Thứ Năm, 3/10/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 13/10/2011 20:50'(GMT+7)

Để người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng hàng Việt

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Qua điều tra của các ngành chức năng, thị trường bán lẻ Việt Nam có trên 86 triệu người tiêu dùng; là một thị trường mới đối với nhiều mặt hàng công nghệ tiêu dùng cao cấp. Tiềm năng phát triển của thị trường nông thôn còn rất lớn với trên 70% dân số. Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước trong 5 tháng đầu năm đạt 762,7 nghìn tỷ đồng (tương đương 40 tỷ USD), tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2012, thị trường bán lẻ Việt Nam có thể đạt quy mô 113 tỷ USD. Với chủ trương người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, nguồn thu từ thị trường này không hề nhỏ, do vậy cần phải có những giải pháp phát triển bền vững hàng tiêu dùng Việt Nam. Để làm được điều này, nhà cung cấp, các doanh nghiệp Việt phải có chiến lược xây dựng thương hiệu bền vững hội đủ các yếu tố: chất lượng sản phẩm đúng cam kết và công bố; thiết kế mẫu mã đẹp và an toàn cho người tiêu dùng; giá cả cạnh tranh; có chiến lược marketing, xây dựng thương hiệu chuyên nghiệp, bền vững; chiến lược bán hàng phân phối có tính chuyên nghiệp và đáp ứng tốt tốc độ phát triển, cạnh tranh của thị trường ngành hàng.

Theo các chuyên gia về hàng Việt, hiện nay một số doanh nhân có khuynh hướng chọn con đường ăn xổi với mục đích chính là làm kinh tế chứ không làm thương hiệu. Xuất phát từ động cơ ngắn hạn ấy, nhiều sản phẩm ra đời vội vã, nhanh chóng bị thị trường tẩy chay chỉ sau một thời gian ngắn. Vì vậy, việc xây dựng thương hiệu cần phải đặt trên một nền tảng chất lượng vững chắc. Ông Lê Văn Lộc, Giám đốc Công ty FTM Đà Nẵng cho rằng, sản phẩm có thương hiệu phải là sản phẩm chất lượng, đẹp, giá cả cạnh tranh, hệ thống bán hàng chuyên nghiệp. Chất lượng thương hiệu không hoàn toàn đồng nghĩa với chất lượng sản phẩm. Chất lượng sản phẩm thu hẹp trong giới hạn "đáp ứng, thoả mãn một nhu cầu chức năng nhất định" theo tiêu chuẩn công bố và được xã hội tiêu dùng chấp nhận còn chất lượng thương hiệu có biên độ rộng hơn. Xây dựng thương hiệu cũng giống như xây một chiếc cầu. Cầu càng lớn đòi hỏi mức đầu tư và quy trình thi công chuyên nghiệp càng cao.

Thực tế hiện nay cho thấy những doanh nghiệp làm ăn chân chính đều đang khẳng định mình bằng chất lượng sản phẩm. Nhiều thương hiệu hàng hóa tại Đà Nẵng thực sự đứng vững trên thị trường như sản phẩm may mặc của Tổng Công ty Dệt may Hòa Thọ, giày dép của Công ty Giày BQ, nước mắm Phước Thái, săm lốp DRC… Các doanh nghiệp lớn cũng đã có những phân khúc thị trường hợp lý như Công ty Việt Tiến, Công ty An Phước, May 10… tạo ra nhiều dòng sản phẩm trung bình và cao cấp, đáp ứng các đối tượng tiêu dùng. Tư tưởng sính hàng ngoại của người tiêu dùng cũng đã dần được thay thế bằng sự yêu thích dùng hàng Việt Nam. Đó là một dấu hiệu đáng mừng. Song phải thừa nhận rằng, trên thị trường có không ít hàng nhái, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ ngang nhiên tồn tại, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp, nhà sản xuất và quyền lợi của người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại và Dịch vụ Hương Quế (Đà Nẵng) khẳng định: Chủ trương "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã thực sự lan toả, được hàng triệu người Việt Nam hưởng ứng bằng những hành động cụ thể. Chất lượng hàng hoá Việt Nam được khẳng định với chính người tiêu dùng bằng quyền lợi và hiệu quả mang lại cho họ.

Tìm ra các giải pháp phù hợp trong việc phát triển hàng tiêu dùng còn nhiều vấn đề tùy thuộc vào từng doanh nghiệp. Một trong các giải pháp phát triển hàng tiêu dùng mà các doanh nghiệp đưa ra là kêu gọi các doanh nghiệp sử dụng hàng hóa của nhau để vừa tạo tính gắn kết giữa các doanh nghiệp địa phương, vừa giúp doanh nghiệp giải quyết vấn đề đầu ra cho sản phẩm./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất