"Hiện nay, phần lớn bà con sử dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản để trị bệnh là theo kinh nghiệm mà không tuân theo hướng dẫn của bác sỹ, cán bộ thú y. Việc dùng không đúng kháng sinh, không đúng phác đồ là một vấn đề khó khăn rất lớn trong việc quản lý và sử dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi. Đặc biệt, tình trạng kháng kháng sinh hiện nay trên cả vật nuôi và người đã đến mức báo động."
Đó là nhấn mạnh của ông Đàm Xuân Thành - Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) tại Hội nghị "Quản lý, sử dụng kháng sinh vì nền nông nghiệp sạch, phát triển bền vững" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Báo Dân trí tổ chức vào sáng nay (12/1), tại Hà Nội.
"Thảm họa" kháng thuốc kháng sinh
Ông Lê Anh Ngọc, Phó Trưởng phòng phụ trách phòng Quản lý chất lượng Thủy sản (Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm và Thủy sản-NAFIQAD) cũng cho hay, việc sử dụng chất cấm, lạm dụng thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản sẽ dẫn đến khả năng tồn dư hoá chất, kháng sinh trong thủy sản nuôi cao.
“Dư lượng hoá chất, kháng sinh khi đã tồn lưu trong thủy sản nuôi thì không có phương pháp nào để loại bỏ được trong quá trình chế biến, bảo quản. Dư lượng hoá chất, kháng sinh tồn lưu trong thủy sản nuôi tùy từng loại sẽ gây hại tức khắc hoặc tích tụ sau một thời gian sử dụng và ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng,” ông Lê Anh Ngọc nói.
Phát biểu tại hội thảo, ông Đỗ Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cũng cho biết, việc sử dụng kháng sinh không đúng cách, không đúng mục đích và chưa được kiểm soát chặt chẽ có thể tạo ra "thảm họa" kháng kháng sinh.
“Sự kháng thuốc kháng sinh là một cuộc khủng hoảng toàn cầu, trong đó thế giới đang đối mặt với kỷ nguyên hậu kháng sinh - khi mà những bệnh rất bình thường cũng có thể gây tử vong cho con người,” ông Đông cho hay.
Ngoài ra, theo ông Ngọc về kinh tế, tác hại trước mắt của việc sử dụng chất cấm, lạm dụng thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản làm nhiều lô hàng thủy sản xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam bị cảnh báo do lượng tồn dư và bị trả về, gây thiệt hại kinh tế lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu cũng như uy tín của sản phẩm thủy sản Việt Nam trên trường quốc tế.
Theo số liệu của NAFIQAD, trong năm 2016, thông qua mạng cảnh báo nhanh, cơ quan thẩm quyền của các nước nhập khẩu thủy sản và các kênh ngoại giao khác (Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, Đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam), Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản đã nhận được thông tin cảnh báo về một số lô hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam không bảo đảm an toàn thực phẩm do phát hiện kháng sinh cấm hoặc do dư lượng hóa chất kháng sinh vượt mức giới hạn tối đa cho phép.
Cụ thể, Tổng số lượng lô hàng bị cảnh báo năm 2016 là 40 lô, chiếm 0,03% và đã có chiều hướng giảm so với năm 2015 (70 lô, chiếm 0,07%), trong đó số lô bị cảnh báo gồm Nhật Bản (24 lô), EU (11 lô), Australia (3 lô) và Hàn Quốc (2 lô)…
(Số lô hàng thủy sản bị cảnh báo không đảm bảo an toàn thực phẩm năm 2016)
“Siết chặt đầu vào”
Trước tình hình đó, Phó Cục trưởng Đàm Xuân Thành cũng cho biết, để “dẹp loạn” kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cần phải siết chặt khâu nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh để sử dụng làm thuốc thú y, từ đó sẽ hạn chế việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
“Để quản lý nguyên liệu kháng sinh nhập khẩu, hiện nay, việc cấp phép nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh làm thuốc thú y đã được Cục Thú y thực hiện một cách chặt chẽ,” Phó Cục trưởng Đàm Xuân Thành nói.
Cụ thể, trong giấy phép nhập khẩu, Cục Thú y ghi rõ nguyên liệu kháng sinh nhập khẩu chỉ được dùng cho sản xuất thuốc thú y. Đồng thời yêu cầu đơn vị đăng ký nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh báo cáo việc sử dụng, kinh doanh, địa chỉ cơ sở mua nguyên liệu kháng sinh của lô nguyên liệu kháng sinh nhập khẩu lần trước thì khi nộp hồ sơ đăng ký nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh lô hàng tiếp theo mới xem xét giải quyết.
Mặt khác, trong giấy phép nhập khẩu nguyên liệu ghi rõ đơn vị nhập khẩu chỉ được phép kinh doanh, sử dụng nguyên liệu trên để sản xuất các sản phẩm thuốc thú y đã được cấp giấy chứng nhận lưu hành hoặc có tên trong Danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.
Lấy mẫu giám sát lưu hành virus trên đàn gia cầm nhập lậu tại Lạng Sơn. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)
"Đặc biệt, không bán nguyên liệu thuốc thú y cho các cơ sở chưa được cấp phép kinh doanh nguyên liệu làm thuốc thú y, đại lý, cửa hàng buôn bán thuốc thú y để bán cho người dân sử dụng trực tiếp phòng, trị bệnh cho gia súc, gia cầm và thủy sản hoặc bán trực tiếp cho các cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản để sử dụng," ông Thành nói.
Bên cạnh đó, Phó Cục trưởng Đàm Xuân Thành cũng yêu cầu các địa phương cần tăng cường hoạt động tuyên truyền để người dân sử dụng thuốc kháng sinh theo đúng hướng dẫn của bác sỹ thú y. Mặt khác, các đơn vị cơ sơ cũng cần tăng cường công tác thanh tra kiểm tra và các chế tài xử phạt.
“Trong việc sửa đổi Bộ luật hình sự thì những hành vi sử dụng thuốc cấm trong đó có kháng sinh cấm sẽ bị xử lý hình sự, ngoài ra đối với Nghị định xử phạt vi phạm hành chính của Chính phủ đang xây dựng cũng đã nâng mức chế tài xử phạt.
Cụ thể, đối với người chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản nếu sử dụng nguyên liệu thuốc thú y và kháng sinh thì sẽ bị xử phạt rất nặng đồng thời biện pháp khắc phục hậu quả là sẽ tiêu hủy và tạm thời đóng cửa, ngoài ra tất cả các danh tính đó sẽ được công bố trên các phương tiên thông tin đại chúng,” ông Đàm Xuân Thành nhấn mạnh.
Đề xuất tại buổi Hội thảo, ông Lê Anh Ngọc cũng cho rằng, các đơn vị liên quan cần giám sát, cảnh báo sớm dịch bệnh trên trong chăn nuôi, thủy sản để kịp thời khuyến nghị và hướng dẫn người nuôi phòng trị bệnh hiệu quả.
"Đồng thời các đơn vị liên quan cần tăng cường vận động, hướng dẫn người nuôi không sử dụng chất cấm/kháng sinh nguyên liệu, không lạm dụng chất xử lý cải tạo môi trường, sử dụng thuốc thú y theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng liều, đúng lúc, đúng cách) để hướng đến một nền nông nghiệp sạch và phát triển bền vững," ông Ngọc nêu rõ./.
TTX