Thứ Sáu, 11/10/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 12/8/2010 21:10'(GMT+7)

Đề nghị tăng giá điện lên 1.500 đồng/KWh


Theo văn bản kiến nghị này, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) đã kiến nghị với Thủ tướng 2 vấn đề, đó là: Xoá bỏ giá điện bậc thang và áp dụng 2 loại giá điện bán ra thị trường (giá điện có hỗ trợ của Nhà nước (50kWh đầu tiên) và giá điện theo thị trường).

Trong đó, việc áp dụng 2 loại giá điện bán ra thị trường được VEA đưa ra và giải thích rằng:

Loại thứ nhất giá điện sẽ có sự hỗ trợ của Nhà nước ở 50kWh đầu tiên, mức giá này sẽ được Nhà nước thiết lập một cách hợp lý (thấp hơn giá thị trường và có sự hỗ trợ của Nhà nước). Mức giá này sẽ dành bán cho các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, cán bộ hưu trí, cán bộ công nhân viên hưởng lương không có thu nhập khác và học sinh, sinh viên…

Mức giá thứ hai áp dụng cho các hộ sử dụng điện có mức sống trung bình trở lên áp dụng giá bán điện theo thị trường (mức giá 7 - 8 cent/kWh).

Ảnh minh họa

VEA đề nghị tăng giá bán lẻ điện lên mức rất cao.


Ngoài việc áp dụng cơ chế giá điện này, VEA cũng đề nghị Chính phủ cần thành lập 1 Tổng công ty quản lý giá điện cho hộ nghèo và giá điện phục vụ công ích xã hội và trực thuộc EVN.

Theo VEA, hiện giá điện đang được tính theo bậc thang (quy định tại Quyết định 2014/QĐ-BCN, ngày 13/6/2007), cách tính này nhằm mục đích hỗ trợ người nghèo và khuyến khích các hộ dân sử dụng điện tiết kiệm (tức là 50kWh đầu tiên được bán dưới giá thành sản xuất là 600 VNĐ/kWh).

Tuy nhiên, sau một thời gian áp dụng trong thực tiễn, bảng giá điện bậc thang đã bộc lộ những bất cập, bởi 50 kWh đầu tiên không chỉ người nghèo, các hộ chính sách được hưởng mà cả người có thu nhập cao, kể cả người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam cũng hưởng lợi từ cơ chế giá này, gây lãng phí trong sử dụng điện.

Vì vậy, việc nâng giá bán điện không chỉ thu hút các nhà đầu tư nhằm hạn chế tình trạng thiếu điện đang hiện hữu. Mặt khác việc xóa bỏ cách tính giá điện bậc thang cũng chính là cơ sở để thực hiện lộ trình hình thành thị trường điện lực qua ba cấp độ: thị trường phát điện cạnh tranh (2009 - 2014), thị trường bán buôn điện cạnh tranh (2015 - 2022), thị trường bán lẻ điện cạnh tranh (sau năm 2022).

Ngoài những kiến nghị trên, Hiệp hội còn kiến nghị Chính phủ tăng giá điện lên 7 -  8 cent/kWh( khoảng 1.500 đồng mỗi kWh) vào năm 2011, mức giá có lãi. Mức giá này được cho vẫn thấp hơn giá điện trong khu vực, với cơ cấu giá nhiên liệu đầu vào ở mức 100 USD/tấn than như hiện nay.

Nguyên nhân chủ yếu là nếu giá điện ở mức 5 cent/kWh như hiện nay sẽ khó thu hút các nhà đầu tư, bởi tỷ suất lợi nhuận thấp dẫn đến khả năng trả nợ gốc và lãi không cao. Do vậy việc vay vốn từ quốc tế cho đầu tư phát triển năng lượng của Việt Nam là hết sức khó khăn.
Đây là giải pháp duy nhất để khắc phục lâu dài tình trạng thiếu vốn cho ngành năng lượng.

Theo thông báo của Tập đoàn điện lực Việt Nam, tháng 7 sản lượng trung bình ngày của toàn hệ thống đạt 299,4 triệu kWh, tăng 19,1% so cùng kỳ năm trước (251,5 tr.kWh/ngày), sản lượng ngày cao nhất đạt 329,2 tr.kWh.

Điện sản xuất và mua của EVN tháng 7 đạt 8,884 tỷ kWh, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó điện sản xuất đạt 5,557 tỷ kWh, điện mua ngoài đạt 3,327 tỷ kWh, tăng 43,46% so cùng kỳ.

Lũy kế 7 tháng năm 2010 điện sản xuất và mua của EVN đạt 54,846 tỷ kWh, tăng 16,55% so với cùng kỳ năm trước, trong đó điện sản xuất là 33,150 tỷ kWh, tăng 5,59%, điện mua ngoài đạt 21,696 tỷ kWh, tăng 38,52% so cùng kỳ (điện mua TQ: 3.024 tr. kWh, tăng 37,9%).

Điện thương phẩm tháng 7 đạt 7,471 tỷ kWh, tăng 12,17% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, điện cấp cho CN&XD tăng 14,46%, điện cấp cho quản lý và tiêu dùng sinh hoạt tăng 7,14% so với cùng kỳ. Lũy kế 7 tháng, điện thương phẩm thực hiện 47,650 tỷ kWh, tăng 15,65% so với cùng kỳ, trong đó điện cấp cho CN&XD tăng 19,68%, điện cho quản lý và tiêu dùng tăng 7,49%.


Yến Nhi - VnMedia

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất