Mức độ bao phủ Bảo hiểm xã hội hiện còn tăng rất chậm, trong đó tỉ lệ bao phủ còn thấp với những người cao tuổi.
Ngày 2/6, Bộ LĐTB&XH phối hợp với Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế
(ILO) tổ chức Hội thảo công bố báo cáo nghiên cứu khoảng trống trong
tham gia Bảo hiểm xã hội ở một số ngành tại Việt Nam.
Theo thống kê Diện bao phủ Bảo hiểm xã hội và xu hướng gia nhập hệ thống
trong giai đoạn 2005-2015 tại Việt Nam, mức độ bao phủ Bảo hiểm xã hội
còn thấp và tăng rất chậm, trong đó tỉ lệ bao phủ còn thấp với những
người cao tuổi. Trong năm 2015, tỉ lệ bao phủ Bảo hiểm xã hội trong tổng
lực lượng lao động chỉ chiếm 23%. Tỉ lệ bao phủ trong lực lượng lao
động có quan hệ lao động là 58%. Trong đó, một số ngành sản xuất có độ
bao phủ Bảo hiểm xã hội rất thấp như: Ngành xây dựng chỉ 6% được bao
phủ; ngành sản xuất, kinh doanh mây tre đan chỉ 20% lực lượng lao động
được bao phủ.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, đại biểu trong nước và quốc tế chia sẻ các
nghiên cứu về khoảng trống trong tham gia Bảo hiểm xã hội ở một số
ngành tại Việt Nam; thảo luận các giải pháp nhằm mở rộng diện bao phủ
Bảo hiểm xã hội.
Bà Paulette Casttel, chuyên gia tư vấn của ILO đánh giá, mặc dù hệ thống
Bảo hiểm xã hội của Việt Nam đã mở rộng với người lao động trong khu
vực kinh tế tư nhân được hơn 20 năm, tuy nhiên bộ phận người nghỉ hưu từ
khu vực tư trên tổng số người hưởng lương tăng rất chậm. Tỉ lệ tham gia
vào chế độ bảo hiểm tự nguyện ở Việt Nam còn thấp. Một bộ phận không
nhỏ người đóng rút sớm khi họ rời khỏi các doanh nghiệp có quan hệ lao
động (hoặc trả lương).
"Qua nghiên cứu cho thấy, các ngành xây dựng, sản xuất mây tre đan...
thường sử dụng nhân công tạm thời thông qua hợp đồng miệng, trả công
nhật. Quan điểm của các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động này là chỉ
những người lao động gắn kết lâu dài mới được ký hợp đồng và mua bảo
hiểm. Bằng chứng cho thấy, người lao động thỏa mãn với đề xuất của chủ
lao động về việc doanh nghiệp sẽ trả cho người lao động mức lương thực
nhận cao hơn và giảm khoản tiền để đóng Bảo hiểm xã hội đi", bà Paulette
Casttel phân tích nguyên nhân khiến một số ngành có tỉ lệ bao phủ Bảo
hiểm xã hội ở mức thấp.
Về nguyên nhân của thực trạng độ bao phủ Bảo hiểm xã hội thấp, bà Nguyễn
Thị Diệu Hồng, chuyên gia về an sinh xã hội Việt Nam cho rằng, có sự
thiếu liên thông giữa bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự
nguyện; thiếu sự gắn kết giữa các chế độ trong một hệ thống an sinh xã
hội (như giữa hưu trí Bảo hiểm xã hội và hưu trí xã hội có sự hỗ trợ của
Nhà nước cho người cao tuổi). Công tác tổ chức thực hiện các chế độ của
Bảo hiểm xã hội dẫn đến việc thực thi các quy định của Luật Bảo hiểm xã
hội còn bị hạn chế. Bên cạnh đó, mức độ tuân thủ tham gia Bảo hiểm xã
hội của các doanh nghiệp không cao; tình hình nợ bảo hiểm xã hội còn
lớn, nhất là với khối doanh nghiệp ngoài Nhà nước; nhận thức của người
lao động về ý nghĩa và vai trò của Bảo hiểm xã hội còn hạn chế; xu hướng
hưởng Bảo hiểm xã hội một lần của người lao động dẫn đến mất hiệu lực
bao phủ bảo hiểm.
Từ đó, bà Nguyễn Thị Diệu Hồng đề xuất: Với nguyên tắc "khuyến khích
nâng cao khả năng tự bảo đảm an sinh xã hội của người dân", cần phát
triển hệ thống Bảo hiểm xã hội đa tầng với sự liên thông giữa bảo hiểm
bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện, chủ yếu dựa trên đóng góp của người dân
có hỗ trợ, đảm bảo của Nhà nước; cải thiện chất lượng dịch vụ phục vụ
của cơ quan Bảo hiểm xã hội để tạo niềm tin cho các bên tham gia. Đặc
biệt là cần sớm xây dựng bộ chỉ số đánh giá sự hài lòng của doanh
nghiệp, người dân đối với thủ tục hành chính Bảo hiểm xã hội; tăng cường
truyền thông nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò của chính sách an
sinh xã hội nói chung và chính sách Bảo hiểm xã hội nói riêng. Bên cạnh
đó là phát huy vai trò kiểm tra, giám sát của các tổ chức công đoàn;
tăng cường thực hiện nghiên cứu về những hạn chế trong tham gia Bảo hiểm
xã hội của các bên (bao gồm cả trốn đóng bảo hiểm) để có những sửa đổi
pháp luật, chính sách phù hợp dựa trên bằng chứng./.
Theo chinhphu.vn