(TCTG)- Móng Cái là một trong hai trung tâm kinh tế lớn của tỉnh Quảng Ninh, là cửa ngõ giao thương kinh tế quan trọng của Việt Nam và Trung Quốc.
Với vị trí địa lý quan trọng trong phát triển kinh tế và an ninh quốc gia, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của tỉnh Quảng Ninh, cùng với sự nỗ lực không ngừng của địa phương,trong những năm vừa, qua Móng Cái đã đạt được những kết quả đáng khích lệ về kinh tế-xã hội. Ghi nhận những kết quả đạt được và để tạo điều kiện để địa phương tiếp tục phát triển, ngày 24 tháng 9 năm 2008 Chính Phủ đã ban hành Nghị định số 03-NĐ/CP thành lập thành phố Móng Cái.
Theo dòng lịch sử của dân tộc, mảnh đất này từ xa xưa đã là nơi của người Việt sinh sống và để lại nhiều di chỉ, di sản và di tích lịch sử - văn hoá có giá trị, thể hiện bản sắc văn hoá và truyền thống của dân tộc.
Là địa bàn biên giới, trải qua các thời kỳ chống giặc ngoại xâm trước đây, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và trong chiến tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, Móng Cái luôn là địa bàn có vị trí quan trọng của tỉnh Quảng Ninh và cả nước. Nơi đây là vùng đất khí hậu ôn hoà, có địa hình tự nhiên đa dạng và phong phú, là cửa ngõ buôn bán, thông thương, Móng Cái có những lợi thế riêng để phát triển kinh tế - xã hội. Từ xa xưa Móng Cái được biết đến như một địa danh giao thương sầm uất giữa Việt Nam và Trung Quốc với nhiều điểm thông quan trong hệ thống bến cảng Vân Đồn - Vạn Ninh. Trong thời kỳ xây dựng CNXH ở miền Bắc, Móng Cái là một trong những huyện trọng điểm sản xuất lương thực của tỉnh, nơi có những sản phẩm sành sứ có tiếng, với đội thuyền đi biển trao đổi buôn bán trên khắp mọi miền đất nước.
Trong những năm đổi mới, Móng Cái đã có sự chuyển mình mạnh mẽ. Kinh tế có mức tăng trưởng cao và toàn diện: Mười năm qua, tốc độ tăng trưởng bình quân 16,85%/ năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp: nông nghiệp chiếm tỷ trọng 19%; công nghiệp, xây dựng chiếm 16%; du lịch chiếm 65%; thu nhập bình quân đầu người năm 2000 là 565 USD, năm 2008 đạt khoảng 1.420 USD. Thương mại - du lịch - dịch vụ thực sự đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Móng Cái và có bước tăng trưởng nhanh. Kim ngạch XNK qua cửa khẩu Móng Cái năm 2000 đạt 136,6 triệu USD, năm 2005 đạt 1,034 tỷ USD, năm 2007 đạt 2,492 tỷ USD, năm 2008 đạt trên 4 tỷ USD, chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch ngoại thương Việt Nam - Trung Quốc. Hiện nay Móng Cái đã hình thành hệ thống chợ trung tâm đầu mối, chợ biên giới, cấp luồng hàng đi các nơi, với trên 6000 hộ kinh doanh trong đó có trên 1000 hộ kinh doanh là người nước ngoài. Các hoạt động dịch vụ chuyển tải, chuyển khẩu, kho ngoại quan, cửa hàng miễn thuế, dịch vụ bưu chính viễn thông, ngân hàng, hệ thống bến thuỷ nội địa, cảng biển không ngừng được mở rộng, nâng cấp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân. Móng Cái là nơi có hệ thống bến thuỷ nội địa, cảng biển phong phú và thuận tiện, nhất là việc giao thương mậu dịch biên giới với Thị xã Đông Hưng, khu Phòng Thành của nước CHND Trung Hoa.
Cùng với sự phát triển của các loại hình vận tải, các thành phần kinh tế đã tạo ra khả năng vận chuyển bốc xếp hàng hoá, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất - kinh doanh, với tổng khối lượng hàng hoá lên tới hàng chục triệu tấn mỗi năm. Móng Cái còn là một trong những điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh Quảng Ninh, hàng năm thu hút trên 2 triệu lượt khách qua lại cửa khẩu, mang lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách.
Bên cạnh sự phát triển của ngành kinh tế mũi nhọn thương mại - du lịch, ngành công nghiệp cũng luôn được quan tâm đầu tư phát triển, với tốc độ tăng trưởng bình quân 18%/năm. Móng Cái đã xây dựng được 4 khu, cụm công nghiệp, trong đó khu công nghiệp Hải Yên được Chính phủ phê duyệt là một trong 5 khu công nghiệp lớn của tỉnh Quảng Ninh, hình thành ngành sản xuất gia công, lắp ráp, chế biến phục vụ xuất khẩu, trở thành điểm đến của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Hiện nay, Móng Cái có 23 dự án đầu tư của nước ngoài với tổng số vốn đăng ký đạt 235 triệu USD, mức vốn thực hiện đạt trên 60%, có trên 390 doanh nghiệp, HTX đầu tư vào lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp với tổng mức vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng...
Kinh tế tăng trưởng cao, thu ngân sách hàng năm tăng, Móng Cái đã không ngừng đổi mới, phát triển không gian đô thị, hạ tầng kinh tế - xã hội. Cùng với đó là việc chăm sóc sức khoẻ nhân dân trong những năm qua ngày càng được quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và nâng cao nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ y tế của Bệnh viện đa khoa khu vực và các trạm y tế cơ sở. Hoạt động văn hoá - thể thao, phát thanh - truyền hình được tăng cường về cơ sở vật chất và chất lượng đội ngũ cán bộ. Đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị không ngừng được củng cố về tổ chức, đổi mới và nâng cao chất lượng, nội dung, hình thức hoạt động. Công tác tư tưởng luôn được Đảng bộ quan tâm và chú trọng; tổ chức cơ sở Đảng không ngừng được kiện toàn; công tác kiểm tra giám sát luôn được đề cao, thực hiện có hiệu quả. Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" được sự hưởng ứng của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân. Hoạt động của chính quyền và bộ máy quản lý nhà nước đã có nhiều tiến bộ, chất lượng và hiệu quả hoạt động được nâng cao. UBMT Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội luôn được củng cố về tổ chức, phát triển đoàn viên, hội viên và đổi mới phương thức hoạt động, đóng góp thiết thực vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Tuy nhiên, do hoàn cảnh lịch sử và do hậu quả của những năm tháng chiến tranh tàn phá, giao thông cách trở, Móng Cái trước đây là một huyện thuần nông, cơ sở hạ tầng thấp kém, kinh tế - xã hội khó khăn, đời sống nhân dân chậm được cải thiện. Bên cạnh đó việc điều hành quản lý của Móng Cái cũng còn bộc lộ những hạn chế, thiếu sót trong quá trình phát triển như: hạ tầng kinh tế - xã hội chưa theo kịp sự phát triển, chênh lệch vùng miền còn lớn, cơ chế chính sách còn bất cập, làm cho kinh tế tăng trưởng nhanh nhưng chưa vững chắc. Hiệu quả khai thác tiềm năng đất đai và lao động chưa cao, chất lượng lao động còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Những hạn chế đó đã phần nào tác động làm ảnh hưởng đến nhịp độ phát triển toàn diện của địa phương. Song những thành tựu đạt được trong những năm qua là kết quả của việc đổi mới phương thức lãnh đạo, là nỗ lực của toàn thể nhân dân Móng Cái, là tiền đề đưa Móng Cái trở thành Thành phố biên giới cửa khẩu có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng của cả nước. Trong những năm tới ,để hoàn thành trọng trách mới nặng nề hơn, Móng Cái đã hướng tập trung làm tốt những nhiệm vụ cơ bản sau:
Một là, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, kịp thời tháo gỡ những rào cản trong sản xuất và lưu thông hàng hoá; nâng cao chất lượng, hiệu quả của hải quan cửa khẩu, phục vụ tốt hơn cho các doanh nghiệp sản xuất và xuất nhập khẩu.
Hai là, xây dựng, hiện đại hoá cơ sở hạ tầng theo kịp với sự phát triển của một thành phố biển, cửa khẩu quan trọng của cả nước. Đi đôi với phát triển hạ tầng là quảng bá, xúc tiến thương mại giới thiệu các khu danh lam thắng cảnh như: hồ Tràng Vinh, hồ Quất Đông, Đoan Tĩnh... nhằm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Ba là, cải tạo, nâng cấp Cảng biển Vạn Gia thành cảng biển nước sâu thuộc loại lớn trong khu vực, đáp ứng tàu có trọng tải lớn ra vào thuận tiện, đồng thời xây dựng cầu Bắc Luân 2 và các dịch vụ cần thiết để phục vụ xuất nhập khẩu.
Bốn là, củng cố và phát huy thế trận an ninh nhân dân vững chắc, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho lực lượng công an, biên phòng; đồng thời tăng cường trấn áp các loại tội phạm, giảm các loại tệ nạn xã hội, đảm bảo tốt an ninh biên giới để phát triển kinh tế - xã hội.
Năm là,
làm tốt công tác chính sách xã hội, không ngừng cải thiện đời sống vật chất cũng như tinh thần của nhân dân, đặc biệt là những gia đình chính sách, đồng bào vùng cao, hẻo lánh. Nâng cao chất lượng dạy và học, quan tâm đầu tư cho ngành giáo dục, hoàn thành phổ cập THPT, xây dựng các trường chuyên để đào tạo nhân tài, xây dựng các trường Trung cấp, dạy nghề trình độ cao.