Thứ Hai, 30/9/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Hai, 16/2/2009 19:17'(GMT+7)

Đến 2015, Việt Nam sẽ trồng đại trà cây biến đổi gien

Cây bông đang được nghiên cứu biến đổi gien. (Ảnh: Tiền Phong)

Cây bông đang được nghiên cứu biến đổi gien. (Ảnh: Tiền Phong)

Thông tin trên được PGS.TS Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp (Viện Khoa học Nông nghiệp), xác nhận tại hội thảo do Bộ NN-PTNT tổ chức ngày 13/2, tại Hà Nội.

Ông Hàm cho biết, từ năm 2006, khi Chính phủ phê duyệt chương trình công nghệ sinh học (CNSH) trong nông nghiệp thì Việt Nam bắt đầu có một số dự án về nghiên cứu cây trồng biến đổi gien.

Đến nay, mới sau hơn 2 năm, Việt Nam đã có một số thành tựu ban đầu.

Chẳng hạn, Viện Công nghệ sinh học, Viện Di truyền nông nghiệp, Viện Lúa ĐBSCL... và một số trường đại học đã tạo ra được một số dòng cây trồng biến đổi gien, đang được đánh giá ở phòng thí nghiệm. Sau đó, chúng được nghiên cứu khi trồng trong nhà lưới, nhà kính và cuối cùng là trên đồng ruộng.

"Tới khoảng năm 2015 Việt Nam mới có giống cây trồng biến đổi gien của các nhà khoa học trong nước tạo ra", ông Hàm nói.

Các cây trồng được ưu tiên nghiên cứu để biến đổi gien là lúa, ngô, bông, đậu tương - là những cây lương thực, thực phẩm quan trọng nhất ở Việt Nam. Hằng năm, nước ta đang phải nhập khẩu nhiều triệu tấn nên việc tăng sản lượng những cây trồng này là nhu cầu rất cấp bách.

Còn với lúa, theo ông Hàm, do là nước xuất khẩu nên giai đoạn này Việt Nam sẽ hạn chế việc nghiên cứu, tạo giống lúa biến đổi gien trong phòng thí nghiệm.

Báo cáo mới nhất của ISAAA (Cơ quan dịch vụ quốc tế về khuyến khích ứng dụng CNSH nông nghiệp), công bố tại hội thảo này, cho thấy, trên thế giới, cây trồng biến đổi gien tăng mạnh về diện tích, lên tới 800 triệu ha.

25 quốc gia đang tham gia nghiên cứu, sản xuất giống cây trồng này, trong đó chủ yếu là các nước đang phát triển (15 nước).

TS. Randy Hautea, điều phối viên toàn cầu của ISAAA, cho biết, đến năm 2009, Burkina Faso và Ai Cập ở châu Phi đưa cây trồng biến đổi gien vào canh tác. Bolivia lần đầu tiên trồng đậu tương chuyển gien. Các nước đã trồng cây CNSH tiếp tục trồng thêm những giống cây mới.

Đến thời điểm này, tổng diện tích đất trồng cây biến đổi gien trên toàn thế giới đạt mức 2 tỷ mẫu Anh (tương đương 800 triệu ha), trong đó nhiều nhất là Mỹ (62,5 triệu ha), Arghentina (21 triệu ha), Brazil (15,8 triệu ha), Ấn Độ (7,6 triệu ha), Canada (7,6 triệu ha)...


Đậu tương vẫn là giống cây được trồng nhiều nhất trong năm 2008 (66 triệu ha), chiếm 53% diện tích đất trồng cây CNSH trên toàn cầu, tiếp đó là ngô (37 triệu ha), bông (15,5 triệu ha) và cải canola (5,9 triệu ha). Ấn Độ là nước có số lượng người tham gia trồng cây biến đổi gien nhanh nhất.

Cây trồng biến đổi gien phát triển mạnh mẽ góp phần không nhỏ vào bảo đảm an ninh lương thực, TS. Randy Hautea đánh giá. Trong số 44 tỷ USD lợi nhuận tăng thêm nhờ CNSH, có 44% lợi nhuận từ việc tăng năng suất cây trồng, 56% lợi nhuận giảm từ chi phí sản xuất.

Năm 2007, tổng sản lượng tăng thêm trên toàn thế giới của bốn loại cây CNSH chủ yếu (đậu tương, bông, ngô, canola) là 32 triệu tấn, nếu chỉ sử dụng những giống cây thường, người nông dân sẽ phải cần thêm 10 triệu ha đất trồng để sản xuất ra số sản phẩm nông nghiệp trên.

Theo
VietNamNet

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất