Thứ Hai, 25/11/2024
Cuộc sống số
Thứ Ba, 26/6/2012 22:44'(GMT+7)

Đề xuất giành ưu tiên đặc biệt cho CNTT

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ ra sự hạn chế về phát triển ứng dụng CNTT-TT trong các ngành, lĩnh vực và đề ra 6 giải pháp thúc đẩy phát triển ứng dụng CNTT-TT trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ ra sự hạn chế về phát triển ứng dụng CNTT-TT trong các ngành, lĩnh vực và đề ra 6 giải pháp thúc đẩy phát triển ứng dụng CNTT-TT trong thời gian tới.

"Lực cản" từ khâu quản lý

Phát biểu khai mạc Diễn đàn cấp cao về CNTT-TT Việt Nam năm 2012 (Vietnam ICT Summit 2012) diễn ra sáng 26/6/2012, PGS.TS Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về CNTT đánh giá cao sự đóng góp của CNTT-TT vào sự phát triển đất nước. CNTT-TT đã trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn có tốc độ tăng trưởng, hiệu quả cao, đóng góp 17% tổng sản phẩm nội địa năm 2011; là công cụ quan trọng để tăng năng suất, chất lượng hiệu quả của các ngành KT-XH; công cụ quan trọng để thực hiện Chính phủ điện tử và cải cách hành chính; công cụ tích cực để cung cấp thông tin đa dạng, đa phương tiện phục vụ người dân.

Tuy nhiên, cũng theo Phó Thủ tướng, việc ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực KT-XH dù được quan tâm song kết quả còn hạn chế bởi các nguyên nhân sau:

Thứ nhất, công tác quản lý phát triển mới quan tâm tới định lượng tăng trưởng, chưa quan tâm tới các tiêu chí về chất lượng tăng trưởng như năng suất lao động, chất lượng sản phẩm dịch vụ, hiệu quả kinh doanh, hoạt động của các tổ chức, cơ sở. Nói cách khác, trong giai đoạn mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào vốn, đất, lao động giản đơn, chưa quan tâm tới ứng dụng khoa học công nghệ thì CNTT chưa được coi trọng như một công cụ để phát triển nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Thứ hai, người đứng đầu/lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương chưa đưa ra được các nhiệm vụ, đầu bài cụ thể cho hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ nói chung và CNTT nói riêng để tăng năng suất, chất lượng. Có 2 lý do dẫn tới hiện trạng này: các lãnh đạo thường được đào tạo theo chuyên ngành hẹp chứ không được đào tạo về CNTT; cán bộ, công chức trong từng ngành chủ yếu chỉ được đào tạo theo chuyên ngành, hiện vẫn thiếu những người có "2 chân" - vừa có năng lực chuyên môn, vừa có năng lực ứng dụng CNTT.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định CNTT không thể quyết định sự phát triển của các ngành khác. Kỹ sư CNTT không thể thay thế bác sĩ hay kỹ sư, vấn đề là phải phối hợp với nhau - "2 trong 1".

"Mỗi ngành đều phát triển đặc thù, vai trò của CNTT là xử lý khâu chung của các ngành, đó là thu thập thông tin, xử lý thông tin, phổ biến thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu. CNTT chính là hạ tầng thông tin của tất cả các ngành. Thông qua phát triển CNTT thì thông tin sẽ được thu thập, xử lý ở quy mô lớn hơn, độ sẵn sàng cao hơn; mặt khác, CNTT sẽ giúp phổ biến kết quả đến những người cần thiết một cách kịp thời”, Phó Thủ tướng nói.

6 giải pháp đẩy mạnh vai trò của CNTT

Trước câu hỏi làm sao để các ngành, lĩnh vực ứng dụng CNTT nhanh hơn, hiệu quả hơn, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề xuất 6 giải pháp:

Một là, bên cạnh các chỉ tiêu về tăng trưởng, người đứng đầu các ngành, địa phương cần đưa ra các chỉ số về tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới sản phẩm, dịch vụ và nâng cao hiệu quả hoạt động của toàn ngành. Nếu không có hệ thống chỉ tiêu chất lượng này thì không có động lực để phát triển ứng dụng CNTT.

Hai là, từng bước xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa cán bộ quản lý, cán bộ cơ sở về CNTT. Hiện cán bộ các ngành y tế, giao thông, nông nghiệp… đã được bồi dưỡng về chính trị, kinh tế, quốc phòng… nhưng chưa được học tập, bồi dưỡng về CNTT.

Ba là, mỗi ngành cần xác định rõ phần trăm tỷ lệ lao động của ngành có 2 bằng cấp về chuyên môn và CNTT. Họ chính là những người đề xuất chính sách ứng dụng CNTT trong ngành như thế nào, là cầu nối gắn CNTT với các ngành. Các trường đào tạo về chuyên ngành như y tế, giao thông,… cũng cần có khoa CNTT đào tạo những người làm CNTT đặc thù cho ngành.

Bốn là, xác định xem các cấp Bộ, cơ sở có cần hình thành các tổ chức chuyên trách để xây dựng kế hoạch, tư vấn chính sách, hỗ trợ ứng dụng CNTT hay không. Về lâu dài, Bộ/ngành nào cũng nên có 1 cơ quan chuyên trách về CNTT để giúp xây dựng kế hoạch, triển khai chính sách, hướng dẫn ứng dụng CNTT cho Bộ/ngành mình.

Năm là, khuyến khích sự phát triển các DN tư vấn và dịch vụ ứng dụng CNTT cho từng ngành y tế, giao thông, giáo dục,… Đặc biệt, riêng về Chính phủ điện tử phải tăng cường phương thức Chính phủ đặt hàng mua dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp; phải ra đầu bài cụ thể, có thể hợp đồng thuê DN triển khai một số nội dung quy mô khác nhau về Chính phủ điện tử.

Sáu là, Nhà nước, các Bộ, đơn vị lớn nên có kinh phí nghiên cứu về ứng dụng CNTT phù hợp với đặc thù từng ngành, góp phần giải những bài toán lớn trong nội ngành cũng như liên ngành. Trên cơ sở đó có điều kiện tôn vinh các cá nhân, giải pháp đóng góp xuất sắc về ứng dụng CNTT cho các ngành khác nhau.

Đề xuất ưu đãi cao hơn cho CNTT

Ở góc nhìn của cơ quan quản lý Nhà nước về CNTT-TT, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng cho biết Bộ TT&TT đang hoàn thiện chương trình hành động để quán triệt Nghị quyết số 13 của Đảng và Nghị quyết số 16 của Chính phủ (trong đó khẳng định CNTT-TT là hạ tầng của mọi hạ tầng quốc gia), xác định rõ những nhiệm vụ, công việc cụ thể, phân công trách nhiệm rõ ràng để CNTT vừa là ngành kinh tế mũi nhọn, vừa thực sự là động lực, hạ tầng, công cụ góp phần nâng cao hiệu quả chỉ đạo điều hành, giúp các ngành, địa phương phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn, nâng cao năng suất hiệu quả của các tổ chức, doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển của mọi ngành kinh tế và của toàn xã hội.

"Bộ TT&TT dự kiến đề xuất Chính phủ giành ưu tiên đặc biệt cho CNTT trong bối cảnh Chính phủ đang siết giảm chi tiêu ngân sách, tạo cơ chế chính sách ưu đãi cao hơn nữa cho CNTT", Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng nhấn mạnh.

Riêng về vấn đề hợp tác công - tư để giảm gánh nặng chi tiêu công, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng "bật mí" thông tin vui cho các doanh nghiệp CNTT: "Bộ TT&TT đang phối hợp với Bộ KH-ĐT nghiên cứu đề xuất quy định hợp tác đối tác công - tư (PPP) riêng phù hợp với đặc thù của ngành CNTT-TT. Đồng thời, chuẩn bị đề xuất Chính phủ giao nhiệm vụ, đặt hàng cho các doanh nghiệp CNTT triển khai 1 số hệ thống thông tin lớn như hệ thống thư điện tử quốc gia, hệ thống lưu chuyển văn bản điện tử trong các cơ quan Nhà nước trên toàn quốc theo phương thức Nhà nước sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp. Dự thảo Nghị định về dịch vụ CNTT mà Bộ đang trình Chính phủ cũng theo hướng quy định việc Nhà nước tăng cường sử dụng hoặc thuê ngoài các dịch vụ CNTT do doanh nghiệp CNTT cung cấp".

Hội nghị lần thứ 4 BCH Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 13 về "Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020", trong đó xác định: "Coi thúc đẩy phát triển và ứng dụng CNTT là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong lộ trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa từng ngành, từng lĩnh vực". Nghị quyết cũng chỉ ra nội dung cụ thể trong việc phát triển hạ tầng CNTT là "phát triển mạnh hệ thống kết nối đa dạng với quốc tế, hình thành siêu xa lộ thông tin trong nước và liên kết quốc tế" và xác định các hướng ứng dụng CNTT gồm: "Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về công dân, đất đai, nhà ở, làm cơ sở cho việc ứng dụng CNTT quản lý các nguồn lực phát triển đất nước… Đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào quản lý, khai thác, vận hành hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH và toàn bộ nền kinh tế"; định hướng phát triển kết cấu hạ tầng hiện đại và đồng bộ như "nghiên cứu áp dụng lưới điện thông minh…, phát triển hệ thống giao thông thông minh".

Ông Trương Đình Tuyển, Phái viên của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại:

Chính khả năng số hóa, kết nối, tích hợp của CNTT đã làm thay đổi cách thức sản xuất và phương thức quản lý, tạo ra một thời đại kinh tế mới - thời đại kinh tế trí thức, đặc trưng bởi sự chuyển đổi từ công nghệ chế tạo sang công nghệ cao, trong đó CNTT là trục kết nối chính. CNTT thúc đẩy mạnh mẽ quá trình toàn cầu hóa mọi mặt đời sống xã hội, tạo ra một thế giới phẳng. Hạ tầng CNTT vừa là hạ tầng kinh tế vừa là hạ tầng xã hội, là hạ tầng của hạ tầng. CNTT không chỉ có vai trò quan trọng hàng đầu trong khâu đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH mà với khả năng giải quyết bài toán phát triển, CNTT còn góp phần quan trọng giải quyết các khâu đột phá về thể chế, cải cách hành chính, phát triển nguồn nhân lực, tạo cơ sở cho việc nâng cao mức sống dân cư, xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy công bằng xã hội và phòng chống tham nhũng.

TS. Nguyễn Bá Ân, Tổng Thư ký Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển:

 Sau hơn 25 năm đổi mới, nhìn nhận chung về nền kinh tế của Việt Nam cho thấy tiềm lực kinh tế được nâng cao, đất nước đã thoát khỏi tình trạng kém phát triển. Tuy nhiên, chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; tăng trưởng kinh tế chưa dựa nhiều vào tri thức và khoa học công nghệ. Một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến thực trạng đó là sự nhận thức hạn chế về vai trò quan trọng của CNTT trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. CNTT phải được coi là một bộ phận của kết cấu hạ tầng quốc gia và là công cụ quan trọng làm thay đổi mạnh mẽ năng suất lao động trong mọi ngành kinh tế, là công cụ để quản lý, vận hành, kết nối hiệu quả toàn bộ hệ thống hạ tầng và là giải pháp quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Mặc dù trong 10 năm qua, CNTT ở Việt Nam có tiến bộ vượt bậc nhưng vẫn còn nhiều hạn chế so với trình độ phát triển chung của thế giới. Mức độ tin học hóa trong các ngành, lĩnh vực nói chung còn rất thấp, CNTT chưa thấm sâu vào từng sản phẩm của mỗi ngành, đóng góp của CNTT cho giá trị gia tăng trong cấu thành sản phẩm còn ít.

Ngọc Mai - ICTnews

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất