Thứ Ba, 24/9/2024
Tin hoạt động
Chủ Nhật, 27/12/2015 12:52'(GMT+7)

Đền thờ Tổ Mẫu Âu cơ – Công trình văn hóa ngày một thăng hoa

Lễ hội Tiên giáng mùng 7 tháng Giêng tại đền Tổ Mẫu Âu Cơ

Lễ hội Tiên giáng mùng 7 tháng Giêng tại đền Tổ Mẫu Âu Cơ

Mỗi khi về Đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ, du khách thập phương không chỉ đứng trên con đê sông Hồng để thưởng ngoạn một miền quê với những con đường trải bê tông, với những ngôi nhà mái bằng, nhà cao tầng, ngắm nhìn một dải đất đai màu mỡ ven sông mà còn để được đắm mình trong chốn bồng lai tiên cảnh của Đền Tổ Mẫu Âu Cơ và dâng hương bái vọng ở chính nơi thờ Mẫu mẹ Âu Cơ – Người đã được nhân dân bao đời thờ phụng với những tấm lòng thành kính nhất.

Năm 1991, Đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ đã được Bộ Văn hóa Thông tin cấp bằng công nhận Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Truyền thuyết kể rằng nàng Âu Cơ kết duyên với Lạc Long Quân đẻ ra một bọc trăm trứng nở ra một trăm người con trai. Khi các con khôn lớn, Lạc Long Quân nói với nàng Âu Cơ “Ta là giống rồng, nàng là giống tiên, thủy hỏa khó hợp”, bèn chia 50 người con theo mẹ thì người con đầu lên nối ngôi vua lấy niên hiệu Hùng Vương Thứ nhất, đặt tên nước Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu, truyền 18 đời Vua Hùng trị vì đất nước.

Mẫu Âu Cơ là người mẹ của đất nước Âu Lạc đầu tiên, có tên húy là Căn, tên chữ là nguyệt Tiên. Mẹ đã đưa 49 người con lên trang Hiền Lương để dạy dân trồng lúa nước, trồng dâu nuôi tằm, dệt vải và làm nhiều nghề thủ công mỹ nghệ như: Mây tre đan, đồ mộc, gốm, gạch...Khi trang ấp đã ổn định người để lại cho Đức Ông người con thứ hai, và mẹ lại cùng 48 người con đi đến các vùng đất mới phía Tây Bắc để khai hoang lập ấp. Sau này, mẹ Âu Cơ trở về Hiền Lương, gắn bó suốt phần đời còn lại với nơi này. Ngày 25 tháng Chạp năm Nhâm Thân, mẹ Âu Cơ bay về trời, để lại dưới gốc đa dải yếm lụa. Ở đó, nhân dân đã dựng lên ngôi miếu thờ phụng, đời đời tưởng nhớ Quốc Mẫu.

Ngôi Đền được xây trên một khoảng đất rộng giữa cánh đồng nằm ẩn dưới một gốc đa cổ thụ, mặt quay về hướng chính nam, bên tả có giếng Loan, bên hữu có giếng Phượng, phía trước có núi Giác đẹp như một án thư, sau lưng có sông Hồng uốn khúc như rồng thiêng bao bọc. Xung quanh đền, cây cối xum xuê, bốn mùa hương đưa ngan ngát khiến cho lòng người cảm thấy thư thái đến lạ thường. Ngôi Đền còn có giá trị đặc biệt về nghệ thuật kiến trúc. Xưa kia Đền dựng kiểu 5 gian thờ dọc, mái lợp ngói mũi hài cổ kính. Các cột Đền làm bằng gỗ tứ thiết được sơn son vẽ thếp hình rồng cuốn rất trang nghiêm. Trên các đầu dư đầy bẩy, xà ngang, cốn nách, câu đầu được đục chạm tỉ mỉ hình tứ linh và hoa lá. Gian trong cùng của ngôi Đền tạo dựng một thượng cung thờ cao 2,2m rất bề thế. Trên đặt khám thờ lồng kính 3 mặt, diềm xung quanh cửa khám chạm thủng nhiều lớp theo đề tài tứ quý: “Tùng, cúc, trúc, mai” rất đẹp mắt và mềm mại. Trong lòng khám đặt tượng Mẫu Âu Cơ ngồi uy nghi trên ngai. Đây là pho tượng tròn được tạo tác vào thời Lê, có giá trị cao về nghệ thuật tạo hình và thẩm mỹ. Trong Đền có nhiều di vật quý khác như tượng Đức Ông nhiều long ngai, sập thờ, án gian…được đục chạm tỉ mỉ và tinh tế.

Ngôi đền không rộng lớn, đồ sộ nhưng lại được đánh giá cao về mặt nghệ thuật. Khách tham quan có thể tìm thấy ở đây nhiều di vật như tượng Tổ Mẫu Âu Cơ, tượng Đức Ông Đột Ngột Cao Sơn hay các bức chạm tinh tế trên cửa võng, xà ngang, diềm chung quanh cửa thượng cung. Hiện nay, đền chính có bố cục theo kiểu chữ Đinh với ba gian hậu cung và năm gian đại bái.

Cách Đền Tổ Mẫu Âu Cơ 500m về phía Đông xưa kia có Đình Hiền Lương. Đình thờ Đức Ông Đột Ngột Cao Sơn. Thánh Vương nước Nam Việt thời các Vua Hùng và hai người con là Hùng Trấn Quý Minh và Hùng Trấn Bảo Quốc”Văn võ như thánh thần, hùng trấn uy linh, che chở dân lành, bảo vệ đất nước, giúp rập ngôi báu, ban ơn bố trạch rộng khắp, lấy nhân nghĩa để hòa mục”.

