Hiện trường vụ các đối tượng quá khích đập phá tại trụ sở của Cảnh sát phòng cháy chữa cháy tỉnh Bình Thuận. (Ảnh: Phạm Nguyễn)
Nhiều ngày trước khi Kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa XIV (từ 21/5 tới 15/6/2018) tổ chức thảo luận về Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (Dự án), văn bản Dự án đã được công bố đầy đủ, công khai trên trang mạng duthaoonline.quochoi.vn “nơi cử tri cùng các đại biểu Quốc hội xây dựng luật”; đồng thời nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, tiếp xúc cử tri đã được tổ chức trên cả nước để lấy ý kiến đóng góp với Dự án. Trước đó, tại Kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIV (từ 23/10 tới 24/11/2017), các đại biểu Quốc hội cũng đã thảo luận, cho ý kiến để Dự án tiếp tục hoàn thiện. Trên thực tế, một thời gian dài chưa có bất kỳ ý kiến nào phản đối, bác bỏ Dự án. Dư luận chỉ tập trung chú ý khi có một số ý kiến thảo luận về khoản 1 Điều 32 của Dự án: “Căn cứ vào quy mô, tính chất của dự án đầu tư và đề xuất của nhà đầu tư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân đặc khu quyết định thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu không quá 70 năm; trường hợp đặc biệt, thời hạn sử dụng đất có thể dài hơn nhưng không quá 99 năm do Thủ tướng Chính phủ quyết định”.
Và các thế lực thù địch cùng một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí nhanh chóng chớp cơ hội để xuyên tạc, đổi trắng thay đen. Họ dựng ngược câu chuyện, coi đây là “điều khoản dành cho Trung Quốc”, “cho Trung Quốc thuê đất 99 năm để làm khu tự trị”, biến nội dung Quốc hội đang thảo luận, bàn bạc tại Hội trường thành “đất bán rồi”, tung tin “đặc khu được thành lập quân đội và công an riêng, cấm người Việt lai vãng”... làm lạc hướng, thao túng dư luận trên internet. Luận điệu xuyên tạc này kết hợp với vô số hình ảnh cắt ghép, tài liệu ngụy tạo đã tác động tiêu cực đến không ít người nhận thức còn mơ hồ hoặc thiếu thông tin, kiểm chứng, rồi chỉ vì tin vào sự xuyên tạc mà dấy lên làn sóng phản đối, quy kết Quốc hội, Chính phủ “bán nước”? Có một thực tế là đến nay, số người thực sự đã đọc toàn bộ văn bản Dự án với 85 Điều trình bày qua 29.440 chữ để nắm bắt thấu đáo, hoàn chỉnh một dự án luật của quốc gia để từ đó có ý kiến riêng không nhiều. Mà phần lớn với sự cảm tính, hoặc chịu ảnh hưởng của luận điệu xuyên tạc phát tán trên internet, tác động của đám đông chung quanh mà bức xúc, hùa theo. Đó chính là cơ hội để các tổ chức phản động của người Việt ở nước ngoài, một số phần tử chống đối và cơ hội đã mạo nhận, nhân danh lòng yêu nước để kêu gọi biểu tình. Và khi lòng yêu nước không đặt đúng chỗ, suy nghĩ cảm tính bị kích động, tinh thần dân tộc bị đẩy tới mức cực đoan, nhiều người dân đã thiếu tỉnh táo, thiếu bình tĩnh không xem xét đúng sai, không quan tâm tới hệ lụy có thể xảy ra từ hành vi tiêu cực, tự biến mình thành công cụ của kẻ xấu.
Đó là sự thật không thể chối cãi. Bởi theo logic thông thường, khi Chính phủ đã thống nhất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét, lùi việc thông qua Dự án Luật từ Kỳ họp thứ năm sang Kỳ họp thứ sáu Quốc hội khóa XIV để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện và Thủ tướng Chính phủ khẳng định: “Tôi nghĩ rằng cần lắng nghe ý kiến này, sẽ điều chỉnh lại vấn đề thời gian thuê đất một cách hợp lý, phù hợp với nguyện vọng mà nhân dân đã phản ánh với chúng ta”, nếu thực sự chín chắn, có ý thức, trách nhiệm thì cần bình tâm xem xét. Nhưng không, một số người vẫn tiến hành biểu tình bất hợp pháp tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, ở một số địa phương, mà đỉnh điểm là gây bạo loạn tại Bình Thuận. Qua đó có thể thấy, vấn đề của Dự án chỉ là cái “cớ”, mục đích của những kẻ chủ mưu là tiến công vào chế độ, trực tiếp là Quốc hội, Chính phủ. (Đề cập các nguyên nhân đẩy tới sự kiện, cũng cần đặt câu hỏi về sự vô tình hay cố tình của một số trang mạng trong nước và nước ngoài, trang cá nhân... khi tập trung khoét sâu vấn đề qua một số ý kiến phản biện, hoặc hời hợt, thậm chí bỏ qua ý kiến có tính chất xây dựng; đồng thời đăng tải ý kiến suy diễn của cá nhân khi cho rằng cho thuê đất 99 năm “thực chất là hình thức nhượng địa”, “chẳng khác gì sự cầm cố”...?).
Đáng tiếc là sau khi những hoạt động trái phép trên xảy ra, thay vì phải nhìn thẳng vào sự thật, thay vì cất lên tiếng nói có tính chất cảnh báo, xây dựng, lại là việc biện hộ cho các ý kiến thiếu tinh thần xây dựng, cho các hành vi vi phạm pháp luật vừa qua. Tại một số ý kiến trên mạng xã hội xuất hiện xu hướng coi đây là thể hiện lòng yêu nước, không bị xúi bẩy, kích động. Đó là sự biện hộ vô trách nhiệm. Vì người có trách nhiệm sẽ không a dua theo số đông để hùng hổ thể hiện lòng yêu nước. Không lý do nào có thể biện hộ cho việc dựa vào luận điệu xuyên tạc để biểu tình bất hợp pháp. Càng không lý do nào có thể biện hộ cho hành vi sử dụng gạch đá, bom xăng, thuốc nổ tiến công trụ sở cơ quan Nhà nước, tiến công, bắt giữ nhân viên công vụ, đốt phá nhà cửa, đốt phá phương tiện giao thông, làm ách tắc đường sá. Đó là hành vi phạm pháp nghiêm trọng mà chính quyền ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới cũng sẽ không dung thứ. Để thỏa mãn đòi hỏi cá nhân ích kỷ, thỏa mãn toan tính đen tối, nhiều đối tượng tham gia biểu tình bất hợp pháp, gây bạo loạn vừa qua hoàn toàn không đếm xỉa tới hệ lụy cực kỳ nguy hiểm từ hành vi của họ. Hệ lụy đó không chỉ làm rối loạn đời sống xã hội, mà trực tiếp đe dọa cuộc sống của chính họ, của người thân, của cộng đồng. Đối với đất nước chúng ta, một trong những yêu cầu tiên quyết để phát triển là xã hội ổn định trên mọi lĩnh vực. Những năm qua, Quốc hội cùng Chính phủ đã rất nỗ lực cùng toàn dân xây dựng sự ổn định đó. Một mặt là tạo điều kiện giúp nhân dân yên tâm phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, được thỏa mãn nhu cầu vật chất - tinh thần đang ngày càng tăng cao; mặt khác là tạo niềm tin với các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm hợp tác lâu dài, du khách trên thế giới coi Việt Nam là điểm đến lý tưởng... Bằng hành động “tự cầm dao đâm vào tim mình”, những người tham gia biểu tình bất hợp pháp, gây bạo loạn vừa qua đã cố tình hoặc vô tình tự tước bỏ lợi ích của chính mình và tước đoạt lợi ích của người khác. Họ không quan tâm đến hệ lụy nguy hại trực tiếp là cuộc sống tại địa phương bị rối loạn, hoạt động sản xuất và kinh doanh bị ngưng trệ, hàng hóa không thể lưu thông, công nhân bị đe dọa sa thải vì đi biểu tình mà vi phạm thời gian lao động, nhà đầu tư nước ngoài có thể không tiếp tục đầu tư, các nước khuyến cáo công dân không du lịch tới Việt Nam và hàng chục nghìn người đang mưu sinh qua dịch vụ du lịch sẽ bị mất việc làm, Việt Nam tụt hạng trong bảng xếp hạng những quốc gia an toàn và có an ninh trật tự tốt, uy tín đất nước suy giảm trên trường quốc tế... Hành động phá hoại, bất chấp luật pháp của không ít người vừa qua phần nào có thể khẳng định là vô lương tâm, gây hại quá lớn cho đất nước, cho nhân dân.
Từ diễn biến các cuộc “cách mạng mầu” ở Nam Tư, Gru-di-a, U-crai-na vào những năm đầu của thế kỷ 20 đến phong trào gọi là “mùa xuân A-rập”, các nhà nghiên cứu đã kết luận về các bước tiến hành của “cách mạng mầu” thường bao gồm: 1. Các thế lực nước ngoài tài trợ tiền bạc làm hình thành “phe đối lập” trong nước thông qua các loại “dự án nhân quyền”, giải thưởng nhân quyền, tự do ngôn luận; từ đó xuất hiện một số cá nhân gọi là “nhà bất đồng chính kiến”, số người này được tuyển chọn đưa ra nước ngoài đào tạo bài bản, được trang bị phương tiện chống phá, từ đó ra đời “thủ lĩnh” các loại hội, nhóm bất hợp pháp. 2. Tận dụng, phát huy hết công suất của các phương tiện truyền thông, đặc biệt là các mạng xã hội, để trực tiếp tác động, ảnh hưởng tới từng cá nhân; triệt để lợi dụng hiện tượng tham nhũng, yếu kém trong hệ thống chính quyền để xuyên tạc và thổi phồng nhằm tiến công vào uy tín của Nhà nước; không có sự kiện để lợi dụng thì họ dựng chuyện vu cáo chính quyền “bán nước, đàn áp, giết hại nhân dân,…”; từng bước tác động làm hình thành trong xã hội tâm trạng bức xúc theo hướng kết tội chính quyền; các hoạt động này được phối hợp rất chặt chẽ với phương tiện truyền thông của thế lực thù địch ở nước ngoài. 3. Liên tục rêu rao “đấu tranh nhân quyền nhưng bị đàn áp” để kêu gọi nước ngoài ủng hộ, can thiệp, mời dự các cuộc họp báo, điều trần vu cáo chính quyền; nước ngoài cử đại diện gặp gỡ “nhà bất đồng chính kiến”, cử phái viên “nghiên cứu” mà chủ yếu là tiếp xúc với các phần tử chống đối, tạo cảm giác được chú ý, ủng hộ; thậm chí có nước ngoài còn gây sức ép với chính quyền qua yêu cầu quan hệ kinh tế phải gắn với nhân quyền. 4. Khi sự bức xúc có dấu hiệu lan rộng, thì tìm cớ hoặc tạo cớ tổ chức biểu tình đòi dân chủ, nhanh chóng chuyển từ biểu tình ôn hòa thành bạo động, lật đổ, tiến công, cướp bóc, đập phá tài sản nhà nước...
Đối chiếu với tổng kết trên đây và từ các cuộc biểu tình bất hợp pháp, gây bạo loạn vừa qua cần khẳng định đã và đang có các thế lực mưu toan thực hiện một cuộc “cách mạng mầu” ở Việt Nam. Và thực tế cũng đã phát lộ một số dấu hiệu. Đáng tiếc, ngoài kẻ chủ mưu nham hiểm, không ít người dân thành tâm yêu nước song vì thiếu suy tính, vì bức xúc, chịu ảnh hưởng của luận điệu xuyên tạc đã có hành vi vi phạm pháp luật. Thực tế tại tất cả các nước từng diễn ra “cách mạng mầu” trên thế giới đều cho thấy một sự thật nhãn tiền là, chưa bao giờ và chưa ở đâu “cách mạng mầu” đem sự ổn định đến cho xã hội. Kết cục của một cuộc cách mạng mầu chỉ là một xã hội rối ren, quyền lợi cho chính những người đã tham gia biểu tình, bạo loạn chỉ là sự uất ức, nuối tiếc và cảm giác bị lừa gạt. Trong thời gian rất ngắn, các tổ chức, cá nhân cầm đầu “cách mạng mầu” đã lộ nguyên hình là kẻ tước đoạt kết quả, đất nước biến thành chiến trường của những cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn, hoặc thành nạn nhân của chiến tranh xâm lược tàn bạo sau hàng chục năm chưa tìm ra lối thoát, mọi hoạt động xã hội đình đốn và hỗn loạn, nhân dân lâm cảnh cơ cực phải bỏ xứ ra đi... Thảm cảnh mà những người dân I-rắc, Li-bi, Y-ê-men... đang phải gánh chịu là bằng chứng cụ thể cho hậu quả thảm khốc mà “cách mạng mầu” đẩy tới. Đó là điều cần cảnh báo với những ai vì muốn bày tỏ lòng yêu nước một cách thái quá mà vô tình tiếp tay cho kẻ xấu.
Ngày 11/6/2018, đề cập các sự kiện kể trên, ông Đặng Hùng Võ đã nhận xét trên RFA rằng: “Có những người yêu nước nhưng mù quáng”. Đó là sự thật, vì nếu yêu nước một cách tỉnh táo họ không hành xử như vậy.
Trong lịch sử vẻ vang của dân tộc, các thế hệ đi trước luôn luôn thể hiện lòng yêu nước trên cơ sở nguyên tắc duy nhất là bảo vệ chủ quyền, giành lại chủ quyền và xây dựng đất nước ổn định, phát triển. Mọi hành động đi ngược nguyên tắc này là phản nước, hại dân, bị người đời lên án, là tấm gương xấu để nhắc nhở hậu thế. Ngày nay cũng vậy, dù lịch sử có nhiều biến đổi khác trước thì nguyên tắc đó vẫn nguyên giá trị. Mọi việc làm đều phải lấy ích nước, lợi dân làm mục đích tối cao. “Yêu nước bằng cả trái tim nóng và cái đầu lạnh”. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa lòng yêu nước với suy nghĩ, hành động thiết thực vì lợi ích của đất nước, bản thân và gia đình, dân tộc, đồng thời tỉnh táo, không để bị mê hoặc, lôi kéo, mà thận trọng nhận chân luận điệu xuyên tạc, mị dân. Khi kẻ xấu cố tình sử dụng mọi mưu ma chước quỷ để phá vỡ khối đoàn kết dân tộc, làm đất nước suy yếu và thừa cơ lật đổ chế độ, xóa bỏ thành tựu chúng ta đã đạt được thì “yêu nước bằng trái tim nóng và cái đầu lạnh” phải là điều tâm huyết, chi phối nhận thức, hành động của mọi công dân. Mặt khác, cần nhận thức rõ rằng “nước có quốc pháp”, mọi hành vi vượt quá giới hạn sẽ bị xử lý theo pháp luật. Yêu nước, trước hết hãy là một công dân có trách nhiệm. Khi có nguyện vọng góp ý, phản biện các quyết sách quan trọng của đất nước, mỗi người cần phải xuất phát từ tư cách công dân chân chính và trong khuôn khổ pháp luật./.