Thứ Năm, 28/11/2024
Chính sách
Chủ Nhật, 24/1/2010 8:34'(GMT+7)

Triển khai Luật Bảo hiểm y tế:Phần thiệt "dành" cho người bệnh

Trẻ em "gánh" thiệt thòi khi triển khai chính sách BHYT mới.

Trẻ em "gánh" thiệt thòi khi triển khai chính sách BHYT mới.

 

Tại 2 thành phố lớn: Hà Nội và TPHCM, người bệnh và cả nhân viên bệnh viện đều khổ vì những bất cập trong thủ tục và viện phí. Những quy định mới kèm những phiền toái đã đi ngược mong đợi của người dân.

Bệnh nhi thiệt thòi

Theo phản ánh của chị Đặng Mai Trâm - cán bộ Trung tâm Đào tạo - Cục Đăng kiểm Việt Nam, đêm ngày 10.1.2010, con gái Đoàn Ngọc Mai (6 tuổi) sốt cao 40,5 độ và nói mê sảng, nhà ở sát cạnh Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương, nên gia đình đưa cháu vào BV này cấp cứu. Khi gia đình đưa thẻ BHYT của cháu ra thì một cán bộ thu tiền của BV không chấp nhận và yêu cầu thu 100% tiền khám, tiền xét nghiệm.

Gia đình thắc mắc thì được một vị bác sĩ và điều dưỡng giải thích: "Chỉ các trường hợp cấp cứu, bệnh thật nặng thì mới được chi trả bảo hiểm và không cần giấy chuyển viện". Tại sao có thẻ BHYT, có Luật BHYT mới mà các bác sĩ vẫn đòi giấy chuyển viện thì BV mới chi trả BHYT? Theo quy định của Luật BHYT, bệnh nhân có thẻ BHYT vượt tuyến vẫn được BHYT chi trả 30%?

Người bệnh gặp khó khi thực hiện thẻ BHYT mới

Nỗi lo lắng của các bậc phụ huynh có lẽ còn nhân lên gấp bội khi con phải nằm điều trị dài ngày tại BV, mắc các bệnh mạn tính, chi phí điều trị cao. Nhiều trẻ bị mắc các bệnh ung thư máu, tim, sử dụng kỹ thuật cao...phải nộp những khoản tiền rất lớn. Nếu như trước ngày 1.1.2010, BHYT cho bệnh nhi là thực thanh, thực chi, BV cứ thế mà điều trị cho đúng phác đồ, quỹ khám - chữa bệnh cho trẻ em sẽ chi trả.

Nhưng nay khi chuyển sang khám bằng thẻ BHYT, các bác sĩ phải cân nhắc từng tí một, xem phương pháp điều trị, loại thuốc đó có nằm trong danh mục BHYT chi trả. Nếu không, bác sĩ phải bàn bạc với phụ huynh để thông báo cùng chi trả.

Theo bà Khu Khánh Dung - Phó Giám đốc BV Nhi T.Ư, khung giá chi trả của BHYT hiện nay còn xa với thực chi, các loại danh mục dịch vụ, danh mục kỹ thuật cao, danh mục thuốc chưa sát thực tế, chưa hợp lý...Đó là những lý do khiến bệnh nhi đang chịu nhiều thiệt thòi khi KCB bằng thẻ BHYT.

Phiền toái thủ tục

Tại các BV tuyến trên hoặc BV chuyên khoa như Chợ Rẫy, Ung bướu, Tai mũi họng, Chấn thương chỉnh hình, 115, Nhi Đồng 1, 2 ở TP.Hồ Chí Minh..., vướng mắc nhiều nhất là thủ tục thanh toán mới đối với các trường hợp bị tai nạn giao thông. Tại BV Chấn thương chỉnh hình TPHCM, phòng giám định BHYT rộng chưa đầy 10 mét vuông chỉ có hai nhân viên phải giải quyết cho hàng trăm bệnh nhân đang chen chúc nhau.

Anh L.C... trú tại quận 5 bị TNGT gãy một ngón ở tay phải. Bệnh nhân này đã đi theo quy trình là đến Phòng khám đa khoa Phước An - nơi đăng ký khám - chữa bệnh ban đầu để khám. Sau đó, phòng khám làm giấy chuyển viện để đưa lên điều trị tại BV Chấn thương chỉnh hình. Tuy nhiên, khi nộp hồ sơ thì BV yêu cầu phải tạm ứng 4 triệu đồng.
 
Bệnh nhân này bức xúc: "Tôi có thẻ BHYT và đi đúng tuyến, sau đó có giấy chuyển viện, tại sao tôi phải đóng tiền tạm ứng nhiều như vậy?". Giám định viên BHYT Nguyễn Thị Thu Liễu đã giải thích: "Theo Luật BHYT mới phải có biên bản tai nạn giao thông của công an xem anh Tiến có vi phạm Luật An toàn giao thông hay không mới giải quyết, còn không thì cứ trả chi phí cho BV, rồi sau đó qua BHYT TP trả lại...

Tại BV Ung bướu TPHCM, mặc dù BV đã mở thêm nhiều bàn hướng dẫn, tiếp nhận giải quyết hồ sơ, nhưng cũng không cách nào giảm bớt dòng người đang xếp hàng chờ đợi. Chị N.T.N, trú ở Bến Tre cho biết, kèm theo thẻ BHYT, BV yêu cầu phải về quê xin lại giấy chuyển viện mới thì hồ sơ mới hợp lệ. Điều đáng nói, việc xin giấy chuyển viện đối với người bị ung thư đang trong giai đoạn điều trị đã vô hình trung tạo thêm nhiều khó khăn và áp lực cho người bệnh.

Chị N cho biết: "Tôi thuộc diện hộ nghèo, kinh phí để lên TP chữa trị không có, bây giờ phải về quê xin lại giấy chuyển viện chẳng biết lấy tiền đâu để đi, đó là chưa kể ở dưới quê có dễ xin lại giấy chuyển viện hay không nữa, vì họ đã cấp một lần rồi?".

Người nghèo khốn khổ

Nỗi lo cùng chi trả BHYT từ 5-20% khiến cho hầu hết những bệnh nhân (BN) đang chạy thận nhân tạo tại BV Bạch Mai điêu đứng. BN Nguyễn Văn Hùng nói, trước đây được BHYT hỗ trợ chi phí chữa trị, chúng tôi còn quá chật vật, phải vay mượn khắp nơi để lo cuộc sống hằng ngày. Nay lại phải chi trả thêm 5% chi phí điều trị thì bó tay thôi, chắc phải phó thác số phận cho may rủi... Nếu phải chi trả khoảng 5 - 20% tiền điều trị, nghĩa là mỗi tháng mỗi BN chạy thận nhân tạo phải nộp từ 100.000-300.000đ để kéo dài sự sống thì chắc chắn sẽ có không ít BN phải bỏ cuộc.

Ông Nguyễn Cao Luận - Trưởng khoa thận nhân tạo BV Bạch Mai - chia sẻ: "Trước khi chạy thận nhân tạo, những BN ở khoa chúng tôi đã phải trải qua một thời gian dài điều trị. Rất nhiều người trong số họ do không có điều kiện kinh tế đã phải bỏ cuộc, dù có BHYT".

BHYT thanh toán cho người bị tai nạn giao thông: Chuyện không dễ!


Tại BV Nhân Dân 115 (TPHCM), anh V.P (trú tại quận 10) có vợ bị suy thận mạn 10 năm đang nằm điều trị đã cho biết, từ ngày có người nhà mắc căn bệnh hiểm nghèo này, nhà cửa và tất cả tài sản đều bán hết. Năm 2001, nhờ chính quyền cấp cho thẻ BHYT nên anh không phải chi trả kinh phí và căn bệnh suy thận mạn của vợ anh được cầm cự đến nay. Giờ đây, BHYT bắt đồng chi trả 5- 20%, cả hai vợ chồng chẳng biết lấy gì để trả. Kể từ ngày 1.1, do không có tiền đóng tạm ứng, nên vợ anh không có thuốc để uống.

Chúng tôi xin kết lại bài viết bằng ý kiến của một BS tại BV Ung bướu: "Là thầy thuốc, bệnh nhân nghèo, giàu gì vào bệnh viện cũng được điều trị. Nhưng vì nghèo mà không có tiền tạm ứng, để họ ôm bệnh ra về thì lương tâm thầy thuốc sao nỡ". 

Ông Cao Văn Sang - Giám đốc BHXH TPHCM - cho biết: "Đây là một bất cập của Luật BHYT mới. Thực tế, các hộ nghèo lo cơm áo đã không đủ thì lấy đâu ra tiền để chữa bệnh. Theo quy định, những bệnh nhân nằm trong chuẩn nghèo được chi trả 5%, nhưng với người đau yếu thường xuyên, mắc bệnh nan y thì con số này vẫn là quá lớn. Việc đồng chi trả BHYT thực ra đã có trước đây, nhưng rồi bỏ, nay lặp lại, chứ không có gì mới. Cơ quan soạn thảo luật và Quốc hội đáng lẽ có ý kiến về điều này. Riêng cá nhân tôi, không nên đồng chi trả!".


(Theo Lao Động điện tử)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất