Ngày 3-6 vừa qua, Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đã chính thức được ban hành. Việc ra đời Nghị quyết thể hiện đánh giá đúng của Đảng đối với vai trò, tầm quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn tới, đặc biệt là đối với việc đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện ba đột phá chiến lược; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và tích cực hội nhập quốc tế.
Bước trưởng thành
Thời gian qua, nhận thức của toàn hệ thống chính trị - xã hội đối với vai trò của kinh tế tư nhân đã thay đổi theo hướng ngày càng tích cực. Cụ thể, quan điểm của Đảng đối với kinh tế tư nhân đã thay đổi từ chỗ hạn chế phát triển, không thừa nhận sự tồn tại của khu vực này đã chuyển sang “từng bước chấp nhận” (từ sau Đại hội VI) và đến nay được coi là “một động lực quan trọng của nền kinh tế” (Văn kiện Đại hội XII của Đảng). Đảng đã ban hành nghị quyết riêng về “tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích, tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân” tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành T.Ư khóa IX, trong đó đề ra nhiều giải pháp quan trọng như tạo môi trường thuận lợi về thể chế và tâm lý xã hội cho sự phát triển của kinh tế tư nhân; hoàn thiện cơ chế, chính sách về đất đai, tài chính - tín dụng, lao động - tiền lương; hỗ trợ đào tạo, khoa học - công nghệ, thông tin thị trường;…
Bên cạnh đó, khung pháp luật và cơ chế chính sách về phát triển kinh tế nói chung cũng như kinh tế tư nhân nói riêng đã được ban hành và liên tục được sửa đổi, bổ sung nhằm khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển lành mạnh, phù hợp với từng thời kỳ; trong đó bao gồm một số văn bản nổi bật như: Hiến pháp đã khẳng định sự tồn tại của thành phần kinh tế tư nhân và quyền của chủ sở hữu tư nhân được pháp luật bảo vệ; Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo khung pháp lý thuận lợi cho thành lập, tổ chức và hoạt động của các loại hình tổ chức kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp; Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Ngân hàng, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Cạnh tranh, Luật Thương mại,… đã được ban hành và bổ sung, hoàn thiện để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là trong tiếp cận với các nguồn lực cho phát triển kinh doanh cũng như mở rộng thị trường. Nhiều chính sách cụ thể, đặc biệt là hỗ trợ đối với khu vực tư nhân cũng đã được ban hành và triển khai trên thực tế như Nghị định về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; các chương trình hỗ trợ cụ thể như bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ mở rộng thị trường, đào tạo, phát triển khoa học - công nghệ,…
Với các nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của xã hội và đặc biệt là cộng đồng kinh doanh thời gian qua, khu vực kinh tế tư nhân đã có sự phát triển và đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Số lượng doanh nghiệp (một bộ phận quan trọng của kinh tế tư nhân) thành lập mới tăng lên nhanh chóng qua từng năm. Chỉ trong giai đoạn 2000-2017 đã có khoảng một triệu doanh nghiệp được thành lập mới, gấp hơn 22 lần so với giai đoạn chín năm áp dụng Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân (1991-1999). Đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân trong GDP đạt khoảng 40% và là khu vực có tỷ trọng đóng góp cao nhất trong nền kinh tế; đóng góp cho ngân sách nhà nước của khu vực này cũng tăng liên tục, từ 7,4% năm 2005 lên 12,8% năm 2014. Ở một khía cạnh khác, khu vực kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hộ gia đình) tạo ra việc làm cho khoảng 85% lực lượng lao động cả nước, trong đó chỉ tính riêng khu vực doanh nghiệp hằng năm tạo ra khoảng 1 đến 1,5 triệu việc làm mới. Kinh tế tư nhân cũng đã huy động được nguồn lực ngày càng tăng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tỷ trọng đầu tư của khu vực này trong tổng đầu tư toàn xã hội liên tục tăng, từ mức 22,9% năm 2000 lên mức 38% năm 2005 và 38,7% năm 2015…
Những rào cản
Mặc dù đã có những bước phát triển vượt bậc trong thời gian qua, trở thành khu vực có đóng góp cao trong cơ cấu nền kinh tế, song tỷ trọng của kinh tế tư nhân trong GDP gần như không tăng lên trong suốt giai đoạn 2005 - 2015, trong đó khu vực doanh nghiệp chỉ đóng góp khoảng từ 7 đến 10%. Bên cạnh đó, quy mô của kinh tế tư nhân vẫn chậm phát triển, chủ yếu là các hộ kinh doanh cá thể và kinh tế hộ gia đình, phần lớn có quy mô nhỏ và siêu nhỏ khi hơn 90% có quy mô vốn dưới một tỷ đồng; trình độ công nghệ thấp và chậm đổi mới; trình độ quản trị thấp, mang nặng tính gia đình, kể cả đối với khu vực doanh nghiệp; nhất là tồn tại thực trạng nhiều doanh nghiệp không muốn “lớn” hoặc không có điều kiện để lớn lên. Một “điểm yếu” khác của khu vực này là trình độ công nghệ, trình độ lao động còn nhiều hạn chế, năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, dịch vụ thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường, đặc biệt là thị trường của các quốc gia phát triển; không đủ khả năng tham gia vào mạng liên kết sản xuất, chuỗi giá trị hoặc nếu có được tham gia cũng chỉ ở những khâu, công đoạn giản đơn có giá trị gia tăng thấp. Ngoài ra, năng lực cạnh tranh của kinh tế tư nhân hạn chế, thiếu những doanh nghiệp có uy tín, thương hiệu cũng như khả năng cạnh tranh với các đối thủ lớn trên thị trường quốc tế.
Nguyên nhân dẫn đến những hạn chế nêu trên là do còn nhiều rào cản đang cản trở sự phát triển của khu vực kinh tế quan trọng này. Cụ thể, vẫn còn sự phân biệt, đối xử trong nhận thức đối với kinh tế tư nhân, đặc biệt là của cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị. Vì vậy, chưa thực hiện tốt trách nhiệm đối với việc khuyến khích và tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển như yêu cầu nghị quyết của Đảng cũng như mong muốn của xã hội, thậm chí trong nhiều trường hợp còn gây khó khăn, nhũng nhiễu. Hệ thống khung pháp luật, chính sách vẫn còn thiếu đồng bộ, chưa tạo điều kiện để hình thành một môi trường kinh doanh thật sự thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển. Rủi ro chính sách đối với hoạt động kinh doanh vẫn rất lớn. Hiệu lực, hiệu quả trong triển khai các quy định pháp luật, chính sách còn rất hạn chế. Theo Quỹ Di sản thế giới, chỉ số hiệu lực pháp luật của Việt Nam năm 2017 chỉ đạt mức 32/100 điểm, thấp hơn hầu hết các nước trong khu vực ASEAN (ngoại trừ Cam-pu-chia với mức 22,1/100) và thấp hơn rất nhiều mức 91,5/100 điểm của Xin-ga-po. Quản lý nhà nước còn nặng cơ chế xin - cho và kém hiệu quả, đồng thời vẫn tồn tại hiện tượng nhũng nhiễu, gây phiền hà. Đây cũng là nguyên nhân khiến môi trường đầu tư, kinh doanh chưa thật sự thuận lợi và còn nhiều rào cản, gây khó khăn cho hoạt động của khu vực kinh tế tư nhân. Một số thị trường quan trọng như tài chính - tiền tệ, hàng hóa, khoa học - công nghệ, đất đai,… chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế nói chung và phát triển kinh tế tư nhân nói riêng. Một rào cản lớn khác là chi phí kinh doanh của Việt Nam còn ở mức cao.
Do đó, để hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân có được sự bứt phá thật sự, phát triển trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, trước hết, cần thay đổi nhận thức về vai trò của kinh tế tư nhân, phải khẳng định đây là một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế đất nước. Thứ hai, cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân theo hướng xây dựng hệ thống văn bản pháp luật và chính sách phát triển kinh tế tư nhân; trong đó tập trung vào việc hoàn thiện thể chế thu hút đầu tư tư nhân. Tiếp theo, cần phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, tăng cường tiếp cận nguồn lực và nhất là đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực; phát triển các yếu tố thị trường nhằm phục vụ hiệu quả nhất chính sách phát triển kinh tế tư nhân. Đồng thời, tăng cường quản lý nhà nước đối với phát triển kinh tế tư nhân, đặc biệt là chuyển từ trạng thái kiểm soát sang trạng thái hỗ trợ; giảm chi phí đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là chi phí tuân thủ, chi phí kinh doanh.
Phan Đức Hiếu/Phó Viện trưởng Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư
Nguồn: Nhân dân