Thứ Bảy, 23/11/2024
Văn hóa
Thứ Tư, 23/1/2019 15:42'(GMT+7)

Di sản Tết - nguồn tài nguyên cần được chưng cất, gìn giữ

Có thể khẳng định, di sản Tết cổ truyền tích hợp trong không gian, thời gian và hành động mang tính trình diễn, mang tâm thức cộng đồng lớn và mang tầm đặc biệt quan trọng. Bởi nó tồn tại hết sức lâu bền, có thể đến vài ngàn năm Tết đã tồn tại. Đó là con số vô cùng lớn với lịch sử.

Tết cho tất cả mọi người, dù dân tộc nào đều đến được với tất cả mọi người, thậm chí có khi người ta mất quyền con người vẫn được đón nhận Tết cả về vật chất và tinh thần. Di sản Tết nó vượt trội so với nhiều di sản khác. Chỉ có Tết mới có tầm phổ quát cho mọi người, mọi lứa tuổi rộng lớn như thế... Và di sản Tết không ngừng phát triển, nó tích hợp với cộng đồng cư dân.

Tết cổ truyền tích hợp rất nhiều xúc cảm tâm lý của cộng đồng. Đó là thời điểm mà người ta nhớ cội nguồn, sau một năm họ nhìn lại và kỳ vọng những gì tốt đẹp, những gì đã làm được, chưa làm được? Dù vậy nhưng các nhà kinh tế họ vẫn nhìn di sản Tết có sự phí phạm về vật chất và lãng phí thời gian; không thuận lợi về giao thông. Tuy nhiên, góc nhìn ấy chỉ như một lời nhắn gửi, cảnh báo, chứ không phủ định giá trị văn hóa của di sản Tết...

Ngày Tết, lên chùa cầu an là tục lệ đẹp của người dân Việt Nam.

Nhìn dưới góc độ văn hóa thì đây là một di sản văn hóa của dân tộc, cộng đồng cư dân không thể thiếu Tết. Có thể dẫn chứng là Nhật Bản từng theo con đường duy tân, người ta bỏ Tết để nhập vào văn hóa phương Tây để phát triển, nhưng sự phát triển đó luôn hàm chứa những bi kịch và rủi ro. Bây giờ ở Nhật nở rộ phong trào đổi mới muốn tái lập lại Tết cổ truyền của họ...

Không gian nội bộ trong cái Tết có ý nghĩa đặc biệt lớn là đoàn viên, gặp gỡ nhau, trở về gia đình, bà con làng xã; không quên cội nguồn, như ngày xưa Phan Kế Bính bảo là “Bất vong bản” (Không quên cội); trong một chu kỳ thời gian người ta kỷ niệm lại những gì mình đã làm, có những kế hoạch, những kỳ vọng về cuộc sống tốt đẹp hơn. Trong cách ứng xử, lời chúc, trong từng kiêng kỵ, bao giờ chúng ta cũng chú ý đến nó. Nếu có sự tác động nào ảnh hưởng đến Tết thì sự sâu đằm của giá trị truyền thống sẽ mờ nhạt đi. Bởi đối với di sản Tết đã sâu rễ bền gốc.

Về mặt trình diễn, hầu như mọi sinh hoạt dân gian trong ngày Tết đều có thể tích hợp với nhau. Người ta thực hành các nghi lễ ở đình, chùa, cộng đồng, cùng hát xướng, hát văn, chơi các trò chơi dân gian. Chính vì thế, đây được coi là thời điểm mạnh của cộng đồng, trong Tết nó bùng nổ màu sắc, âm thanh, tâm thức trong cộng đồng.

Tuy nhiên, đi kèm với những tích cực, bao giờ cũng gắn liền với những yếu tố tiêu cực như: Một số người quá câu nệ về hình thức, chẳng hạn việc hành hương cội nguồn sẽ dẫn đến lãng phí thời gian, lãng phí tiền bạc, giao thông tắc nghẽn!

Ví dụ như người ta hướng về cội nguồn bằng tâm thức, nhớ đến tổ tiên chỉ thắp hương, “hành hương vọng”. Nhiều người khi tha phương làm ăn sinh sống đều mang bát hương theo, đưa tổ tiên mình “đi” để không quên nguồn cội, nhớ về ông bà tổ tiên, có thể thờ vọng, không nhất thiết phải về quê bằng mọi giá khi điều kiện cả về kinh tế, thời gian của gia đình chưa cho phép. Tập trung đẩy lùi những hạn chế tiêu cực, để những nét tốt đẹp, giá trị của Tết được kết nối, bảo tồn và phát triển.

Thực hành di sản Tết ngày càng hướng đạo đến cái chân thiện mỹ; các thiết chế hướng đến mục tiêu càng ngày càng đẹp đẽ nhân văn hơn, bao giờ cũng hướng đạo được, quản lý được những hoạt động văn hóa. Một số ý kiến cho rằng, trong thực hành các nghi lễ “của dân, thì để dân làm” đó là điều không đúng!

Bởi trong nội hàm của một nghi lễ bao giờ cũng tồn tại 3 thành tố cơ bản đó là: Tính chuyên nghiệp, văn hóa tinh hoa và văn hóa cộng đồng, chúng ta có trách nhiệm kết nối văn hóa tinh hoa và văn hóa cộng đồng để mang đến một nghi lễ, hay một lễ hội thành công đúng nghĩa của nó.

Hiện nay, chúng ta chưa quan tâm đến khâu kết nối. Ví dụ như thực hành một nghi lễ, phần lớn do một nhóm người, hoặc một hạt nhân trong làng thực hành, chưa có sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học... nên nó dẫn đến có những hình ảnh phản cảm, ghê rợn đến chính chủ thể của nghi lễ. Trong tổ chức các nghi lễ, lễ hội chưa tốt, còn có sự buông lỏng về khai thác, tận dụng chất xám của các nhà chuyên nghiệp, còn để phát triển theo tự nhiên.

Chúng ta có nhiều trò diễn được bảo lưu từ 200-300 năm, nếu có một bàn tay chuyên nghiệp và sự đầu tư mang tính chuyên nghiệp cao thì những trò diễn đó được nâng giá trị lên rất nhiều và còn bảo đảm được giá trị truyền thống. Ví dụ nhỏ như lễ hội chém lợn, một lễ hội tự nhiên, phản cảm và không đúng cổ truyền. Thay vào đó có sự chung tay của các chuyên gia, biến lễ hội đó có vũ đạo, có âm nhạc, ánh sáng, tư duy hình tượng của nghệ thuật sẽ thành một lễ hội đẹp đẽ, mang tính biểu tượng thì lễ hội hoàn toàn khác nhau. Làm được như vậy, nó vừa giảm thiểu được sự phản cảm, gia tăng tính nghệ thuật của trò diễn...

Con cháu đoàn viên bên nồi bánh chưng ngày Tết là nét đẹp trong phong tục đón Tết của người Việt.

Phải có ý thức với tài nguyên văn hóa dân gian nói chung và di sản Tết cổ truyền để chưng cất, tôi luyện và phát triển tài nguyên, coi tài nguyên đó thành những hành động cụ thể. Có như vậy vừa phục vụ được nhu cầu văn hóa của một cộng đồng cư dân rất lớn, vừa phô diễn được với các dân tộc trên thế giới.

Ngày Tết cũng cần có được niềm hạnh phúc tự do, không quá nặng nề về hình thức. Hãy làm đúng năng lực thì có được tự do, hạn chế chạy theo phong trào! Ví dụ, gia đình này có chai rượu Tây, hàng xóm không nhất thiết phải mua cho bằng được chai rượu Tây, mà thực hành nghi lễ trong điều kiện của mình.

Trong kỳ nghỉ Tết còn kéo dài, vênh với thời gian làm việc của thế giới, khi mà thế giới đang làm thì ta nghỉ và ngược lại... Những nảy sinh ấy, mỗi chúng ta cần thu xếp theo điều kiện của mình, để “cân bằng” được những ngày thực hành di sản Tết được đoàn viên, yên vui, hạnh phúc.

Trong công tác chuẩn bị Tết, rất nhiều gia đình đã chú trọng đến tính cổ truyền, từng cá nhân trong gia đình đều tham gia, nếu có sự tham gia của tất cả mọi người sẽ có giá trị hơn nhiều, so với việc ra chợ, đi siêu thị mang thực phẩm về!

Các thành viên trong gia đình nuôi con gà, con lợn, học cách làm mứt, làm bánh, nấu một vò rượu; để dành quả cam, quả bưởi, buồng chuối ngoài vườn... Mọi người cùng cố gắng tạo nên sản phẩm của chính mình để đón khách, nó vừa mang ý nghĩa tốt đẹp, tăng cường sự kết nối giữa mỗi thành viên trong gia đình.

Các thành viên gia đình, trong làng xã, khu phố tập trung quét dọn nhà cửa, vệ sinh đường làng ngõ xóm. Làm được những việc đó, mỗi thành viên sẽ cảm nhận được giá trị của ngày đoàn viên, ấm áp và niềm lạc quan bên mùa xuân tươi đẹp./.

Nguyễn Hùng Vĩ (Văn nghệ Công an)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất