Thứ Hai, 6/5/2024
Nhịp cầu Công Thương
Thứ Năm, 20/7/2023 15:56'(GMT+7)

Nâng cao nhận thức về tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường

Các đơn vị giới thiệu giải pháp tiết kiệm năng lượng

Các đơn vị giới thiệu giải pháp tiết kiệm năng lượng

Ngày 20/7, tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Tiết kiệm năng lượng toàn quốc năm 2023, nhằm tổng kết Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2022, định hướng và đẩy mạnh các hoạt động thuộc Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2023 và những năm tiếp theo.

Hội nghị Tiết kiệm năng lượng toàn quốc năm 2023

Hội nghị Tiết kiệm năng lượng toàn quốc năm 2023

Tham dự Hội nghị có đại diện các Bộ, ngành liên quan, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố; Trung tâm khuyến công, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng, các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng tại các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

Giai đoạn 2020-2025: Cung cấp điện gặp nhiều khó khăn

Bộ Công Thương đảm nhận trọng trách quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực năng lượng với mục tiêu cung ứng đủ năng lượng cho quốc gia, đáp ứng nhu cầu cho phát triển đất nước. Trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, giá năng lượng có nhiều biến động mạnh trong thời gian qua thì việc cung ứng đủ năng lượng, đặc biệt là cung ứng đủ điện cho phục hồi, phát triển kinh tế đất nước đang là mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ và toàn xã hội.

Trong giai đoạn vừa qua, nhu cầu năng lượng của Việt Nam đã không ngừng tăng trưởng với tốc độ cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới, trong đó, nhu cầu năng lượng sơ cấp trong giai đoạn 2010-2019 tăng trưởng khoảng 6%/năm, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng sản lượng điện thương phẩm bình quân là 9,71% trong giai đoạn 2010 - 2021. Với nỗ lực to lớn của các cấp, các ngành, về cơ bản Việt Nam vẫn luôn đảm bảo cung cấp đủ năng lượng và điện năng cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh và phục vụ đời sống nhân dân, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế và đảm bảo ổn định về xã hội, chính trị, an ninh, quốc phòng.

Theo dự báo trong 5 năm tới, nhu cầu điện năng vẫn tăng trưởng ở mức khoảng 8,5%/năm. Kết quả đánh giá của Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về kế hoạch cung cấp điện giai đoạn 2020-2025, việc đảm bảo cung cấp điện trong giai đoạn này sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong trường hợp xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan.

6 tháng đầu năm 2023, cả nước đã phải trải qua nhiều đợt nắng nóng cao điểm khiến nhu cầu sử dụng điện của các hộ sinh hoạt, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đều tăng cao.

Do đó, cùng với việc khai thác các nguồn năng lượng sơ cấp để đáp ứng nhu cầu về năng lượng của nền kinh tế và toàn xã hội, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả còn là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất giúp giảm áp lực trong việc khai thác, chế biến và cung ứng các dạng năng lượng; giúp cải thiện hiệu quả của nền kinh tế, đồng thời giúp bảo tồn nguồn năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp cho việc thực hiện cam kết của Việt Nam tại Thỏa thuận Paris về ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu cũng như tại Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu COP26 về thực hiện lộ trình giảm phát thải khí nhà kính về 0 vào năm 2050.

Xác định mục tiêu, nội dung và giải pháp trong thời gian tới

Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được triển khai từ năm 2006. Việc triển khai thực hiện Chương trình đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, Giai đoạn 2016 -2015, Chương trình đã giúp tiết kiệm được trên 15 triệu tấn dầu quy đổi (TOE).

Nhằm tiếp nối những thành công của Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tăng cường thực thi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, cũng như đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động, giải pháp tiết kiệm năng lượng trên mọi mặt của đời sống xã hội và trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế đất nước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 280/QĐ-TTg năm 2019 phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 với mục tiêu tiết kiệm được từ 5-7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn đến năm 2025 và đạt từ 8-10% trong cả giai đoạn từ 2019 đến năm 2030, tương đương khoảng 60 triệu tấn dầu quy đổi (TOE).

Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước đã phối hợp với các Bộ, ngành địa phương xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình theo từng giai đoạn. Đồng thời, phối hợp với 63 tỉnh, thành phố... tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường; phối hợp với các sở, ban ngành địa phương tổ chức các đoàn công tác, đoàn kiểm tra tại các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp trọng điểm tiêu thụ nhiều năng lượng để kiểm tra công tác chấp hành các quy định pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và chấp hành Chỉ thị 20 của Thủ tướng về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo.

Phát biểu khai mạc, ông Phương Hoàng Kim - Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) - nhấn mạnh: Hội nghị là dịp để Bộ Công Thương và các địa phương, các cơ quan, đơn vị và tổ chức hoạt động trong lĩnh vực năng lượng cùng nhau nhìn lại chặng đường đã qua và xác định mục tiêu, nội dung và giải pháp triển khai thực hiện trong thời gian tới nhằm đảm bảo tính nhất quán, đồng bộ và vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm đạt được các mục tiêu mà Đảng và Chính phủ giao phó.

“Hội nghị cũng là cơ hội để các địa phương chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến cũng như những khó khăn vướng mắc trong việc thực thi chức năng quản lý nhà nước và thực hiện các hoạt động thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc để thực hiện thành công Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong giai đoạn tới”, ông Phương Hoàng Kim nói.

Tại Hội nghị, các đại biểu nghe các báo cáo, tham luận đến từ Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Sở Công Thương Hà Nội, Hội Khoa học công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Dự án Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam (Dự án VSUEE)… trình bày, trao đổi về kết quả triển khai Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phát triển công trình xanh. Đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm, kế hoạch triển khai Chỉ thị số 20 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo.

Ngoài ra, trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu sẽ có cơ hội tham khảo các kinh nghiệm, giải pháp tài chính cho các dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng, tiếp cận công nghệ, sản phẩm hiệu suất cao.

Đức Thảo

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất