Khoảng 5 năm trở lại đây, những người dân sinh sống ở đôi bờ sông Hồng đoạn qua TP.Lào Cai phải sống chung với sự ô nhiễm của dòng sông huyền thoại. Màu hồng đặc thù của con sông đang dần bị “biến sắc”, nhợt nhạt. Nguồn lợi thủy sản bị hủy diệt, sức khoẻ bị đe dọa, nhiều người hoang mang...
Hủy diệt nguồn sống dân chài
Theo sự chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi tìm lên vùng thượng nguồn sông Hồng, đoạn từ cửa khẩu Hà Khẩu của Trung Quốc chảy sang Việt Nam. Vào thời điểm này, nước sông Hồng trong xanh lạ thường. Dưới cái màu xanh tưởng chừng thơ mộng ấy lại đang chất chứa đầy chất thải. Dòng sông cuộn chảy không còn mang theo những hạt phù sa màu mỡ mà đang oằn mình vận chuyển chất thải đổ về từ bên kia biên giới.
Anh Hoàng Ngọc Thành, ở tổ 2, phường Cốc Lếu sinh sống bên dòng sông Hồng đã mấy chục năm nay. Trước đây ngày ngày anh dong con thuyền ra giữa dòng, quăng vài mẻ lưới có thể kiếm được cả chục kg cá đủ các loại, từ cá ngạnh, trê, vược... xách lên chợ Cốc Lếu bán cũng kiếm đủ tiền nuôi vợ, con. Nhưng đó là câu chuyện của chục năm trước.
Bây giờ anh vẫn hằng ngày dong thuyền ra giữa dòng sông Hồng đi đánh cá. Nhưng thay vào những mẻ lưới nặng trĩu cá tôm là hàng tá tớp (theo người dân đó là chất thải của một nhà máy sắn nào đó từ bên kia biên giới). Từ khi loại chất thải này xuất hiện, lượng cá, tôm giảm hẳn. Đến nay thậm chí quăng hàng chục mẻ lưới cũng không được con cá nào. Mất nguồn sống, những người dân sống bằng nghề chài lưới đành bỏ nghề. Người thì lên bờ làm thợ hồ, người thì cho thuê thuyền vận chuyển hàng hóa... hàng ngày chỉ mong sao kiếm đủ tiền trang trải cho cuộc sống vốn đã vạn bề khó khăn.
Mùi lạ có từ 5 năm trước?
Không những hủy diệt nguồn lợi thủy sản trên dòng sông Hồng huyền thoại, loại chất thải này còn đang từng ngày “rỉa” dần sức khoẻ của người dân. Anh Hoàng Ngọc Anh 43 tuổi (tổ 3 phường Cốc Lếu) bức xúc nói: Loại chất thải gây ô nhiễm rất nhầy nhụa, có mùi thối khó chịu. Những đợt mùi nặng khi ngửi thì thấy tức ngực, khó thở.
Vào mùa cạn, nước sông rút đi để lại lớp chất thải lắng đọng hai bên bờ, chúng tụ lại và đóng thành váng và tiếp tục bốc mùi. Những chỗ có vũng nước tù đọng thì nước màu đen ngòm. Hiện tượng mùi lạ này đã có cách đây hơn 5 năm. Những năm trước mùi vẫn còn nhẹ, nhưng sang năm nay tình trạng này trở nên hết sức tồi tệ khiến người dân không thể chịu nổi.
|
Chất thải đóng váng có màu đỏ |
Từ ngã ba sông
Chúng tôi đã đi dọc sông Hồng đoạn từ dưới Bắc Hà, Văn Bàn (Lào Cai) rồi ngược lên đoạn thượng nguồn sông Hồng giáp danh với huyện Côn Minh - Trung Quốc. Nhưng chỉ phát hiện mùi xú uế xuất hiện ở ngã ba sông, đoạn từ sông Nậm Thi đổ ra sông Hồng. Còn ngược lên trên, vẫn là dòng sông nhỏ hẹp, dòng chảy lững lờ trôi. Có người cho rằng, chất thải xuất hiện là do từ trên thượng nguồn dòng Nậm Thi đổ ra.
|
Nguồn nước cạn kiệt, chất thải nằm lại |
Theo sự hướng dẫn của người dân địa phương, chúng tôi ngược sông Nậm Thi khoảng 20km, nhưng thật khó có thể phát hiện được các nhà máy sản xuất thải chất thải từ vị trí nào bởi nơi đây được bao quanh bởi các dãy cây bạt ngàn.
Những người dân sống ven bờ Nậm Thi thì nói rằng, dòng sông này chảy qua đây bao năm vẫn vậy, chẳng có sự thay đổi nào, cũng không thấy xuất hiện mùi hôi thối. Như vậy, có thể khoanh vùng điểm bắt đầu của sự ô nhiễm là khu vực ngã ba sông Hồng và sông Nậm Thi. Còn để đưa ra và khẳng định “thủ phạm” gây nên sự ô nhiễm đoạn sông này xin dành cho ngành môi trường kiểm tra.
Nước sông đổi màu kỳ lạ
Trao đổi với chúng tôi sáng 21/2, ông Nguyễn Mạnh Hổ, giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn Lào Cai cho biết: Tôi vừa cùng anh em thuyền trên sông Hồng để khảo sát từng khu vực. Nhiều khúc sông nước cạn tàu thuyền không lưu thông được. Lưu lượng nước sông Hồng chảy qua địa phận tỉnh Lào Cai hiện giảm hơn so với mọi năm, nhưng mực nước lại khá cao do đáy sông bồi lên, hai bên sông bị sạt lở, dòng phù sa bồi đắp nhiều. Yếu tố con người tác động cũng không nhỏ như san lấp, hút cát làm thay đổi dòng chảy và kè bờ gây cho dòng sông bị thu hẹp lại, ô nhiễm.
Về việc dòng sông Hồng đoạn chảy qua phường Cốc Lếu nước không còn màu hồng như mọi năm, ông Hổ khẳng định: Chúng tôi chưa thấy màu năm nào lại lạ như năm nay. Hiện tượng khác lạ này thay đổi bất thường lúc thì nước màu xanh, có lúc lại đen ngòm mang theo những mùi hôi thối, tanh nồng bốc lên.
Hiện nồng độ pH của sông Hồng chảy qua phường Cốc Lếu do Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn Lào Cai đo được ở mức cao nhất 7,3, trong khi đó mức chuẩn cho phép chỉ từ 3 - 4. Như vậy, nguồn nước nơi đây đã bị ô nhiễm. Nói về nguyên nhân dẫn đến hiện tượng bất thường trên, ông Hổ nhận định: Dòng nước sông Hồng chảy qua phường Cốc Lếu là sự tích tụ từ các chất thải từ các nhà máy sản xuất, rác thải sinh hoạt của người dân lâu ngày chứ không phải tự dưng mà có. Tại chân cầu Cốc Lếu có cây cầu đang xây dựng dở, có thể lượng sắt thép ngâm dưới nước lâu ngày bị hoen gỉ tích tụ lại tạo nên những váng nước màu vàng và đọng lại trên rìa bờ sông.
Theo ông Hổ thì trên mạn sông Hồng phía thượng nguồn có rất nhiều nhà máy sản xuất sắn của Trung Quốc xây dựng bên dòng sông. Tuy nhiên, để khẳng định thủ phạm đang “giết chết” dòng sông huyền thoại này thật khó có cơ sở, nhưng cũng có khả năng những khu chế xuất này là tác nhân gây nên sự thay đổi màu sắc và tạo nên mùi hôi thối của dòng sông Hồng.
|
Lưu lượng nước giảm nhất trong năm |
Bà Nông Bích Thủy, Chi cục trưởng Chi cục Môi trường tỉnh Lào Cai cho biết: Trước đây chưa có hiện tượng như vậy. Mùi hôi thối bốc lên là do nước sông cạn kiệt, chất hữu cơ phân hủy trong bùn đất bên rìa sông bốc lên, chứ không phải hôi tanh từ nước sông. Thêm vào đó là mùi rác rưởi do người dân sinh sống trong khu vực phường Cốc Lếu thải ra và của chất thải từ công trường xây dựng bên cầu Cốc Lếu. Chưa thể khẳng định rằng do ô nhiễm nguồn nước mà cá bị hủy diệt, mà có thể dòng nước cạn kiệt các loài cá phải di chuyển xuống vùng sâu hơn để sinh sống.
Ngày 22/2, Đoàn kiểm tra của Sở Tài nguyên & Môi trường Lào Cai đã lấy mẫu nước sông Hồng đoạn "biến sắc, bốc mùi hôi thối" để làm xét nghiệm, tìm xem nguyên nhân của việc biến sắc đã nêu là do đâu./.
(Theo: Lợi Dương/KH&ĐS)