Thứ Tư, 27/11/2024
Y tế - Dân số
Thứ Sáu, 20/5/2016 14:17'(GMT+7)

Chủ động phòng chống nguy cơ bùng phát dịch bệnh mùa hè và bệnh do vi rút Zika


 Hiện nay, nguy cơ bùng phát các bệnh phổ biến trong mùa hè rất cao (như: cúm, tiêu chảy, tay chân miệng, sốt xuất huyết, thủy đậu, rubella, viên não vi rút...) do thực phẩm không an toàn, thiếu nước sạch; điều kiện thời tiết, khí hậu, nhiệt độ diễn biến bất thường, nóng ẩm mưa nhiều khiến muỗi và véc tơ truyền bệnh phát sinh và phát triển nguy cơ gia tăng dịch bệnh.

Đó là thông tin do Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trương Đình Bắc cho biết tại Hội thảo về phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika và các dịch bệnh mùa hè do Bộ Y tế tổ chức ngày 20/5 tại Hà Nội.

Ông Trương Đình Bắc nêu rõ: Để phòng chống dịch bệnh mùa hè, người dân không nên để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp, không nên bật quạt mạnh thổi gió trực tiếp vào người; thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; uống đủ nước và tăng cường dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để đảm bảo đủ vitamin tăng sức đề kháng của cơ thể. Mọi người dân tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối.

Đồng thời, người dân thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hàng ngày (như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn ghế, sàn nhà) bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh. Người dân cần thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng/bọ gậy; loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi để trứng (như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hộc tre, bẹ lá...).

Các gia đình đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ, không chờ đợi vắc xin dịch vụ; khi có biểu hiện mắc bệnh truyền nhiễm cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị; không tự ý điều trị tại nhà...

Tại hội thảo, ông Emmanuel Eraly, Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Hà Nội cho biết: Từ tháng 1/2007 đến tháng 5/2016, đã ghi nhận 70 quốc gia và vùng lãnh thổ có sự lưu hành hoặc có sự lây truyền vi rút Zika; trong đó có 57 quốc gia và vùng lãnh thổ tiếp tục có sự lây truyền của vi rút Zika do muỗi truyền bệnh. Vi rút Zika vẫn tiếp tục lan truyền mở rộng trong thời gian tới.

Cục Y tế dự phòng khẳng định: Tại Việt Nam đã ghi nhận 2 trường hợp xét nghiệm dương tính với vi rút Zika. Đây là 2 trường hợp mắc bệnh riêng lẻ. Kết quả giám sát người nhà và các hộ gia đình xung quanh không phát hiện trường hợp khác nhiễm vi rút Zika. Tuy nhiên, thời gian tới nước ta vẫn có thể tiếp tục ghi nhận trường hợp mắc bệnh do vi rút Zika do muỗi Aedes truyền bệnh sốt xuất huyết lưu hành phổ biến tại các địa phương – đây cũng là loại muỗi truyền bệnh do vi rút Zika. Bên cạnh đó, người dân còn chưa tự giác, chủ động thực hiện việc ngăn ngừa muỗi đốt, diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy; phần lớn bệnh nhân nhiễm vi rút Zika (80%) không có biểu hiện triệu chứng nên khó phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch. Bệnh hiện chưa có vắc xin, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục hoạt động đáp ứng phòng chống dịch theo tình huống 2, sẵn sàng đáp ứng theo tình huống 3; đẩy mạnh việc giám sát lấy mẫu xét nghiệm vi rút Zika tại các địa phương; tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh. Ngành y tế tiếp tục tổ chức theo dõi, hướng dẫn, chăm sóc thai nghén cho phụ nữ mang thai, phụ nữ mang thai bị nhiễm vi rút Zika; giám sát chứng đầu nhỏ trước sinh và với trẻ sơ sinh tại các cơ sở sản - nhi trong cả nước. Các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở sản –nhi sẵn sàng nhân lực, thuốc, vật tư, trang thiết bị, giường bệnh để đảm bảo việc thu dung, điều trị bệnh nhân.../.

Thu Phương


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất