Trong những năm qua, Việt Nam luôn được bạn bè quốc tế đánh giá cao trong công tác xoá đói giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam đã giảm khá nhanh, từ 58% năm 1993 xuống còn trên 10% tính đến cuối năm 2009. Sự thành công trong công tác xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam là nhờ chính sách ưu đãi phát triển nông thôn và nông nghiệp, các vùng sâu, vùng xa của Chính phủ... Thành tựu xoá đói giảm nghèo đạt được ở nước ta trong thời gian qua đã góp phần thực hiện tăng trưởng kinh tế bền vững gắn với vấn đề giải quyết công bằng xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đó vẫn còn khoảng cách chênh lệch giàu - nghèo khá lớn giữa các vùng, đặc biệt là những vùng có tỷ lệ nghèo cao đang cần được rút ngắn.
Thực trạng...
Có thể nói, xoá đói giảm nghèo là chủ trương, quyết sách lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước nhằm phấn đấu thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo giữa các vùng, địa bàn, cải thiện vật chất, tinh thần cho người nghèo, đồng bào nghèo dân tộc thiểu số. Quan điểm của Việt Nam về xoá đói giảm nghèo là sự nghiệp của toàn dân, kết quả thành công phụ thuộc trước hết vào sự nỗ lực vươn lên của người nghèo. Nhà nước dành nguồn lực ưu tiên đầu tư tạo điều kiện để các huyện nghèo phát triển nhanh hơn, bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho người dân ngang bằng các vùng khác. Chương trình hỗ trợ các huyện nghèo, trong đó lấy người nghèo, dân tộc thiểu số làm chủ thể tiếp cận và thụ hưởng để xây dựng các chính sách hỗ trợ; áp dụng khoa học kỹ thuật để thúc đẩy phát triển sản xuất phù hợp với đặc điểm tự nhiên của từng huyện là nhiệm vụ then chốt; lấy thôn, bản, xã huyện nghèo là địa bàn để hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ.
Theo số liệu thống kê, hiện cả nước có 61 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao trên 50% ở 20 tỉnh thành. Các huyện nghèo đều nằm ở khu vực miền núi, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm từ 95 – 97%. Mức độ chuyển biến kinh tế - xã hội ở các huyện nghèo còn chậm, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ nghèo còn cao gấp 3,5 lần so với cả nước.
Ngoài nguyên nhân khách quan dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo cao như điều kiện đặc thù về vị thế địa lý, địa hình chia cắt, diện tích tự nhiên rộng nhưng diện tích đất canh tác ít, điều kiện thời tiết không thuận lợi, nhận thức và khả năng tiếp cận chính sách về nguồn lực hỗ trợ đầu tư của đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện nghèo còn hạn chế. Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư phân tán, thiếu đồng bộ, chưa quan tâm đúng mức đến hỗ trợ sản xuất, đội ngũ cán bộ cơ sở hạn chế về trình độ, kiến thức quản lý kinh tế, nhận thức trách nhiệm chưa đầy đủ nên trong tổ chức thực hiện chưa xuất phát từ nhu cầu của người dân, hiệu quả đạt được chưa cao; chưa huy động được sự tham gia của các nhà khoa học, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn các huyện nghèo.
Mục tiêu hành động
Mục tiêu của Việt Nam là tăng cường năng lực và khả năng hội nhập của người nghèo, giảm mức độ bị tổn thương của họ trong xã hội, đặc biệt là vào những thời điểm nhạy cảm như lạm phát hay suy thoái kinh tế. Hiện Việt Nam có 3 nhóm tổ chức tài chính vi mô là nhóm chính thức (hệ thống quỹ tín dụng nhân dân, ngân hàng Chính sách xã hội, Agribank), nhóm bán chính thức và nhóm phi chính thức.
Bên cạnh đó, tạo sự chuyển biến nhanh hơn về đời sống vật chất tinh thần của người nghèo. Hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững theo hướng sản xuất hàng hoá, khai thác tối đa các lợi thế của địa phương. Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp với đặc thù của từng huyện; chuyển đổi cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý theo quy hoạch; xây dựng xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ.
Đến năm 2010, tạo sự chuyển biến bước đầu trong sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn và nâng cao đời sống nhân dân trên cơ sở đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh một bước xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn ở các vùng huyện nghèo; tăng cường nghiền và chuyển giao tiến độ khoa học - kỹ thuật, tạo bước đột phá trong đào tạo nhân lực; triển khai một bước chương trình xây dựng nông thôn mới; lao động nông nghiệp dưới 70% lao động xã hội; tỷ lệ lao động nông dân qua đào tạo đạt trên 25%. Giảm tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn hiện hành xuống dưới 40%; cơ bản không còn hộ dân ở nhà tạm, tăng tỷ lệ ch phủ rừng và tỷ lệ dân cư nông dân được sử dụng nước sạch.
Đến năm 2015, tăng cường năng lực cho người dân và cộng đồng để phát huy hiệu quả các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư, từng bước phát huy lợi thế về địa lý, khai thác tài nguyên thiên nhiên. Bước đầu phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hoá theo quy mô nhỏ và vừa, người dân tiếp cận được các dịch vụ sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm một cách thuận lợi; lao đông nông nghiệp còn dưới 60% lao động xã hội; tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt trên 35%, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống mức ngang bằng mức trung bình của tỉnh.
Đến năm 2020, giải quyết cơ bản về sản xuất, việc làm, thu nhập để nâng cao đời sống dân cư ở các huyện nghèo gấp trên 2,5 lần so với hiện nay. Lao động nông nghiệp còn khoảng 50% lao động xã hội, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt trên 50%, số xã đạt tiêu chuẩn nông dân mới khoảng 50%; Phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội nông thôn, trước hết là hệ thống thuỷ lợi đảm bảo tưới tiêu chủ động cho toàn bộ diện tích đất lúa hai vụ, mở rộng diện tích tưới rau màu, cây công nghiệp... Giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống mức ngang mức trung bình của khu vực.
Giải pháp thực hiện
Để giải quyết được những tồn tại cũng như hoàn thành các mục tiêu đã được đề ra, ông Lê Văn Hồng, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương bình và Xã hội cho rằng: Cần có cơ chế, chính sách và giải pháp hỗ trợ giảm nghèo bền vững đối với các huyện nghèo. Trong đó, tiếp tục nghiên cứu bổ sung, tăng định mức phù hợp để thực hiện 11 nhóm chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo gồm: Chính sách trợ cước, trợ giá, tín dụng ưu đãi, hỗ trợ sản xuất, khuyến nông - lâm - ngư, dạy nghề, đất sản xuất, nhà ở, đất ở, nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường, giáo dục, y tế, trợ giúp pháp lý, chính sách bảo trợ xã hội và các chính sahc hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số... Đồng thời, ban hành các chính sách mới, đặc thù với các huyện nghèo như: Chính sách phát triển rừng, tạo điều kiện để người dân có thu nhập từ bảo vệ rừng, giao khoán bảo vệ trên từng diện tích phòng hộ, chuyển dodỏi một phần diện tích đất rừng nghèo kiệt có điều kiện sang đất sản xuất nông nghiệp để hỗ trợ người nghèo không có hoặc thiếu đất sản xuất.
Bố trí kinh phí để tổ chức quy hoạch lại sản xuất, xác định các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với đặc điểm khí hậu, thời tiết và thổ nhưỡng, nhất là đối với các huyện có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt theo hướng sản xuất hàng hoá. Mặt khác, đầu tư hỗ trợ 100% giống mới có năng suất cao trong ba năm để người dân có thói quen và kinh nghiệm để sử dụng giống mới, hỗ trợ vật tư và cải tạo diện tích đấ sản xuất bạc màu để tăng năng suất cây trồng ở những địa bàn không có khả năng mở rộng diện tích đất sản xuất. Cho vay lãi suất thấp để hộ gia đình đầu tư cơ sở chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch nhằm tăng giá trị sản phẩm. Bố trí kinh phí, nhân lực để tổ chức các dịch vụ khuyến nông, lâm thú y, bảo vệ thực vật, chuyển giao kỹ thuật theo hình thức cầm tay, chỉ việc đối với người dân nghèo, dân tộc thiểu số tới tận thôn bản.
Hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư phát triển sản xuất trên địa bàn các huyện nghèo bằng các chính sách hưởng ưu đãi như doanh nghiệp nhà nước theo quy định hiện hành. Có chính sách khuyến khích thu hút các tổ chức, nhà khoa học nghiên cứu, thử nghiệm giúp huyện nghèo xác định các giống cây trồng vật nuôi phù hợp. Đồng thời hỗ trợ 100% các chi phí đào tạo và làm thủ tục để lao động nghèo có điều kiện tham gia xuất khẩu lao động, phấn đấu mỗi năm đưa khoảng từ 7.500 - đến 8.000 lao động ở các huyện nghèo đi lao động ở ngoài nước góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo.
Tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao dân trí, dạy nghề gắn với việc làm và nâng cao đội ngũ cán bộ cơ sở. Đồng thời, tăng cường bố trí cán bộ chuyên môn cho các huyện nghèo bằng việc thực hiện chính sách luân chuyển cán bộ chuyên môn từ tỉnh về công tác tại các huyện nghèo trong thời hạn từ 3-5 năm; Bố trí cán bộ kỹ thuật cung cấp dịch vụ tổng hợp về nông, lâm nghiệp cho các huyện nghèo; Đãi ngộ và ưu đãi thoả đáng để thu hút, khuyến khích trí thức trẻ tình nguyện về tham gia tổ công tác tại các xã thuộc huyện nghèo. Bên cạnh đó, cần có chính sách, cơ chế đầu tư cơ sở hạ tầng ở cả thôn, bản, xã, huyện. như đẩy mạnh thực hiện quy hoạch các điểm dân cư ở những nơi có điều kiện, tăng cường hiệu quả đầu tư của nhà nước và thụ hưởng của người dân; ưu tiên đầu tư các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh từ các nguồn như trái phiếu Chính phủ, vốn từ các chương trình dự án, vốn ODA và nguồn đầu tư của chính phủ cho các huyện nghèo./.
Ngọc Thanh - Quỳnh Chi