(TG)-Nạn tham nhũng, tiêu cực đang trở thành nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của chế độ, đất nước. Mặc dù, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra chủ trương, biện pháp quyết liệt để ngăn chặn, đẩy lùi nhưng tham nhũng, tiêu cực vẫn cứ tồn tại và ngày càng biến tướng tinh vi, phức tạp.
Có nhiều nguyên nhân gây ra tham nhũng, tiêu cực nhưng dưới gốc độ bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến vấn nạn doanh nghiệp “sân sau” của quan chức đang là nguyên nhân làm cho tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ngày thêm trầm trọng và gây ra các hậu quả tiêu cực rất lớn cho đất nước.
Theo quy định của pháp luật thì cán bộ, công chức không được thành lập, điều hành hay góp vốn vào các doanh nghiệp, nhất là các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của mình. Tuy nhiên, tình trạng cán bộ, công chức cố tình lách luật để thành lập, góp vốn vào các doanh nghiệp để trục lợi cá nhân, họ thông qua người thân, bạn bè để đứng tên thành lập, góp vốn vào các doanh nghiệp nhằm che mắt cơ quan chức năng là khá phổ biến. Minh chứng là hầu hết các vụ vi phạm pháp luật của các doanh nghiệp đều có sự tiếp tay, bao che, bảo kê với bóng dáng khá đậm nét của các quan chức. Ở bất cứ ngành, địa phương nào dư luận cũng đề cập đến doanh nghiệp của ông nọ, bà kia khá công khai và rất bình thường coi như không có vấn đề gì, nhất là ở các lĩnh vực, ngành nghề có lợi nhuận cao như cát “tặc”, khoáng “tặc” hoặc “xe vua”...
Việc các doanh nghiệp “sân sau” của quan chức vẫn tồn tại, bất chấp quy định pháp luật, dư luận quần chúng nhân dân là điều không thể chấp nhận được đối với nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Khi đó môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng nhất định sẽ bị biến tướng, méo mó, đặc biệt sẽ tạo điều kiện, cơ hội cho nạn tham nhũng, tiêu cực có mảnh đất màu mỡ tồn tại và phát triển. Đây cũng là nguyên nhân làm cho việc thu hút đầu tư trong nước, nước ngoài gặp nhiều khó khăn, lòng tin của người dân, doanh nghiệp đối với các cơ quan nhà nước, hệ thống pháp luật bị giảm sút nghiêm trọng. Do đó, giải quyết vấn nạn doanh nghiệp “sân sau” của quan chức là biện pháp quan trọng nhằm ngăn chặn, đẩy lùi và đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiệu quả. Bởi vì, chỉ có thông qua của doanh nghiệp “sân sau” thì các nhóm lợi ích, cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất mới tham nhũng được những khoản tiền lớn của Nhà nước và nhân dân mà rất khó bị phát hiện. Vì vậy, dẹp vấn nạn doanh nghiệp “sân sau” sẽ chặt được “vòi”, phương tiện tham nhũng rất quan trọng của các quan chức và các nhóm lợi ích.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần yêu cầu cán bộ, công chức phải kê khai và cam kết không thành lập, cấu kết, sử dụng doanh nghiệp “sân sau” để trục lợi cá nhân, với bất kỳ lý do gì. Trường hợp phát hiện hoặc có thông tin các quan chức có liên quan đến doanh nghiệp “sân sau” thì phải tiến hành điều tra, xác minh, xử lý nghiêm minh, đặc biệt phải thông báo công khai kết quả cho người dân, dư luận báo chí biết, theo dõi, giám sát. Định kỳ cơ quan có thẩm quyền cũng cần tiến hành rà soát và thông báo công khai các trường hợp quan chức có dính dáng đến doanh nghiệp “sân sau” trên các phương tiện thông tin đại chúng để răn đe, phòng ngừa chung, đồng thời giải quyết triệt để vấn nạn doanh nghiêp “sân sau” đang hàng ngày tàn phá, hủy hoại đất nước./.
Vĩnh Linh