Thứ Hai, 25/11/2024
Thông tin tổng hợp
Chủ Nhật, 25/1/2009 20:13'(GMT+7)

Đường tuần vào xuân

Đồn Biên phòng Mường Nhé quản lý 18,5 km đường biên, một cột mốc A4

Đồn Biên phòng Mường Nhé quản lý 18,5 km đường biên, một cột mốc A4

Trung tá Vũ Xuân Thạch, cán bộ đồn Mường Nhé rất tâm đắc về cụm từ “đường tuần vào xuân” mà ông già Sùng A Lánh hay dùng. Anh bảo: “Nếu chưa đến mảnh đất này, chưa một lần đi tuần cùng những người lính biên phòng thì không hiểu giá trị của câu nói đó”.

Đồn Mường Nhé quản lý 18,5 km đường biên, một cột mốc A4. Trong số 12 dân tộc anh em sống trên địa bàn thì người H’Mông là đông đảo nhất. Trước khu vực này chỉ có một bản người H’Mông ở Nậm Là, bây giờ thì người H’Mông di, dịch cư tự do đến đây đã hàng chục bản kèm theo biết bao khó khăn cho việc giải quyết tình hình an ninh địa bàn. Bên kia biên giới, đồng bào nước bạn vẫn còn nạn trồng cây thuốc phiện. Từ ngày giao thông mở mang, con đường lên Sín Thầu, Chung Chải đang dần lộ diện, sự đi lại giữa nước ta với hai nước bạn ngày càng thuận tiẹn thì vấn đề an ninh lại càng thêm phức tạp. Non nửa số bản đang bị bọn xấu tuyên truyền tà đạo trái phép, tình hình nghiện hút vẫn còn nhiều… Vì thế, khi chim én ríu rít lượn mừng trên nền trời xanh thắm thì lòng người lính biên phòng lại trĩu nặng những âu lo…

Ông Lò Văn Pà, 74 tuổi đời, hơn 40 tuổi Đảng, người cả đời gắn bó với công tác xây dựng chính quyền cơ sở ở Mường Nhé nói với tôi: “Đường lên Mường Nhé bây giờ vẫn khó khăn nhưng so với trước đã là đáng mơ ước. Chỉ ít năm trước từ Na Pheo muốn đi Mường Nhé phải cắt dây rừng mà đi, lựa theo những dòng suối mà lội. Mỗi lần ông đi giao ban trên huyện mất cả tuần đi đường, rất nhiều lần phải ngủ rừng với nỗi lo lắng ghê người vì sợ bị lũ cuốn trôi và bầy vắt cắn xé. Bây giờ, ô tô chạy chỉ nửa ngày đường là tới, dẫu con đường ấy còn gập ghềnh sỏi đá, loang lổ ổ gà, ổ voi, có bận đi nhận công tác đầu năm mà tôi phải đón tết giữa rừng..”.

“Đường tuần vào xuân” bao giờ cũng xuất phát từ đồn Mường Nhé. Ngày mồng Một tết, khi mà mây mù còn lượn đặc quánh trên từng dãy núi, trai bản mới bắt đầu say ngủ sau đêm giao thừa vui vẻ thì những người lính trong đồn đã dậy đốt củi sưởi ấm cả sân đồn, tạo ra đống than hồng hực lửa để mời gọi các vị khách đến mừng xuân. Tiếng là “khách” nhưng chẳng có ai xa lạ. Đoàn đến đầu tiên thể nào cũng là đoàn cán bộ xã do Bí thư Đảng uỷ Lường Văn Thuỷ dẫn đầu, rồi đến Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, đại diện các bản… và đặc biệt là những người vợ lính nhà ở gần đồn cũng sẽ vào vui đón xuân.

Trung tá Vũ Xuân Thạch cho hay: vui xuân ở đồn có nhiều vẻ nhưng sự có mặt của những người vợ lính là nét đặc biệt nhất, “một sự kỳ công” nhất. Những ngày tết trước, anh em dưới xuôi lên đây công tác ai mà chẳng có phút bâng khuâng nhớ vợ con, nhất là trong những giờ đầu năm mới. Mấy năm gần đây, nhiều cán bộ như Hoàng Văn Công, Hoàng Trung Nhiệm… tìm được hạnh phúc với các cô gái bản, hay như Trung uý Mai Văn Hữu còn mạnh dạn đưa vợ con tận Ninh Bình lên đây lập nghiệp nên cái “nỗi buồn xa ngái” giảm đi nhiều. Khách đến, rượu rót, chủ khách chúc nhau chưa kín lượt đã thấy đội dân quân của xã nai nịt gọn gàng có mặt. Với những vị khách này, nếu mời họ uống rượu là bị từ chối thẳng thừng ngay. Sùng A Chủa – một dân quân mới được kết nạp Đảng ghé tai khách nói nhỏ: “Không uống rượu khi làm nhiệm vụ nhé. Cái bộ đội biên phòng nó làm được mà nó vẫn vui thế kia nên mình phải học nó. Đi tuần về, có người thay ca, uống thoải mái nhé..”. Tôi cười, chỉ một cô gái dân quân khá xinh và có phần rất mạnh dạn nữa, bảo: “Vì nhiệm vụ hay vì cái nụ cười duyên kia…”. Sùng A Chủa cũng cười tít, mắt hấp háy rất vui: “Cái Giàng Thị Tảng đấy, đi tuần mùa xuân, mắt con gái tinh hơn”

Theo lời của Sùng A Chủa thì đội dân quân Mường Nhé đông lắm. Hơn trăm người được biên chế vào hai trung đội cùng nhiều tiểu đội lẻ nữa và con gái cũng đông. Năm ngoái, đồn biên phòng Mường Nhé tổ chức huấn luyện dân quân cho 152 người nhưng không phải ai cũng được “biên chế” vào đội. Trai bản chủ quan cho rằng xin vào dân quân “dễ như uống rượu” thì bây giờ phải rất chịu khó tập luyện, hăng hái xung phong trong công tác…mới được vào. Có điều đó chính từ việc những cô gái như Giáng Thị Tảng xung phong vào dân quân. Con gái cũng vào thì phải thi đua, ai hơn thì thắng. Chính các cô gái bảo: “Đêm giao thừa, con trai đi “chọc sàn” nhiều nên mệt, đi tuần không bảo đảm. Nên để con gái đi tuần với bộ đội ”. Nghe câu ấy, bọn con trai như A Chủa đứa nào cũng tức. Vì thế mà cũng không dám chơi đêm quá đà, sáng sớm đã nai nịt gọn gàng vào đồn trước cả đám con gái…Thành phần một đội tuần tra không nhiều nhưng mấy ngày lễ tết cần tuần tra liên tục nên số lượt người khá lớn. Mỗi ngày Tết, đồn cùng với dân quân tuần tới 15 lần. Tết năm nay chắc có khi còn hơn. Tiếng là giành nhau như vậy nhưng trước Tết, trung đội dân quân của xã đã họp, đã phân công kế hoạch cụ thể nên ai đi lượt nào đã có sẵn cả.

"Đường đi tuần dài, qua bao con suối, con khe, đỉnh đồi, đỉnh dốc..."

Đường đi tuần dài, qua bao con suối, con khe, đỉnh đồi, đỉnh dốc nhưng không ai ngại nhưng lại cảm thấy ái ngại cho một số đồng bào bị tà đạo Vàng Chứ mê hoặc. Mấy mùa xuân trước, khi tà đạo Vàng Chứ chưa có mặt ở vùng đất này, ngày xuân vui lắm. Trên bàn thờ nhà ai cũng nghi ngút khói hương thờ ông bà tổ tiên, không khí tết vì thế mà càng thêm ấm cúng. Bây giờ một số gia đình bị bọn Vàng Chứ mê hoặc bỏ bàn thờ nên ngày tết có vẻ lạnh lẽo thế nào !. Cả bản Huổi Chại đang đoàn kết vui vầy như thế mà giờ có nhà cứ theo Vàng Chứ, theo một cách mê muội, sung sướng đâu chả thấy còn đói nghèo vẫn hoàn đói nghèo. Cái bụng thằng Vàng Chứ chẳng biết ăn cái gì mà nó gieo mầm độc ác thế, Nhà nước muốn phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho bà con, cấp tấm lợp Prô xi măng cho bà con đỡ dột, cấp bò cho bà con nuôi, dạy kỹ thuật cho mà con trồng lúa giống mới…thế mà nó rỉ tai những điều đơm đặt làm một số người bán tín bán nghi, không dám nhận nguồn vốn do Nhà nước cấp…

Đi tuần ngày Tết lần này, chiến sỹ Giàng A Lồng thể nào cũng ghé Huổi Chại để nói thêm cho bà con rõ. Giàng A Lồng cũng là người H’Mông, nhà ở mãi bản Hội Tốn (Mường Trà, Điện Biên), nhập ngũ vào đồn Mường Nhé. Bà con người Mông nhờ làm tốt chủ trương của Đảng, của Nhà nước nên xuân này vui ơi là vui, rượu thịt ngày Tết nhiều vô kể, nhà nào cũng có đài, có ti vi, nhiều nhà có xe máy để đi chơi Tết nữa. Vui thế nhưng A Lồng đang có nhiệm vụ nên không về vui Tết với gia đình mà ở lại tham gia “đường tuần vào xuân”. Gặp trưởng bản Huổi Chại Sùng Nhè Súa, A Lồng sẽ nói thật nhiều mặc dù vốn tính A Lồng không phải là người nhiều lời. Người Mông nói ít, làm là chính nhưng với một số người vẫn u u mê mê thì phải nói gay gắt họ mới hiểu. Đi cơ sở nhiều, vận động rất nhiều bà con tỉnh ngộ nên A Lồng hiểu rõ lòng bà con Mông. Họ tốt lắm, ai cũng biết bộ đội biên phòng rất tốt nhưng trình độ văn hoá còn thấp nên đứng trước cái lý rủ rê của Vàng Chứ mới bị ngã lòng. Giàng A Lồng còn hiểu rõ nội tình vì sao các bà, các chị ở bản Huổi Chại này lại có nhiều người tin theo Vàng Chứ: Nhiều ông chồng không chịu làm lụng, rượu chè suốt ngày mà lại hay đánh vợ, vì thế các chị thấy đệ tử Vàng Chứ nó đồng cảm với mình, nó đòi công bằng cho mình, nó nói đúng công lao làm lụng nuôi chồng nuôi con của mình…Ghê gớm thay là bọn Vàng Chứ, nó nói đúng cái nửa đầu để gieo rắc, tiêm nhiễm cái nọc độc ở vế sau. A Lồng được học hành, được rèn luyện, nhìn thấy cái nọc độc ấy nên A Lồng phải đến để nói cho đồng bào biết. Ở bản Huổi Chại, đồn Mường Nhé xây một cái nhà đầu làng, mỗi lần A Lồng và các đồng đội đến đấy, bà con đến chơi là A Lồng tranh thủ phân tích ngay điều hơn, lẽ phải. Nhiều người ưng cách nói của A Lồng, còn A Lồng tin rằng những người còn mê muội nhất định sẽ tỉnh ngộ…

Trung uý Hoàng Văn Quảng - đội phó đội vận động quần chúng ngồi nghe A Lồng nói mà rạng rỡ khuôn mặt. 12 năm làm công tác vận động quần chúng tại đồn Mường Nhé, anh hiểu giá trị những lời nói và việc làm của các chiến sỹ như A Lồng. Vì thế mà “đường tuần vào xuân” nào cũng có mặt anh. Vừa đi vừa dạy cho các chiến sỹ thêm kiến thức dân vận nhưng anh cũng học được từ họ nhiều điều. Năm ngoái, đơn vị đã tổ chức đi tuần được 15 lần với gần 100 lượt đồng chí, làm thủ tục quan biên giới thăm nhau cho 83 lượt người. Cũng nhờ tai mắt nhân dân, năm vừa qua, đồn thu được 121 nguồn tin với 81 nguồn có giá trị, dẹp yên 3 vụ gây rối, bắt giữ một vụ khai thác gỗ, hai vụ buôn ma tuý với hơn hai nghìn viên thuốc tân dược APC. Tuyên truyền pháp luật 58 buổi được gần 3 ngàn lượt người, huấn luyện dân quân được 152 lượt người… 3 năm liền chi bộ đồn được công nhận là chi bộ trong sạch, vững mạnh, những thành tích ấy đã giúp cho vùng biên Mường Nhé luôn vững vàng. Thế trận lòng dân ngày càng vững chắc, kinh tế theo đà phát triển càng nhanh. Cũng vì thế mà Quảng mạnh dạn đưa vợ từ Ninh Bình lên đây lập nghiệp. Anh bảo: “Ông già Sùng A Lánh chịu khó làm kinh tế trang trại theo chủ trương của Đảng mà bây giờ có hàng trăm triệu. Mình đi hướng dẫn bà con nhiều, bây giờ lại đưa vợ con lên học cách làm giàu của bà con”. Làm được, nói được, nên bà con càng thêm tin tưởng. Một năm lăn lộn với các bản, ngày xuân đi tuần vừa ngăn chặn những hành động xấu, vừa tận mắt nhìn thấy sự thay da đổi thịt đang diễn ra từng ngày, từng giờ trên quê hương Mường Nhé nên càng thấy say mê, càng thấy phấn khởi.

Ông già Sùng A Lánh năm nào cũng ngồi đợi tuần tra đi ngang qua nhà để ra chào hỏi lấy may và gọi đó là “đường tuần vào xuân” cũng vì cái lý ấy.

Bài và ảnh: Giàng Seo

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất