Thứ Hai, 21/10/2024
Y tế - Dân số
Chủ Nhật, 29/5/2016 20:11'(GMT+7)

Để mọi trẻ em đều được tiêm chủng

(Ảnh minh họa: TTXVN)

(Ảnh minh họa: TTXVN)

Việt Nam tiếp tục bảo vệ thành quả thanh toán bại liệt; bệnh sởi và Rubella được khống chế. Năm 2015 cũng là năm thứ 10 Việt Nam duy trì loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh trên toàn quốc...

Nhờ vào những tiến bộ của y học thế giới, ngành y tế Việt Nam đã có những sự kế thừa và phát triển mạnh mẽ. Có thể khẳng định, TCMR chính là một trong những điểm sáng của ngành y tế. Những thành tựu đã đạt được trong TCMR là minh chứng rõ nhất, thể hiện sự quan tâm, đầu tư không ngừng của Đảng, Nhà nước trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt là trẻ em-thế hệ tương lai của đất nước. 

Song, bên cạnh những thành tựu đáng khích lệ thì công tác TCMR ở nước ta vẫn còn những thách thức lớn, trong đó phải kể đến khoảng cách, sự chênh lệch trong tỷ lệ tiêm chủng ở tất cả các vùng trên cả nước. Ở các thành phố lớn, tâm lý trông chờ vào vắc-xin dịch vụ của các bậc cha mẹ khiến cho nhiều trẻ không được tiêm đầy đủ và đúng lịch, làm tăng nguy cơ mắc bệnh và xảy ra dịch trên quy mô nhỏ, mặc dù các loại vắc-xin do Việt Nam sản xuất trong chương trình TCMR hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và miễn phí do được Chính phủ đầu tư. Cần nhớ rằng, tất cả các loại vắc-xin dù sản xuất trong nước hay nhập khẩu, trước khi đưa vào sử dụng đều phải được Bộ Y tế cấp phép và trải qua những kiểm nghiệm nghiêm ngặt, bảo đảm điều kiện về tính an toàn, hiệu quả. Trong khi đó hằng năm, vẫn còn khoảng 5-10% số huyện, tập trung tại các tỉnh miền núi có tỷ lệ tiêm chủng dưới 90%. Như vậy, mỗi năm sẽ có hàng nghìn trẻ em ở khu vực miền núi chưa được tiếp cận đầy đủ với TCMR, kèm theo đó là những hệ lụy về bệnh tật, đói nghèo... tạo áp lực không nhỏ lên ngân sách Nhà nước để hỗ trợ cho đồng bào ở những vùng này.

Tỷ lệ TCMR ở khu vực miền núi vẫn chưa được như kỳ vọng, ngoài rào cản về địa lý, giao thông, điều kiện kinh tế khó khăn thì chính những phong tục, tập quán lạc hậu của đồng bào dân tộc thiểu số vô tình đã trở thành những thách thức với công tác phổ cập TCMR. Để thu hẹp khoảng cách tiêm chủng giữa các vùng, miền, xóa những thôn, bản còn trẻ em chưa được thụ hưởng dịch vụ y tế ưu việt, thì rất cần sự quan tâm, tăng cường đầu tư nguồn lực của Chính phủ. Mặt khác, đội ngũ y tế ở các thôn, bản đóng vai trò cầu nối rất quan trọng để mọi trẻ em sinh ra được thụ hưởng đầy đủ những mũi vắc-xin phòng, chống bệnh từ chương trình TCMR. Để làm được điều ấy rất cần những con người giàu tâm huyết, vì cộng đồng. Bên cạnh đó, cần có cơ chế linh hoạt trong tổ chức tiêm chủng. Thay vì tổ chức tiêm chủng cố định, có thể tiêm chủng thường xuyên; thành lập nhiều đội tiêm chủng lưu động đến các thôn, bản, gõ cửa từng nhà...

Việt Nam là nước thứ hai trên thế giới và là nước đầu tiên ở châu Á phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em. Mọi trẻ em sinh ra dù ở nông thôn, miền núi hay nơi thị thành; dù gia đình kinh tế khá giả hay nghèo khó đều có chung quyền được sống, được yêu thương, chăm sóc và phát triển bình thường, khỏe mạnh. Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em cũng đã khẳng định, do còn non nớt về thể chất và trí tuệ nên trẻ em cần được chăm sóc, bảo vệ đặc biệt, kể cả sự bảo vệ thích hợp về mặt pháp lý trước cũng như sau khi ra đời.

“Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”. Trẻ em cũng là tương lai của quốc gia, dân tộc. Lợi ích từ chương trình TCMR đã có thể thấy rõ; tính ưu việt của các loại vắc-xin trong chương trình TCMR cũng đã được kiểm nghiệm và chứng minh. Chính vì lẽ đó, không chỉ riêng ngành y tế mà tất cả các cấp, các ngành cần đặc biệt quan tâm đến công tác phổ cập, thu hẹp khoảng cách TCMR cho trẻ em ở khu vực miền núi, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn, để những đứa trẻ được sinh ra và lớn lên khỏe mạnh, đóng góp công sức xây dựng đất nước./.  

Thu Hương (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất