Thứ Hai, 30/9/2024
Cuộc sống số
Thứ Năm, 26/11/2009 9:44'(GMT+7)

Để trở thành quốc gia mạnh về CNTT - Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực

Thứ trưởng Bộ KH-CN, TS Nguyễn Quân, cho rằng một quốc gia mạnh về CNTT phải mạnh cả 4 “trụ cột”: hạ tầng CNTT, ứng dụng CNTT, công nghiệp CNTT và nhân lực CNTT. Nhưng việc phân bổ kinh phí cho các chương trình, dự án như dự thảo đề án còn dàn trải và mất cân đối.

Tổng kinh phí dự kiến của đề án lên đến gần 144 ngàn tỷ đồng, nhưng tỷ trọng phân bổ cho nội dung “Phát triển hạ tầng mạng viễn thông băng thông rộng” lên đến 131.000 tỷ đồng, chiếm gần 91% tổng dự trù kinh phí. Căn cứ trên tỷ lệ này, có thể thấy phát triển hạ tầng viễn thông vẫn được xác định là mũi nhọn chủ yếu của đề án trong 5-10 năm tới.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Quân, định hướng như vậy là chưa hợp lý. Bởi đà tạo nhân lực và công nghiệp phần mềm - trụ cột cần phải được xác định là quan trọng tương đương phát triển hạ tầng lại được đầu tư quá ít. Chương trình phát triển nguồn nhân lực CNTT với tổng kinh phí dự kiến 210 tỷ đồng cũng chỉ chiếm khoảng 0,148% tổng kinh phí toàn bộ đề án.

Các chuyên gia đều cho rằng gói hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực CNTT từ nay đến năm 2020 cần khoảng 1-2 tỷ USD. Đây cũng là ý kiến được hầu hết các nhà khoa học đồng tình, kiến nghị Bộ TT-TT và tổ soạn thảo đề án xem xét, nghiên cứu để có điều chỉnh phù hợp.

GS.TSKH Đỗ Trung Tá, Chủ tịch Hội đồng chính sách KH-CN Quốc gia, đã tổng kết ý kiến tham luận của các nhà khoa học và nêu những vấn đề cần điều chỉnh đối với dự thảo đề án. Theo đó, Hội đồng thống nhất đây là đề án lớn, có ý nghĩa xã hội lớn, đã được xây dựng công phu; đề án cũng có tính cần thiết và cấp bách cần được ban hành trong bối cảnh hiện nay; nếu đề án thành công sẽ có tác động lớn trong việc thúc đẩy sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế – xã hội của đất nước từ đây đến 2020.

Các nhà khoa học cũng cho rằng, việc chọn lĩnh vực CNTT để tạo bước “đột phá” cho đất nước là đúng đắn và phù hợp với tố chất, trình độ của người Việt Nam. Đây là lĩnh vực mà giới CNTT thế giới đã thừa nhận Việt Nam có thế mạnh rõ ràng.

Tuy nhiên tất cả các nhà khoa học đều cho rằng, đề án cần làm rõ khái niệm “quốc gia mạnh về CNTT”, trong đó phải nói rõ được trình độ, năng lực CNTT Việt Nam hiện tại, so sánh với những nước khác cụ thể; đặc biệt là phải đặt CNTT trong bức tranh cũng như chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước đến 2020. Đặc biệt, cần chú trọng và xem việc phát triển nguồn nhân lực CNTT là ưu tiên số 1, tiếp đó phải là việc phát triển công nghiệp CNTT, trong đó chú trọng phát triển mô hình “nghiên cứu, sáng tạo và phát triển”.

GS.TSKH Vũ Minh Giang cho rằng muốn phát triển lâu dài, bền vững và có tính đột phá, thì cần phải chú trọng chất lượng nguồn nhân lực CNTT. Chủ tịch Hội đồng Đỗ Trung Tá cũng đề nghị, cần phải xem mục tiêu về nguồn nhân lực là ưu tiên số 1, không nên quá “xem trọng” mục tiêu hạ tầng CNTT như dự thảo đã đưa ra. Không chỉ đơn thuần về số lượng đào tạo, mà còn phải chú trọng chất lượng và kỹ năng ngoại ngữ, bởi nếu không có ngoại ngữ, thì khó mà làm CNTT được.

Bên cạnh đó, đề án không nên xem CNTT chỉ là một ngành kinh tế, mà phải đặt CNTT trong mối quan hệ mật thiết với tất cả các lĩnh vực kinh tế – xã hội – an ninh, quốc phòng của đất nước. Đề án cũng cần phải tính đến sự hội tụ tất yếu của các lĩnh vực truyền hình, phát thanh, viễn thông trong bức tranh CNTT tương lai.
 
Theo GS.TSKH Đỗ Trung Tá, với tầm quan trọng của đề án này, việc triển khai đề án không chỉ là việc của Bộ TT-TT mà nhất định phải có sự tham gia của Bộ KH-CN, Bộ GD-ĐT, Bộ KH-ĐT và Bộ Tài chính.

Tại hội nghị, các nhà khoa học cũng cho rằng, đề án cần phải chọn được những lĩnh vực, sản phẩm đặc trưng của Việt Nam để tập trung phát triển, chứ không chỉ nói chung chung là phát triển CNTT.

“Đề án cần phải chọn được sản phẩm đột phá trong lĩnh vực đột phá; trong đó cần chú trọng nguồn nhân lực và sản phẩm phần mềm” – GS Vũ Minh Giang nhấn mạnh./.

(Theo SGGP điện tử)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất