Sáng 5/12, nhân kỷ niệm 760 năm ngày sinh và 710 năm ngày Đức Vua Trần Nhân Tông nhập niết bàn, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội tổ chức tọa đàm khoa học “Từ Hoàng cung Thăng Long đến Thánh địa Trúc Lâm – Hành trình từ bậc minh quân đến đức Phật hoàng”.
Các nhà khoa học, các vị thượng tọa đã tập trung thảo luận, làm rõ một số vấn đề liên quan đến thân thế và sự nghiệp của Vua Trần Nhân Tông; khẳng định vai trò trung tâm của Vua Trần Nhân Tông trong lịch sử dân tộc, sự phát triển của văn hóa Thăng Long; giá trị tư tưởng của Phật hoàng Trần Nhân Tông trong lãnh đạo đất nước, trong phát triển Phật giáo. Đồng thời, tọa đàm cũng đề cập đến các di tích tiêu biểu liên quan đến Phật hoàng Trần Nhân Tông; các di sản tư tưởng của Phật hoàng Trần Nhân Tông và Thiền phái Trúc Lâm; công tác bảo tồn quảng bá và phát huy di sản văn hóa Trúc Lâm cũng như di sản của Vua Trần Nhân Tông trong bối cảnh hiện nay.
Cũng trong dịp này, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Ninh tổ chức trưng bày chuyên đề “Từ Hoàng cung Thăng Long đến Thánh địa Trúc Lâm – Hành trình từ bậc minh quân đến đức Phật hoàng” tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long; trưng bày, giới thiệu những hình ảnh, hiện vật, tư liệu liên quan đến cuộc đời Phật hoàng Trần Nhân Tông nói riêng và Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử nói chung.
Trong lịch sử phát triển, Thăng Long – Hà Nội đã trải qua những giai đoạn lịch sử thăng trầm. Dưới thời Trần, Kinh thành Thăng Long tiếp tục được gia cố, xây dựng thêm so với thời Lý. Cung điện, đền đài trong Hoàng thành Thăng Long được nhà Trần sử dụng lại của các triều đại trước và xây dựng thêm như xây mới cung Thánh Từ, cung Quan Triều... Các Vua Trần cũng xây dựng nhiều ngôi chùa trong hoàng cung, làm nơi thực hành nghi lễ Phật giáo Hoàng gia của Hoàng gia. Cung điện, lầu gác trong hoàng cung là những công trình thổ mộc được trang trí tinh xảo thể hiện tính vương quyền hòa quyền với triết lý Phật giáo.
Vua Trần Nhân Tông là một nhà chính trị tài ba, nhà quân sự kiệt xuất, lãnh đạo nhân dân Đại Việt đánh tan quân Mông Nguyên, bảo vệ toàn vẹn độc lập, chủ quyền của đất nước. Đồng thời, ông cũng là nhà tư tưởng lớn, người sáng lập nên Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử mang đậm dấu ấn Việt./.
Theo TTXVN