Chủ Nhật, 24/11/2024
Diễn đàn
Thứ Năm, 7/9/2017 21:7'(GMT+7)

Đề xuất giảm mạnh tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc ở tuyến trung ương

Người dân chờ xếp hàng mua thuốc. (Ảnh: TTXVN)

Người dân chờ xếp hàng mua thuốc. (Ảnh: TTXVN)

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ Y tế xin ý kiến để thống nhất tỷ lệ sử dụng thuốc biệt dược gốc trong năm 2018.

Theo đó, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đề xuất tỷ lệ sử dụng thuốc biệt dược gốc tại bệnh viện tuyến trung ương tối đa 30% tổng chi phí thuốc, hiện ở mức bình quân là 47%.

Đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho hay, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ đồng thời nâng cao hiệu quả việc sử dụng và thanh toán thuốc bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị Bộ Y tế thống nhất tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc năm 2018 như đối với các bệnh viện tuyến Trung ương: Các đơn vị hiện tại sử dụng biệt dược gốc tỷ lệ cao phải điều chỉnh giảm tỷ lệ sử dụng tối đa bằng 30% tổng chi thuốc.

Các bệnh viện tuyến trung ương còn lại căn cứ vào thực tế sử dụng thuốc biệt dược gốc năm 2016, có các giải pháp sử dụng phù hợp, đảm bảo tỷ lệ chi phí sử dụng thuốc biệt dược gốc trong năm 2017 và 2018 bằng với năm 2016.

Đối với các bệnh viện tuyến tỉnh, tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc tối đa bằng 5% tổng số chi thuốc biệt dược gốc sử dụng tại bệnh viện. Các bệnh viện có tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc cao hơn phải điều chỉnh giảm tỷ lệ bằng mức tối đa.

Các bệnh viện có tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc thấp hơn mức tối đa giữ nguyên tỷ lệ sử dụng như năm 2016.

Bệnh viện tuyến huyện không sử dụng biệt dược gốc (kể cả các cơ sở y tế ngoài công lập).

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cũng yêu cầu Bộ Y tế có văn bản chỉ đạo việc sử dụng biệt dược gốc không vượt quá tỷ lệ để thống nhất đồng thời chỉ đạo việc kê đơn thay thế thuốc biệt dược gốc đã hết hạn bản quyền bằng các thuốc Generic Nhóm I có nhiều số đăng ký đáp ứng yêu cầu điều trị tại các cơ sở y tế.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị Bộ Y tế sớm xem xét cho ý kiến để Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chỉ đạo bảo hiểm xã hội các tỉnh tổ chức thực hiện.

Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, chi phí sử dụng thuốc biệt dược gốc trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2016 là 8.225,9 tỷ đồng bằng 26% tổng chi phí thuốc. 

Trong đó, tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc tại bệnh viện tuyến trung ương bằng 47% số chi thuốc tại bệnh viện tuyến trung ương, tại tuyến tỉnh bằng 24% số chi thuốc tại bệnh viện tuyến tỉnh và tại tuyến huyện bằng 7% số chi thuốc tại bệnh viện tuyến huyện.

Chi phí các thuốc biệt dược gốc hết hạn bản quyền có từ 1-3 số đăng ký Nhóm I thay thế trở lên theo Công văn số 2713/BYT-QLD là 2.982 tỷ đồng.

Như vậy chi phí của thuốc biệt dược gốc năm 2016, sau khi đã tách chi phí của các biệt dược gốc hết hạn bản quyền còn lại là 5.243,9 tỷ đồng, bằng 16% tổng chi thuốc; Tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc tương ứng tại tuyến trung ương, tuyến tỉnh, tuyến huyện là 32%, 15% và 4% số chi thuốc.

Trong thời gian tới danh mục thuốc biệt dược gốc hết hạn bản quyền tiếp tục tăng lên, đồng thời một số biệt dược gốc hiệu quả sử dụng không vượt trội so với thuốc Nhóm I sẽ loại khỏi danh mục, thì chi phí biệt dược gốc tiếp tục giảm thêm.

Biệt dược gốc là thuốc do các công ty dược phát minh, sáng chế đầu tiên, trải qua quy trình nghiên cứu, thử nghiệm (trên động vật, trên người) đến khi cấp phép ra thị trường mất 8-12 năm.

Khi các thuốc này hết hạn bảo hộ bản quyền, các công ty dược khác có thể lấy công thức, quy trình đó để sản xuất mà không phải qua giai đoạn nghiên cứu thử nghiệm, được gọi là thuốc generic. Trong đó, thuốc generic nhóm 1 là thuốc đáp ứng theo tiêu chuẩn cao nhất./.

Thùy Giang (Vietnam+)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất