Thứ Hai, 7/10/2024
Đời sống
Thứ Năm, 30/12/2010 21:34'(GMT+7)

Bình ổn giá - Bài toán cần nhiều lời giải

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Đây là một thực trạng có tính quy luật trước các dịp có sự biến động như: Sau các đợt thiên tai, lũ lụt; trước các hội nghị lớn và trước Tết Nguyên đán như hiện nay. Lý do chính của việc tăng giá, trượt giá là do nhu cầu tiêu dùng tăng, trong khi đó nguồn cung không đủ thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng. Về lý thuyết là như vậy, nhưng trong thực tế thì lại hoàn toàn khác. Việc tạo ra các cơn “bão giá” đa phần lại do “nhà phân phối”(!)

Trước thực trạng trên, các địa phương và cơ quan quản lý đã có nhiều biện pháp để ngăn chặn sự “gian lận” này như: Yêu cầu nhà phân phối niêm yết giá bán; tổ chức dự trữ hàng hóa; tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành; xử phạt nghiêm những hành vi gian lận thương mại… Tại Đà Nẵng, thành phố không chỉ rốt ráo đẩy mạnh các biện pháp kiềm chế giá, mà còn có sáng kiến bán hàng giảm giá. Đa phần các tiểu thương tại các chợ lớn đăng ký bán hàng khuyến mại và giảm giá từ 5 đến 15% từ nay đến hết tháng 2-2011. Các chợ còn triển khai chương trình tặng thẻ cào trúng thưởng cho người đi chợ mua hàng từ 100.000 đồng trở lên. Những quầy bán hàng Việt còn được hỗ trợ 100% kinh phí thuê mặt bằng. Lãnh đạo thành phố còn quyết định cho một số nhà phân phối thực phẩm lớn vay vốn không lãi trong vòng 2 tháng để trữ hàng phục vụ Tết; tổ chức các quầy hàng bình ổn giá bán lưu động trên thị trường…

Có thể nói, việc bình ổn giá ở Đà Nẵng, đã tạo được nguồn hàng dự trữ phong phú, dồi dào, với nhiều kênh phân phối rộng, công tác kiểm tra kiểm soát thị trường thực hiện đồng bộ… Chắc chắn sẽ không xảy ra “bão giá” như dư luận nghi ngại. Cách làm của Đà Nẵng đang triển khai, trước hết là “kéo” được nhà sản xuất “xích gần” với nhà phân phối, cùng cộng đồng trách nhiệm trong việc cung ứng hàng cho người tiêu dùng. Làm như vậy hạn chế được nạn đầu cơ, làm cho thị trường lành mạnh, hàng hóa tiêu thụ mạnh sẽ tạo ra động lực thúc đẩy sản xuất.

Triển khai các biện pháp để kìm chế giá là điều cần thiết trong dịp Tết này. Song điều quan trọng hơn cả là phải có một chiến lược dài hơi, xây dựng cho được “văn hóa” kinh doanh lành mạnh. Và ngay cả người tiêu dùng cũng cần có tư duy mới trong việc “sắm Tết”, “tiêu Tết”. Chỉ có như vậy, mới góp phần kiềm chế giá, đẩy lùi tệ nạn gian lận thương mại, tự mình bảo vệ được “túi tiền” của mình./.

(Lâm Quý/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất