Thứ Tư, 2/10/2024
Tin hoạt động
Thứ Ba, 1/2/2011 21:4'(GMT+7)

Đền thờ Thần Nông và Lễ hội mục đồng duy nhất ở Việt Nam

Lễ hội mục đồng ở làng Phong Lệ, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng khá độc đáo ở xứ Quảng nói riêng và cả nước nói chung. Năm 2010, lần đầu tiên Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phục dựng lại lễ hội độc đáo này.

Đền Thần Nông, làng Phong Lệ cổ kính rêu phong, tọa lạc trên gò đất cao giữa cánh đồng tốt tươi màu mỡ mà theo thuật phong thủy thì đó là nơi địa lý tiềm long - cản thủy, án ngự tiền đình có Ngũ Hành Sơn, mưu cầu an dân lạc nghiệp.

Kiến trúc nghệ thuật của đình gồm 3 phần gắn liền nhau từ ngoài vào trong là nhà tiền đường, nhà chính 5 gian và trong cùng là tẩm. Mái đình lợp ngói âm dương.

Trên các mái nhà chính đều có đắp long, lân đặc biệt là chiếc sừng trâu được đắp lên cao. Cột kèo xà đình được chạm trỗ tinh vi. Khu giữa hậu tẩm thờ Thần Nông, vị tổ sư của nghề trồng lúa nước phù hộ cho dân làng được mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu. Bên tả thờ các bậc tiền hiền khai khẩn lập địa. Bên hữu thờ các bậc tiền nhân Mục đồng - trẻ chăn trâu...

Trẻ chăn trâu

Trên 6 hàng cột trong đình đều treo các câu liễn đối khắc Hán từ, sơn son thếp vàng. Đó là những câu khen tặng của các bậc Danh nhân Phan Bội Châu, Cao Bá Quát trong những lần về viếng thăm đình. Từ xưa, quan chức, con em trong làng khi thi cử đỗ đạt, được thăng chức... trước hết phải về đình Thần Nông để làm lễ trọng, vinh quy bái tổ. Đền Thần Nông được xây dựng vào cuối đời vua Tự Đức (1848- 1883).

Ông Ngô Văn Nghĩa, trưởng ban liên lạc chư phái tộc làng Phong Lệ, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng khắc họa những nét độc đáo của ngôi đền thờ Thần Nông của quê hương: “Đình Thần Nông gắn với lễ hội mục đồng. Đình đã chuyển dời nhiều lần. Điểm nổi bật nữa là khi xây dựng lại thì có các cụ tiền bối cách mạng đến thăm đình, để lại những câu đối rất hay. Giáo sư Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đến thăm đình và khẳng định đây là đình có một không hai ở Việt Nam”.

Tương truyền, ngày xưa có một cụ già tóc bạc, râu dài như tiên không biết từ đâu đến ở trên một gò đất cao. Cụ đặc biệt yêu mến trẻ em chăn trâu và dạy dỗ những điều hay lẽ phải và nói những điều linh thiêng. Theo năm tháng, Gò có mộ Thần Nông, trẻ chăn trâu gọi là Cồn Thần nay vẫn hiện diện giữa cánh đồng Hòa Châu.

Từ năm 1936 trở về trước, hàng năm, vào ngày mồng một tháng tư, dân làng đều tổ chức lễ rước, các trưởng tộc và những người cày ruộng công thì lo làm lồng đèn, làm kiệu, làm cờ hội hoặc vận động những gia đình khá giả ủng hộ cơm nếp, gà vịt cho lễ hội.

Trẻ em trăn châu được tổ chức thành từng nhóm lo mọi việc từ rước lễ, ăn uống dọn dẹp rất quy củ và trật tự. Sau khi chuẩn bị xong vật phẩm được đưa đến gò Thần để rước Thần Nông về đền thờ. Khi cảm nhận thần đã giáng, trống lệnh gióng lên, kế đến phường bát âm tấu lên điệu Kim tiền, lưu thủy trang nghiêm.

Đoàn rước đi từ gò Thần về đình Thần Nông với sự tham gia của đoàn mục đồng diễu qua cánh đồng tạo nên lễ hội hoành tráng. Trẻ em chăn trâu những ngày này rất được coi trọng, người lớn tuổi cũng phải phục vụ, cả làng cúng kính 3 ngày, 3 đêm. Từ điền chủ đến mục đồng, phu cày, thợ cấy đều được no say, thỏa thích tham gia các trò chơi dân gian.

Lão nông Ông Văn Trai, 90 tuổi, người từng tham gia lễ hội mục đồng cách đây gần 80 năm kể: “Chủ nhà phải giữ trâu để trẻ lo trật tự an ninh, ai muốn tới rạp hát đều phải thông qua tổ đội chăn trâu. Ông tỉnh, ông huyện chi cũng phải thông qua tổ chăn trâu”.

Thời gian chiến tranh và sự phát triển ồ ạt của quá trình đô thị hoá đã làm mai một nét văn hoá độc đáo ở làng quê Phong Lệ. Tuy nhiên, vào những năm không tổ chức lễ hội, các chư phái tộc làng Phong Lệ vẫn tổ chức cúng kính thần Nông một cách nghiêm trang. Năm 2001, UBND thành phố Đà Nẵng công nhận Đình Thần Nông là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố và năm 2007 chính thức trở thành Di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố. Cũng trong năm 2007, nông dân làng Phong Lệ phục dựng lại lễ hội mục đồng sau 70 năm quên lãng. Ngoài việc tái hiện các lễ nghi cúng thần, cầu mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, phù hộ cho dân làng hưng thịnh... lễ hội còn tổ chức thi cờ hội giữa 17 chư phái tộc. Tiêu chí cờ thi là to, được trang trí đầy đủ, đẹp các loại nông cụ, vật nuôi, hoạt cảnh nhà nông... trên cán cờ hội.

Cuối năm 2010, lần đầu tiên Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức phục dựng lễ hội Mục đồng tại làng Phong Lệ. Truyền thống xưa khơi dậy niềm tự hào nồng nhiệt của cộng đồng từ người già đến con trẻ.

Thạc sĩ Văn Thu Bích, Trưởng phòng Nghiệp vụ Văn hóa, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Đà Nẵng cho rằng: “Lễ hội là nét văn hóa rất riêng, chỉ có ở Đà Nẵng”.

Việt Nam vẫn là đất nước có đến 70% dân số sống ở nông thôn. Việc tôn thờ con trâu, cây lúa nước và nghề nông đã in sâu trong tâm linh của nông dân đất Việt. Cho đến nay chỉ có ở thành phố Đà Nẵng vẫn nguyên vẹn đền thờ Thần Nông cùng với một lễ hội tôn vinh trẻ chăn trâu. Đây là nét đẹp văn hóa rất đáng trân trọng giữ gìn.

Theo VOV News

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất