Thứ Bảy, 23/11/2024
Văn hóa
Chủ Nhật, 25/11/2018 15:14'(GMT+7)

Di sản văn hóa Ninh Bình trong lịch sử dân tộc

Thảm thực vật xanh ở Tràng an. Ảnh: Đức Lam

Thảm thực vật xanh ở Tràng an. Ảnh: Đức Lam

Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, Ninh Bình thời nào cũng để lại những dấu ấn lịch sử sâu đậm. Hiện vùng đất Ninh Bình còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo trong hệ thống di sản văn hóa quý giá của dân tộc Việt Nam và nhân loại.

Những di tích cổ sinh và di tích người Tiền sử

Là phần kéo dài và phân tán về phía Đông của dãy núi đá vôi đồ sộ phía Tây Bắc của tổ quốc, trải qua nhiều thời kỳ bị nâng lên, hạ xuống, bị uốn nếp, bào mòn dẫn đến những dãy đá vôi ở Ninh Bình có dạng địa hình hết sức đa dạng với hàng loạt các hệ thống thung lũng, hố sụt, hang động cạn và hang động nước. 

Và đặc biệt hơn nữa, hầu hết những dãy núi đá vôi ở Ninh Bình đều chịu sự xâm lấn và biến cải nhiều lần bởi biển trong giai đoạn Pleistocene sang giai đoạn Holocene. Ninh Bình còn sở hữu địa hình đồng bằng phù sa cổ ở trước núi, địa hình cồn cát, địa hình đồng bằng phù sa mới xen kẽ với những đầm nước... Chính cơ sở lịch sử địa chất lâu dài, đa dạng về địa hình, địa mạo đã làm cho Ninh Bình có một hệ sinh thái hết sức đa dạng. Đây cũng là cơ sở cho sự xuất hiện sớm của loài người trên đất Ninh Bình.

Các nhà khảo cổ học trong nước và quốc tế đã phát hiện được hàng loạt dấu tích của người tiền sử trên đất Ninh Bình có niên đại cách ngày nay từ 30.000 năm đến 4.000 năm. Tại di tích Thung Lang thuộc phường Nam Sơn, thành phố  Tam Điệp, năm 1941  nhà khoa học  người Pháp J. Fromaget khai quật tìm thấy răng gấu tre và 01 hoá thạch răng người vượn (Homo eretus). Các học giả Việt Nam có quay lại địa điểm này tìm thấy hài cốt người và cho rằng là di cốt người tinh khôn (Homo Sapeins Sapiens).

Còn trong lòng Quần thể danh thắng Tràng An, các nhà khoa học đã phát hiện và nghiên cứu trên 30 di tích khảo cổ học thời tiền sử. Sự phân bố của các di tích này hết sức đa dạng, có những nhóm di tích ở trên các hang động, mái đá ở độ cao từ 70m đến 145m so với mực nước biển, có những nhóm di tích ở dưới độ thấp 9m đến 10m và có những nhóm di tích trên cồn cát chỉ cao khoảng 4m đến 5m. 

Có thể nói Tràng An là kho tư liệu đầy đủ, phong phú và nguyên vẹn cho chúng ta nghiên cứu về nhân loại thời tiền sử. Kho tư liệu này cũng đã hé mở cho chúng ta biết về cách con người thời tiền sử di cư như thế nào, sống và khai thác nguồn thức ăn như thế nào, thích ứng trước những biến đổi lớn về môi trường ra sao…

Vùng đất Hoa Lư Kinh đô nước Đại Việt thế kỷ X

Thế kỷ X là một cái mốc rất quan trọng của lịch sử Việt Nam. Đó là thế kỷ bản lề, khép lại thời kỳ ngàn năm Bắc thuộc và mở ra thời đại độc lập dân tộc. ở vào thế kỷ 10, vùng đất Hoa Lư được người dân nước Việt, được vua Đinh Tiên Hoàng chọn làm nơi xây dựng kinh đô. Kinh đô Hoa Lư - một kinh đô có không gian giao thoa về tự nhiên và văn hóa xã hội, có vai trò lớn lao trong lịch sử dân tộc, biểu trưng cho tinh thần bất khuất, tự lực, tự cường và thống nhất quốc gia, một mốc son chói lọi trong lịch sử Việt Nam

Năm 1982, tại hội nghị, hội thảo về “Lịch sử thế kỷ X”, giáo sư Trần Quốc Vượng có nói: “Không gian Hoa Lư” là bản lề, quá độ, trung gian giữa Giao và ái, giữa sông Hồng và sông Mã, Mường và Việt, rừng núi và đồng bằng, giữa An Nam Tống Bình và Đại Việt Thăng Long giữa thế kỷ IX và thế kỷ XI. “Lịch sử phải đi qua Hoa Lư”, kinh đô Hoa Lư hình thành trong điều kiện lợi thế về địa - chính trị, địa - chiến lược.       

Kinh đô Hoa Lư tồn tại 42 năm, qua các triều đại nhà Đinh (968-979), triều đại nhà Lê (980-1009) và đầu nhà Lý, hình thành trên cơ sở chấm dứt tình trạng cát cứ để tạo ra một quốc gia độc lập, thống nhất về mặt chính trị. Nó tạo tiền đề cho sự phục hưng, mở ra nền văn hiến Đại Việt liên tục phát triển tiếp theo đến các triều đại Lý - Trần - Lê - Nguyễn và là tiền thân của nước Việt Nam ngày nay và có một ý nghĩa vô cùng quan trọng trong tiến trình lịch sử của Việt Nam. Di sản văn hóa còn lại ngoài những dấu ấn vật chất, dấu tích tường thành, cung điện còn là kinh nghiệm tổ chức hành chính (chính quyền trung ương tập quyền), kinh nghiệm ngoại giao của dân tộc, những dòng thơ ca…

Trong Khu di tích cố đô Hoa Lư và vùng phụ cận còn có sự hiện diện hàng trăm ngôi đền, chùa, miếu, phủ…Các công trình kiến trúc tôn giáo và tín ngưỡng hiện hữu trong các hang động, mái đá hay bên sườn núi, đều đồng điệu cùng thiên nhiên và có kiến trúc mang tính kỹ thuật cao được xây dựng ở những thời điểm khác nhau. 

Trong số các di tích trên nổi bật là 2 ngôi đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành trên địa bàn của Kinh đô Hoa Lư xưa, với lối kiến trúc gỗ ở thế kỷ XVII mang đậm tính dân gian, trong đó có những đồ tế khí như sập long sàng bằng đá, nghê đá có tính mỹ thuật đạt đến trình độ cao ở thế kỷ XVII. Bên cạnh đó còn có đền thờ công chúa Phất Kim, thờ con gái vua Đinh, chùa Nhất Trụ nổi tiếng với cột đá khắc kinh phật ở thế kỷ X.

Cùng với những di sản văn hóa vật thể ấy là những di sản văn hóa phi vật thể như lễ hội  Hoa Lư với tích cờ lau tập trận, lễ rước nước… hay tín ngưỡng thờ thần núi, tín ngưỡng thờ Mẫu cùng các tín ngưỡng tôn giáo khác gắn với các địa danh huyền thoại. Những di sản văn hóa phi vật thể ấy đã song song tồn tại hàng ngàn năm ở những làng quê - làng nghề bên những công trình di tích lịch sử, là phần hồn văn hóa dân tộc Việt.

Bên cạnh dấu ấn người tiền sử hay vùng đất Hoa Lư Kinh đô, không thể không kể đến các di sản văn hóa trong thời Lý – Trần rồi khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi; địa bàn phân tranh thời kỳ Nam-Bắc triều, nơi hội tụ những tướng tài; địa thế vua Quang Trung xây dựng phòng tuyến Tam Điệp làm bàn đạp đánh đuổi 29 vạn quân Thanh và sau này là hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế Quốc Mỹ giành độc lập, thống nhất dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Có thể khẳng định, đi suốt chiều dài lịch sử dân tộc, điểm lại những di sản văn hóa trên đất Ninh Bình cho chúng ta thấy một bức tranh di sản của ông cha đa sắc màu, sâu lắng hồn sông núi. Dấu tích thành quách xưa cùng hàng ngàn công trình kiến trúc, di vật, di văn bia đá vẫn đang thi gan cùng tuế nguyệt. Những di tích, di vật ấy đang được bảo tồn và phát huy giá trị. 

Những tên làng đậm chất Mường-Việt (Me, Mí, Mèn, Mát, ác, Láo…) và trong không gian làng còn đang bảo tồn lối hát đối Rằng thường bên cạnh các làng vùng đồng bằng có hát chèo, hát xẩm, hát ả đào…. Những tên thung (Ui, Bói, Bim...), tên áng (Đại, Lấm, Sơn, Ngũ…), tên lòng (Kháo, Trò, Bong) thể hiện cả một quá trình đi mở đất trong không gian núi đồi, thung lũng và vùng đồng bằng trước núi. 

Cùng với đó là sự hội tụ và lan tỏa của các dòng họ trong quá trình đi mở đất lập làng, di dân, di thần để lại biết bao những dấu ấn vật chất, phong tục, tập quán và văn hóa ẩm thực…Và đây cũng là không gian để Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo, Công giáo sớm thâm nhập, tín ngưỡng thờ Mẫu (Mẫu Liễu), thờ Cha (Trần Hưng Đạo) phát triển mạnh mẽ.

Từ cái nôi di sản văn hóa sâu đậm trong dòng chảy lịch sử dân tộc, con em Ninh Bình ngày nay đã và đang phát huy truyền thống của ông cha, cùng với nhân dân cả nước giữ vững độc lập dân tộc tích cực hội nhập quốc tế, đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Di sản văn hóa Ninh Bình cần được tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa đối với di sản văn hóa phi vật thể, đưa các lễ hội thực sự trở về với cộng đồng. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Ninh bình cần có một nguồn nhân lực tốt, một công trình văn hóa Bảo tàng xứng tầm, cần liên kết chặt chẽ hơn giữa bảo tàng và di tích, gắn kết hơn nữa trong phát triển du lịch, trong xu thế toàn cầu hóa.

Nguyễn Lựu

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất