(TG)- Nền tảng cốt lõi mang ý nghĩa quyết định nhất của văn hóa doanh nghiệp EVN là “Vì con người”, trong đó, việc tạo môi trường làm việc an toàn, đảm bảo vệ sinh lao động để bảo vệ người lao động an tâm sản xuất là một trong những mục tiêu hàng đầu của doanh nghiệp. Vì vậy, xây dựng “Văn hóa an toàn lao động” là một ý tưởng mới mẽ trong hệ thống doanh nghiệp của EVN. Đây sẽ là một chương trình hành động thể hiện ý chí mạnh mẽ của lãnh đạo và toàn thể công nhân viên chức lao động trong EVN nhằm nỗ lực thực thi bảo đảm an toàn lao động.
“Văn hóa an toàn lao động” không phải là một khái niệm mới xuất hiện. Theo tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã đưa ra khái niệm: “Văn hoá an toàn tại nơi làm việc là văn hoá trong đó quyền có một môi trường làm việc an toàn và vệ sinh của người lao động được tất cả các cấp tôn trọng. Chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động đều tham gia tích cực vào việc đảm bảo môi trường làm việc an toàn và vệ sinh thông qua hệ thống các quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ được xác định. Trong đó, nguyên tắc phòng ngừa được đặt vào vị trí ưu tiên hàng đầu".
Cụ thể hơn, văn hoá an toàn lao động trong doanh nghiệp bao gồm thái độ, suy nghĩ, cách thức hành vi của mỗi cá nhân, đơn vị và nhóm người hướng tới đảm bảo an toàn tại nơi làm việc. Văn hoá an toàn lao động là một bộ phận của văn hoá doanh nghiệp, là toàn bộ các giá trị và tiêu chuẩn hành vi của con người về an toàn trong lao động. Như vậy, việc đảm bảo an toàn trong lao động trở thành trách nhiệm và ý thức tự giác, thường nhật của mọi người, trở thành văn hoá ứng xử trong lao động ở doanh nghiệp.
Điều lý thú mà mọi người mong muốn là, mọi hành vi ứng xử của người lao động tại nơi làm việc sẽ nhằm mục tiêu đảm bảo an toàn nhưng không mang tính tự phát, không chỉ bị “cưỡng chế", điều chỉnh bằng các tiêu chuẩn và quy chế an toàn có tính chất bắt buộc (các quy định, quy chế, luật pháp…) mà quan trọng hơn là sự tự điều chỉnh một cách tự động (tự giác). Có như thế, môi trường làm việc của người lao động trong doanh nghiệp, nhất là tại nơi làm việc khi đó đạt mức độ an toàn tuyệt đối và lý tưởng nhất. Về thực chất đó là sự bảo hiểm trong việc phòng ngừa, loại trừ và khắc phục các tai nạn rủi ro có thể xảy ra trong lao động.
Văn hóa an toàn tại nơi làm việc đặc biệt có ý nghĩa khi người công nhân làm việc ở những nơi có nguy cơ cao về mất an toàn trong lao động do tính chất lao động và đặc điểm của sản phẩm, kỹ thuật và công nghệ áp dụng… Điều đó đặc biệt đúng với ngành điện là một ngành mà nghề nghiệp của người lao động được định nghĩa là quản lý nguồn nguy hiểm cao độ - điện. Mội trường công tác nguy hiểm đòi hỏi phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình an toàn để tránh xảy ra tai nạn lao động.
Nội dung xây dựng văn hóa an toàn lao động rất phong phú, bao gồm tổng thể các giải pháp xây dựng các tiêu chuẩn, giá trị, hành vi ứng xử văn hóa trong lao động; tuyên truyền và nâng cao nhận thức của người lao động từ việc chấp hành nghiêm quy trình an toàn lao động, vệ sinh lao động tiến đến thành ý thức tự giác; xây dựng tinh thần hợp tác tập thể với tình đồng nghiệp thân ái, hỗ trợ lẫn nhau trong công việc, bảo vệ lẫn nhau phòng chống tai nạn lao động; tạo một môi trường lao động thuận lợi, an toàn, hướng đến phát triển các giá trị cao đẹp của người lao động và hạnh phúc trong công tác, cuộc sống.
Xây dựng văn hóa an toàn lao động muốn đạt hiệu quả đòi hỏi phải có quyết tâm cao của không những từ cấp lãnh đạo mà còn phải từ tập thể người lao động trong doanh nghiệp. Chương trình triển khai phải được thực hiện có kế hoạch, đồng bộ ở tất cả các cấp, nhất là cấp cơ sở và người công nhân trực tiếp. Đây là một công tác lâu dài, không thể một ngày một bữa có thể xây dựng được một nền văn hóa nền nếp như mong muốn, nên tập thể người lao động phải kiên trì thực hiện, không “đánh trống bỏ dùi” theo kiểu “phát động phong trào”.
Văn hóa an toàn lao động, cụ thể hơn, “An toàn điện”, không chỉ gói gọn trong ngành điện mà còn mở rộng ra toàn xã hội. An toàn điện, từ lâu luôn được sự quan tâm của lãnh đạo, các ban ngành, đoàn thể và nhân dân địa phương bởi điện năng là phần thiết yếu trong cuộc sống, lao động sản xuất, sinh hoạt, phát triển kinh tế xã hội. Do đó, xây dựng văn hóa an toàn điện sẽ là sợi dây liên kết công đồng cùng hướng tới mục tiêu sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, vì lợi ích chung của toàn xã hội, trong đó các cá nhân là thành viên.
Tại Lễ phát động “Tuần lễ quốc gia về An toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ” tổ chức ngày 08/5/2018 ở Thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng, đồng chí Lê Thành Trí, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh: “… Sở Công Thường cùng các ban ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương phải có trách nhiệm phối hợp ngành điện trong việc tuyên truyền nhân dân sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, giám sát hoạt động Điện lực, chống vi phạm sử dụng điện. Chúng ta phải quyết tâm tạo ý thức chung cùng thực hiện mục tiêu đảm bảo an toàn điện, phòng chống và đẩy lùi tai nạn điện ngoài dân…”. Những năm qua, tại Sóc Trăng đã dần từng bước xây dựng văn hóa an toàn điện trong cộng đồng, với nhiều hoạt động phong phú, hiệu quả. Việc lồng ghép nội dung tuyên truyền an toàn điện trong các hội thi, các dịp sinh hoạt lễ hội văn hóa Khmer… thể hiện sự kết hợp khéo léo hòa huyện trong nền văn hóa đặc sắc của dân tộc.
Hội nghị Công đoàn trong công tác an toàn vệ sinh lao động do Công đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức ngày 22-23/6/2018 tại Đà Nẵng, đã nhấn mạnh giải pháp: “Ban chấp hành Công đoàn cơ sở phải thường xuyên phối hợp với chuyên môn để tổ chức cho người lao động tham gia hoạt động cải thiện điều kiện lao động, xây dựng văn hóa an toàn lao động tại nơi làm việc.”
Có thể nói, văn hóa an toàn lao động là một mắc xích quan trọng không thể thiếu được trong toàn bộ chuỗi mắc xích văn hóa doanh nghiệp EVN, trở thành những giá trị nhân bản và không ngừng hoàn thiện, kết tinh lại thành giá trị văn hoá của người lao động được tôn vinh tại EVN.
Minh Châu - PC Sóc Trăng