Cách không xa về phía Tây Nam xưa kia là Chùa Hiền Lương, tên chữ là Linh Phúc Tự. Trong chùa có 20 pho tượng cổ và một chuông đồng đề 4 chữ lớn “Linh Phúc Tự Chung” Chùa được xây dựng trên đỉnh gò độc đạo tạo nên khung cảnh thâm nghiêm tĩnh mịch.

Trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, Hiền Lương được xây dựng thành một căn cứ cách mạng lớn nhằm làm bàn đạp cho cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Phú Thọ và Yên Bái. Nhiều cuộc họp quan trọng của chi bộ Đảng đã được tổ chức tại đình, đền và chùa Hiền Lương. Đặc biệt, tháng 5/1945, đội du kích Âu Cơ được chính thức thành lập tại chùa Hiền Lương. Đây là một trong những đơn vị tiền thân của lực lượng vũ trang Phú Thọ sau này, góp phần quan trọng vào công cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Phú Thọ và Yên Bái tháng 8 năm 1945 lịch sử. Cái tên “Âu Cơ” hay “Chiến khu Âu Cơ” ra đời trong thời gian này. Mãi sau khi hòa bình lập lại mới đổi lại là xã Hiền Lương.

Cách cổng chính Đền Tổ Mẫu Âu Cơ 300m về phía Nam là chùa Linh Phúc, chùa được trùng tu tôn tạo năm 2009 trên cơ sở những kiến trúc cổ. Chùa được xây dựng trêm một gò nổi giữa cánh đồng, chùa được xây dựng theo hình chữ Đinh 5 gian Đại bái, 3 gian Tam bảo , trong chùa có 20 pho tượng cổ có giá trị, năm 2009 chùa Linh Phúc được UBND tỉnh Phú Thọ công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Trong khuôn viên chùa còn có nhà Tả mạc, Hữu mạc, chùa Linh Phúc cùng với Đền Tổ Mẫu Âu Cơ tạo thành một quần thể di tích có sức hút đặc biệt với du khách thập phương.

Mẫu mẹ Âu Cơ đã đi vào tâm thức dân gian và trường tồn theo năm tháng, mặc bao biến thiên của lịch sử và dâu bể cuộc đời. Không chỉ là một người phụ nữ xinh đẹp “so hoa hoa biết nói, so ngọc ngọc ngát hương”, tài giỏi, nhân ái, thuần hậu chinh phục được lòng người mà còn là biểu tượng một chí hướng phát triển của cả cộng đồng:  mở mang, khai phá đất đai, dạy dân cấy lúa, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải…

Ngày lễ chính của đền Mẫu Âu Cơ là ngày Tiên giáng mùng 7 tháng Giêng. Dân trong vùng từ lâu đã có câu ca lưu truyền: Mùng bảy trong tiết tháng Giêng, Dân Hiền lễ tế trống chiêng vang trời.... Lễ hội có lễ tế Thành Hoàng ở đình, rước kiệu từ đình vào đền, lễ dâng hương và lễ vật. Lễ vật dâng lên Mẫu không quá cầu kỳ, đều là cỗ chay, ngũ quả, tiền giấy,... Trong đó có một thứ bánh truyền thống của người Hiền Lương, làm từ bột nếp hảo hạng và mật ong, được nhào kỹ thành hình trụ tròn, rồi cắt thành từng đoạn như đốt tre hấp chín. 100 cầu bánh ngọt tượng trưng cho lễ vật của 100 người con dâng lên mẹ.

Các ngày lễ khác trong năm: ngày 11-12 tháng Hai, ngày 12 tháng Ba, ngày 13 tháng Tám, ngày Tiên thăng 25 tháng Chạp. Có lẽ ngôi đền cổ kính nhưng tọa lạc khiêm nhường bên gốc đa mấy trăm năm tuổi đã làm sống dậy trong trái tim du khách niềm tự hào về nòi giống Tiên Rồng và bọc trăm trứng huyền thoại, khiến tình yêu con người được chan hòa, ấm nồng và thân thiết hơn.

Mẫu mẹ Âu Cơ đã bay về trời nhưng phẩm chất đức hạnh của người vẫn còn với thời gian và bất tử trong tâm linh các thế hệ người Việt Nam, Đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ ở xã Hiền Lương là một trong điểm tựa cho sức sống bất tử ấy, để bây giờ cứ đến ngày lễ hội, lớp lớp cháu con như chim phượng hoàng đã tụ về đây để tham quan thưởng ngoạn. Trong khoảnh khắc linh thiêng ấy, hồn người như được thư thái, tĩnh lặng để lắng nghe lời thì thầm của hồn thiêng sông núi. Và như thấy trong bộn bề gian khó, Mẹ Âu Cơ vẫn luôn dang tay che chở, dẫn lối cho giống nòi vượt qua thách thức, giữ cho được vẹn toàn giang sơn gấm vóc. Thời gian qua đi nhưng Đền Tổ Mẫu Âu Cơ – Truyền thống văn hóa của dân tộc vẫn được lưu giữ một cách trọn vẹn và ngày một thăng hoa.

Như Quỳnh
(Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam)

 


Nghi môn Đền Tổ Mẫu Âu Cơ.

 


Lễ Tế nữ tại Đền Tổ Mẫu Âu Cơ 

 

 
Một cảnh trong Lễ hội

 

 
Quang cảnh mặt tiền Đền Tổ Mẫu Âu Cơ

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất