Thứ Sáu, 22/11/2024
Xã hội
Thứ Năm, 22/8/2019 9:7'(GMT+7)

Đề xuất 'xe ôm' phải được cấp phép, đeo thẻ hành nghề trên ngực áo

Tài xế xe ôm khi hành nghề tại Hà Nội phải được cấp phép và đeo thẻ hành nghề trên ngực áo. (Ảnh: Hoài Thu/Vietnam+)

Tài xế xe ôm khi hành nghề tại Hà Nội phải được cấp phép và đeo thẻ hành nghề trên ngực áo. (Ảnh: Hoài Thu/Vietnam+)

Người hành nghề vận chuyển hành khách, hàng hoá bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe môtô hai bánh và các loại xe tương tự trên địa bàn thành phố Hà Nội phải mang biển hiệu (thẻ hoạt động vận chuyển) do cơ quan có thẩm quyền cấp tại vị trí ngực áo bên trái.

Đây là nội dung chính tại Dự thảo “Quy định về quản lý và sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, môtô hai bánh và các loại tương tự để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên địa bàn thành phố Hà Nội” do Sở Giao thông Vận tải vừa hoàn thành và trình Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.

Theo đó, người hành nghề vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ phải đủ 15 tuổi trở lên, có sức khỏe bảo đảm điều khiển xe an toàn; hiểu biết quy tắc giao thông đường bộ. Những người này phải đăng ký với Ủy ban Nhân dân phường, xã, thị trấn để được cấp biển hiệu hoạt động (thẻ hoạt động vận chuyển).

Khi điều khiển phương tiện, người hành nghề phải mang theo các giấy tờ gồm giấy chứng nhận đăng ký xe; giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; có hộ khẩu thường trú hoặc giấy chứng nhận tạm trú tại địa phương nơi đăng ký hành nghề; có bản đăng ký vận chuyển hành khách, hàng hóa.

Dự thảo cũng quy định cụ thể điều kiện với người hành nghề vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe gắn máy, xe mô tô hai bánh như có giấy phép lái xe phù hợp với các loại xe được phép điều khiển do Sở Giao thông Vận tải có thẩm quyền cấp; phải trang bị mũ bảo hiểm bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng theo quy định của pháp luật cho hành khách đi xe.

Kể từ ngày 1/1/2021, người hành nghề vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe môtô hai bánh và các loại xe tương tự trên địa bàn thành phố Hà Nội phải mang biển hiệu (thẻ hoạt động vận chuyển) do cơ quan có thẩm quyền cấp tại vị trí ngực áo bên trái.

Dự thảo cũng quy định, trường hợp không hành nghề từ 30 ngày trở lên, người vận chuyển phải gửi lại phù hiệu cho đơn vị quản lý; nếu mất phải có công văn báo mất có xác nhận của công an cấp xã, phường, thị trấn và báo cáo cho đơn vị quản lý biết để được hướng dẫn cấp lại biển hiệu.

Ngoài ra, các phương tiện 2 bánh tham gia chờ khách và hàng hóa cũng phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện về an toàn như hệ thống hãm lực, chuyển hướng lực, đèn chiếu sáng xa, gần, đèn phanh, đèn tín hiệu, kích cỡ bánh xe phải phù hợp với từng loại xe và đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Theo ông Vũ Hà, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, quy định về quản lý và sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, xe môtô 2 bánh và các loại xe tương tự để vận chuyển hành khách, hàng hóa nhằm tăng cường một bước quản lý Nhà nước đối với các loại xe này để vận chuyển hành khách và hàng hóa.

“Những quy định trên sẽ giúp tạo nếp sống, thói quen đi lại văn minh, hiện đại cho người thủ đô, nâng cao chất lượng dịch vụ của các loại hình vận tải bằng xe thô sơ, môtô theo hướng an toàn, giảm tai nạn, ô nhiễm môi trường,” ông Hà cho hay.

Bên cạnh đó, quy định mới này cũng được Sở Giao thông Vận tải kỳ vọng sẽ tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh giữa các đơn vị, cá nhân cung cấp dịch vụ vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe máy./.

Việt Hùng (Vietnam+)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất