ly kỳ như chuyện của James Bond với những tình tiết như cô ấy là một gián điệp, tiếp cận tôi để lấy thông tin… Và dĩ nhiên tôi cũng có thất tình, nhưng có lẽ nhờ sự đam mê trong công việc và âm nhạc nên cũng nguôi ngoai và chịu đựng được những cuộc chia ly để rồi sau này chúng tôi trở thành những người bạn quý nhau như ruột thịt.

Vậy ông đánh giá vai trò của gia đình như thế nào với sự nghiệp của một người đàn ông thành đạt?

Tôi sinh ra gặp nhiều may mắn nên sự nghiệp luôn được song hành với tình yêu. Chẳng hạn như tôi gặp vợ tôi và chúng tôi rất hoà hợp với nhau. Trong thời gian tôi đi khắp nơi trên thế giới, vợ tôi giữ mái ấm gia đình rất vững vàng, chăm lo cho con cái. Trong cuộc đời bôn ba của tôi, chỗ nào cũng gặp sở thích riêng, vui thú riêng nhưng khi trở về với gia đình tôi đều cảm nhận được sự đầm ấm, chứ không có cảm giác bức xúc “phải về”. Với tôi, gia đình lúc nào cũng đem lại cảm xúc rất yên lành. Giáo dục luân lý cho con cái, phần lớn là vợ tôi lo, còn tôi cũng chỉ dẫn cho con cái cách thức trưởng thành và thành công trong công việc lẫn cuộc đời.

Chắc hẳn ông phải có bí quyết gì mới giữ được sự cân bằng trong cuộc sống của mình, từ chuyện công việc đến tình cảm?

Tôi gặp nhiều người và trong mỗi hoàn cảnh tôi đều hoà hợp với đối tượng đó. Kể cả trong công việc, tôi luôn thích ứng ngay với môi trường nên tạo ra được những cảm xúc với đối tượng rất dễ dàng.

Theo Phật Thích Ca, người nào muốn thấu hiểu những bí mật của vũ trụ thì phải hoà hợp với vũ trụ đó. Thực tế đời sống cũng vậy, muốn hoà hợp với ai phải thấu hiểu họ. Điều này áp dụng cho tất cả mọi thứ trong vụ trụ này. Vì sao tôi ít có đối diện với bất trắc? Nếu đến một nơi mà mình tự đặt mình cao hơn thì giải quyết vấn đề rất khó khăn.

Quan trọng nhất, trước khi tới một nơi nào mình cũng phải chú ý đến con người và môi trường ở đó, tìm cách hoà hợp nhưng phải có đầu óc phân tích, hiểu được lý luận của họ để đưa ra những lý giải riêng, sẽ giải quyết được mọi việc.

Trong mọi tình huống, nếu tôi đi kiểm soát các nhà máy điện hạt nhân với một chuyên gia giám sát, lúc đầu họ còn ngại mình. Nhưng mình tạo ra không khí giúp họ tự tin hơn và không sợ mình chỉ trích, thì họ bày tỏ cả những khuyết điểm, sai lầm. Nếu đối tượng có hình ảnh về sự khắc nghiệt của sự trừng phạt, họ sẽ không bao giờ nói sự thật. Ngay cả giáo dục gia đình cũng vậy, nếu con cái tâm sự mà mình lắng nghe thay vì la hét thì từ đó nó sẽ không bao giờ giấu mình chuyện gì, trở nên tự tin và sẽ nhớ là ai có thể giúp nó.

Tôi nhận thấy ở nước mình hiện nay, không chỉ trong những gia đình nghèo khổ mà cả các nhà giàu có cũng không có sự liên lạc giữa con cái và cha mẹ. Vì ở nhà trường thầy cô không dạy cách làm người mà chủ yếu là kiến thức. Vì vậy trong gia đình, cần tạo ra một môi trường để các con tự tin và giúp đỡ con giải quyết những chuyện về cư xử, học hành. Từ đó, con trẻ sẽ hình thành cách ứng xử với gia đình, công việc, và xã hội một cách ôn hoà. Cá nhân tốt mới có xã hội tốt.

Qua thời gian sống và làm việc ở Việt Nam, ông suy nghĩ gì về những giá trị sống tốt mà chúng ta đang muốn vươn tới?

Nước mình nay đã hoà bình, tự do và cởi mở hơn. Nhưng cũng vì sự cởi mở này nên một số đông dân mình cập nhật phong cách sống của nước khác rất nhanh chóng, nhưng không có ý thức phân tích những lợi – hại mà nền văn minh ấy đem đến. Ở các nước tiên tiến, phát triển đầu tiên vẫn là giáo dục. Giáo trình dạy con cháu rất quan trọng. Trong quá trình đó, để dạy con em mình học, chúng ta nên cập nhật những hiện tượng xã hội để các em có ý thức từ sớm. Cần khuyên con em mình ý thức về lợi ích cộng đồng, tuân theo pháp luật, từ căn bản như giao thông đến mọi hành động hàng ngày. Khi có luật rồi thì mình phải tuân theo chứ không để có cảnh sát đứng đằng sau mới sợ mà làm. Nếu không tuân thủ luật giao thông thì mình sẽ tự gây tai nạn cho mình và cả cho người khác.

Nếu muốn một iPhone 4G mà không đủ khả năng, mình cứ muốn có thì sẽ tự tạo áp lực và bắt đầu đi sai đường như chiếm đoạt hoặc làm mọi cách để có nó nhanh chóng. Nhưng luật tự nhiên đã có sẵn, đó là một chu kỳ những gì tới sẽ tới, mình không thể đi tắt được. Con người cũng tuân theo quy luật này. Con người cũng là một hạt bụi trong vũ trụ thôi.

Ông ý thức về thân phận hạt bụi của con người như thế nào?

Theo một số tôn giáo, con người được tạo ra từ hạt bụi thì cũng sẽ biến tan thành hạt bụi. Còn theo Phật giáo, cơ thể mình được tạo ra từ ngũ uẩn do các cơ duyên của thời gian, môi trường, không gian hợp lại mới thành. Khoa học cũng chứng minh điều này. Mỗi hạt nhỏ trong vũ trụ này đều có một tần số rung cá biệt, có thể thay đổi khi cập nhật năng lượng ở ngoài hay tự trong mình biến chuyển, sẽ thành một vật khác chứ không là chính nó nữa. Nói “cha ăn mặn, con khát nước” không đúng lắm, vì người con có một cuộc đời riêng của họ. Những bí mật trong vũ trụ đều nằm trong con người của mình. Mặt khác, tôi tự nuôi dưỡng tôi để không là một hạt bụi tan biến trong cõi hư không một cách vô nghĩa.

Tháng 7/2010, tôi tặng 2.000 cuốn sách liên quan đến nhà máy điện hạt nhân đã thu thập được trong quá trình làm việc ở hải ngoại cho Bộ Khoa học và Công nghệ. Mục đích chính là đưa tư liệu cho các chuyên gia và sinh viên khảo cứu và phục vụ đề án công nghệ hạt nhân của nước ta.

Mỗi người nên tìm cách sống để có ích cho cộng đồng, dù có tan thành cát bụi thì vẫn có ích cho tương lai.Đó cũng chính là học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh!

Cám ơn ông.

Theo báo SGTT

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất