Thứ Sáu, 11/10/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 11/8/2010 22:43'(GMT+7)

Đủ gạo đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu

Từ nay đến cuối năm, mỗi tháng có từ 300.0000 - 500.000 ha lúa cho thu hoạch. Cộng với lượng gạo tồn kho gần 1,4 triệu tấn, Việt Nam không thiếu gạo phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.

Đó là khẳng định của Tổ công tác điều hành xuất khẩu gạo chiều 10/8.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá lúa thu mua ở ĐBSCL tuần qua tăng mạnh. Ngày 10/8, lúa khô hạt dài ở mức 4.050 - 4.475 đ/kg, lúa IR50404 từ 3.850 - 4.225 đ/kg. Giá gạo nguyên liệu loại 1 hiện làm ra gạo 5% tấm hiện khoảng 5.425 - 5.750 đ/kg tùy từng địa phương, gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 5.350 – 5.425 đ/kg tùy chất lượng và địa phương. Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn hiện khoảng 6.625 – 6.950 đ/kg, gạo 15% tấm 6.100 – 6.550 đ/kg và đặc biệt gạo 25% tấm khoảng 5.725 – 6.150 đ/kg tùy chất lượng.

Xuất khẩu sang Trung Quốc nằm trong tầm kiểm soát

Trước những lo ngại về việc Trung Quốc thời gian gần đây ồ ạt thu mua lúa gạo từ Việt Nam từ tháng 4 đến nay (khoảng 600.000 tấn) có thể sẽ ảnh hưởng đến vấn đề an ninh lương thực, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên khẳng định, việc Trung Quốc nhập khẩu gạo qua tiểu ngạch không có gì bất ngờ và nằm trong kiểm soát của Tổ công tác điều hành xuất khẩu gạo.

Về ý kiến cho rằng, đây cũng chính là yếu tố tác động tới tâm lý và giá cả thu mua lúa gạo những ngày gần đây, Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên cho rằng, có những thời điểm có nhiều thương lái Việt Nam tập hợp mua gạo bán cho thương nhân Trung Quốc qua đường tiểu ngạch nên có phần tác động tâm lý trên thị trường. Còn qua đường chính ngạch không có sự tăng đột biến, không phải yếu tố đẩy giá lương thực lên cao như thời gian vừa qua.

Ông Trương Thanh Phong- Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng cho rằng: Xuất khẩu gạo tiểu ngạch sang Trung Quốc là bình thường, trong sự tính toán của Hiệp hội vì hàng năm một số tỉnh của Trung Quốc giáp ranh Việt Nam vẫn thường bị thiếu gạo do ảnh hưởng thời tiết. Trung Quốc là nước có lượng gạo tồn kho rất lớn và có thể dễ dàng cân đối lương thực trong nước. Tuy nhiên thay vì điều động lương thực từ các vùng khác tốn nhiều thời gian, chi phí thì họ chọn mua gạo Việt Nam vừa gần, vừa rẻ.

Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên khẳng định: "Việt Nam không có chủ trương phân biệt, hạn chế nào đối với các thị trường nhập khẩu gạo, nếu thị trường Trung Quốc có nhu cầu chúng ta vẫn sẽ xuất khẩu; việc buôn bán qua đường tiểu ngạch vẫn thực hiện theo các quy định hiện hành".

Công tác thu mua lúa gạo tạm trữ dự kiến  thực hiện đến hết ngày 15/9.

Đến thời điểm này các doanh nghiệp đã thu mua được xấp xỉ 500.000 tấn lúa gạo và dự kiến sẽ thu mua hoàn thành mục tiêu 1 triệu tấn gạo ngay trong tháng 8 này.

Theo VFA, việc khách hàng Trung Quốc mua nhiều gạo chỉ là 1 trong 3 lý do khiến giá lúa gạo tăng trong thời gian qua. Bên cạnh đó còn phải kể đến chương trình thu mua tạm trữ 1 triệu tấn lúa gạo vụ hè thu cho nông dân đưa ra kịp thời. Và, các doanh nghiệp ký được nhiều hợp đồng thương mại nên tranh thủ gom hàng để giao.

Vẫn đảm bảo an ninh lương thực

Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) Nguyễn Trí Ngọc cho biết, các tỉnh khu vực ĐBSCL đang thu hoạch rộ vụ Hè Thu, khoảng hơn 50% trong số hơn 1,6 triệu ha.

Những tỉnh được xem là vựa lúa như Long An, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Sóc Trăng mới bước vào thu hoạch rộ.

Theo ông Ngọc: “Từ nay đến cuối năm, tháng nào chúng ta cũng có từ 300.0000 - 500.000 ha lúa cho thu hoạch”.

Trong khi đó, theo ông Trương Thanh Phong: “Lượng gạo hàng hoá đang còn tới gần 1,4 triệu tấn. Như vậy, lượng gạo hàng hóa bổ sung cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu là khá dồi dào. Do đó, việc lo ngại thiếu hụt lương thực là không có cơ sở”.

Ông Nguyễn Trí Ngọc dự tính, sản lượng lương thực cả năm ước đạt 39 triệu tấn, đủ cung ứng cho thị trường trong nước và đảm bảo kế hoạch xuất khẩu ban đầu là 6 triệu tấn gạo.

Giữ vững 3,6 triệu ha trồng lúa trong cả nước là một trong những định hướng của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Dự án "Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2011-2015 cấp quốc gia", trong đó phải đảm bảo vai trò của 2 vựa lúa trọng điểm của cả nước là đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng, nhằm đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu bền vững và lâu dài.

Phát biểu tại cuộc họp về tình hình xuất khẩu và tiêu thụ lúa gạo, do Bộ Công Thương tổ chức chiều 10/8, Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên khẳng định: "Không có cơ sở để nói Việt Nam thiếu gạo."

Theo ông Biên, việc giá gạo ở nhiều điểm bán lẻ tại TP HCM rục rịch tăng giá trong 2 ngày gần đây từ 13.000 đồng/kg lên 14.000 đồng/kg, “chỉ là do yếu tố tâm lý khi thông tin về nhu cầu tiêu thụ gạo trên thế giới tăng cao được các phương tiện truyền thông công bố mấy ngày gần đây”.

Thứ trưởng Biên cho rằng, với lượng tiêu dùng trong nước được dự báo không có đột biến, cộng thêm với việc 7 tháng đầu năm các doanh nghiệp đã tranh thủ mức giá thấp nhập khẩu 1,4 triệu tấn lúa mì để phục vụ nhu cầu trong nước, thì nước ta không thiếu gạo phục vụ cho cả tiêu dùng nội địa cũng như kế hoạch xuất khẩu.

Ông Trương Thanh Phong cho biết, hiện trong kho của Tổng Công ty Lương thực miền Nam còn khoảng 10.000 tấn gạo và kế hoạch đưa ra thị trường với giá không thay đổi. Người dân có thể đến các điểm bình ổn thị trường mua gạo với lượng không hạn chế.

Hiệp hội Lương thực đã chỉ đạo các doanh nghiệp thành viên đảm bảo lượng gạo dự trữ để bình ổn thị trường, không để biến động giá, nhất là tại các đô thị lớn.

Ông Phong cho biết thêm, trước tình trạng nhiều người đầu cơ đang đẩy giá gạo lên cao để trục lợi, Hiệp hội Lương thực đã chỉ đạo các doanh nghiệp thành viên đảm bảo lượng gạo dự trữ, sẵn sàng can thiệp thị trường trong nước một khi có biến động.

Và xuất khẩu theo đúng kế hoạch

Theo ông Trương Thanh Phong, đến nay hợp đồng xuất khẩu đã ký là 6 triệu tấn, đã giao 4,13 triệu tấn gao, đạt giá trị hơn 2 tỷ USD. So với năm 2009, năm nay giá trị gạo xuất khẩu tăng 20%, khoảng 30 USD/tấn.

Ông Trương Thanh Phong cho rằng, kết quả này là nhờ chủ trương điều hành linh hoạt thực hiện từ tháng 3 đến nay. Giá lương thực trên thị trường thế giới đang có xu hướng tăng do sản lượng giảm bởi thời tiết. Nhờ đó giá lúa gạo Việt Nam xuất đã tăng thêm 20-30 USD/tấn, đang ở mức 375 USD/tấn loại 5% tấm, 330 USD/tấn loại 25% tấm.

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh gạo cho rằng cần phải duy trì chính sách điều hành linh hoạt như thời gian qua. Bởi lẽ, giá gạo bị chi phối từ thị trường quốc tế. Các doanh nghiệp xuất khẩu rất cần sự chủ động về giá để phù hợp với tình hình của từng thời điểm, để không bị mất cơ hội.

Với sản lượng dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cộng với lượng gạo tồn kho thì lượng gạo hàng hóa có thể xuất khẩu là khá cao. VFA đang điều hành ở mức 6 triệu tấn cả năm và sẽ xem xét linh hoạt để tiêu thụ hết lượng gạo hàng hóa.

Một số nhà phân tích thị trường đã lên tiếng cảnh báo người tiêu dùng có thể sẽ đối mặt với một cuộc khủng hoảng lương thực mới, sau khi giá lúa mì thế giới tăng lên kỷ lục do sản lượng giảm tại Nga và một số nước châu Âu vì thời tiết xấu.

Giá lúa mỳ giao kỳ hạn tại thị trường Chicago đầu tuần trước tăng 20%, lên 8,41 USD/bushel, tăng gần gấp đôi so với đầu tháng 7.

Theo ông Trương Thanh Phong, hầu hết các quốc gia đều dự báo mất mùa do hạn hán và lũ lụt vì vậy nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường sẽ không thể tránh khỏi. Các doanh nghiệp nên chủ động mua gom và tính toán giá cả để có thể bán được giá tốt nhất.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên: Hiện nay, nhu cầu gạo ở thị trường châu Phi, châu Á, Cuba, Iraq vẫn còn nhiều. Bộ Công thương đã có kế hoạch điều tiết xuất khẩu gạo theo hướng có lợi cho người dân. Trong đó tập trung vào các thị trường truyền thống và mở thêm thị trường mới như Bangladesh.

Ông Biên cũng đề nghị, doanh nghiệp nên rà soát lại các hợp đồng xuất khẩu, đối với các hợp đồng có thể giãn thời gian giao hàng, thì nên đàm phán lại với đối tác để hiệu quả mang lại là cao nhất.

Dự kiến trong tuần này, sẽ diễn ra ký kết hợp đồng cấp Chính phủ cung cấp khoảng 220.000 tấn gạo theo yêu cầu của phía Bangladesh.

Trước đó, trong tháng 7, Tổng công ty lương thực Miền Nam (Vinafood 2) đã ký kết hợp đồng cung cấp 100.000 tấn gạo với Bộ trưởng Bộ Thực phẩm Bangladesh

Đây cũng là hợp đồng cấp Chính phủ mà Vinafood 2 được Bộ Công Thương giao nhiệm vụ đàm phán với Bangladesh.

Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên cho biết, Bangladesh là thị trường xuất khẩu gạo mới khai phá của Việt Nam. Trước đây, lượng gạo xuất khẩu của doanh nghiệp tiếp cận thị trường này rất hạn chế. Tính đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam cũng chỉ mới xuất khẩu được 178 tấn vào Bangladesh.

Trước thông tin Philippines - thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam sẽ ngưng nhập khẩu gạo vào năm tới, đại diện VFA khẳng định Philippines không thể không nhập khẩu gạo. Bởi Philippines không thể chủ động cung ứng đủ gạo cho thị trường nội địa do năng suất thấp, bão lũ liên miên. Hàng năm, Philippines phải hứng chịu đến 20 cơn bão đi qua. Tuy nhiên, Phiplippines có thể sẽ giảm bớt lượng nhập khẩu gạo từ bên ngoài, thay vì 2,4 triệu tấn năm 2010 thì năm tới sẽ giảm xuống nhập ở mức thấp hơn./.

Nhân Trí - VOVnews

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất