Thứ Sáu, 20/9/2024
Đời sống
Thứ Năm, 6/3/2014 21:56'(GMT+7)

Dịch cúm gia cầm tiềm ẩn nguy cơ bùng phát mạnh

Sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc - nguy cơ rình rập

Chợ Thạch Bích, xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai (Hà Nội) nằm ven Quốc lộ 21B. Trong khu vực chợ có khoảng 5 - 6 đại lý buôn bán gia cầm sống, chủ yếu là gà, ngan, vịt. Hầu hết các đại lý này đều nhốt gia cầm ngay vệ đường và giết mổ tại chỗ nếu khách có nhu cầu. Dù đã được rắc vôi bột khử trùng nhưng khu vực giết mổ của các đại lý còn vương vãi lông, tiết ngan, gà, vịt. Nước rửa trong quá trình giết mổ tràn cả ra đường. Ông  Bùi  Văn Tuấn, chủ một đại lý bán gà, vịt tại chợ, cho biết: "Mặc dù đang có dịch cúm gia cầm ở các địa phương, thế nhưng nhiều khách hàng mua ngan, vịt vẫn dặn hãm tiết để về làm món tiết canh. Thậm chí, vẫn có người có vịt, ngan ốm mang ra nhờ bán hộ nhưng tôi không dám nhận vì nhiều  khách muốn ăn tiết canh".

Buôn bán gia cầm tại chợ Hà Vĩ, huyện Thường Tín, TP Hà Nội.

Tương tự, chợ Chúc Sơn ở thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) có khoảng chục hộ chuyên bán gia cầm nhưng không được quy hoạch lại một khu mà xen lẫn giữa những gian hàng khác như rau, đồ khô. Một vài hộ kinh doanh cũng giết mổ tại chỗ cho khách mua. Lông vịt, gà được thu tạm vào một góc gian hàng khá bừa bộn. Một số người bán, giết mổ không dùng đồ bảo hộ như găng tay, khẩu trang. Đáng lo ngại, tình trạng một số lái buôn lấy gà từ khắp các nơi như Bắc Giang, Lạng Sơn, Hòa Bình, thậm chí là gà nhập lậu về bán trong khu vực chợ với giá rất rẻ. Đây có thể là nguồn lây lan dịch cúm gia cầm nếu không được kiểm soát chặt.

Không chỉ có các chợ vùng ngoại thành, ở các chợ trong nội thành Hà Nội, tình trạng bán gà, vịt giết mổ tại chỗ cũng diễn ra phổ biến, nhất là tại các chợ cóc, chợ tạm trên các tuyến phố. Ông Văn Đăng Kỳ, Trưởng phòng Dịch tễ, Cục Thú y cảnh báo: "Những người bị nhiễm cúm chúng tôi theo dõi được nguyên nhân là do họ ăn gia cầm mắc bệnh, chết không rõ nguyên nhân,  ăn tiết canh, đặc biệt là tiết canh vịt. Do đó, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu được tác hại của việc sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc, đặc biệt là việc ăn tiết canh khi đang có dịch xảy ra".

Tỷ lệ lưu hành vi-rút trên đàn gia cầm cao

Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y cho biết, qua giám sát tại 147 chợ buôn bán gia cầm sống tại 44 tỉnh, thành phố, tỷ lệ mẫu vịt dương tính với H5N1 chiếm 6%, tỷ lệ chợ có phát hiện vi-rút cúm A(H5N1) chiếm hơn 61,2%. Chính vì vậy, trong "Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với các chủng vi-rút gia cầm nguy hiểm có khả năng lây sang người" vừa mới ban hành, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu chính quyền các cấp thực hiện giám sát chặt chẽ các chợ đầu mối, điểm thu gom, tập kết gia cầm sống. Trong đó thường xuyên lấy mẫu giám sát và đóng cửa chợ định kỳ để tiến hành vệ sinh, tiêu độc khử trùng, bố trí khu vực riêng biệt cho việc buôn bán và giết mổ gia cầm.

Buôn bán gia cầm sống tại chợ Thạch Bích, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội.

Hiện nay, bước đầu một số chợ đầu mối lớn trên địa bàn thành phố đã bắt tay thực hiện nghiêm việc này. Ông Lê Xuân Viết, Trưởng Ban quản lý chợ Hà Vỹ (Thường Tín) cho biết, mỗi ngày lượng gia cầm vào chợ khoảng từ 30  đến  40 tấn. Tất cả đều được kiểm soát chặt chẽ, những con gà chết do vận chuyển đều được thu gom, tiêu hủy ngay. Đặc biệt, Ban Quản lý chợ tiến hành phun thuốc vệ sinh phòng dịch 2 lần/tuần và đóng cửa chợ 1 lần/tháng để tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng.

Ninh Thuận khẩn trương ngăn chặn dịch cúm A(H5N1) trên đàn yến

Ngày 6-3, ông Châu Thăng Long, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết: Ngày 5-3, UBND tỉnh Ninh Thuận đã công bố dịch cúm gia cầm H5N1 tại thôn Như Bình, xã Phước Thái, huyện Ninh Phước. Nhằm ngăn chặn dịch lây lan từ gà, vịt sang đàn yến, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với các hộ và cơ sở nuôi yến trên địa bàn tổ chức phun thuốc sát trùng, làm vệ sinh nhà nuôi, đồng thời theo dõi chặt chẽ tình hình hình sức khỏe đàn yến, khi phát hiện có yến chết phải báo cáo ngay với các cơ quan chức năng. (Vũ Đình Đông)

Giải thích về thông tin gia cầm ở một số địa phương mặc dù đã tiêm phòng vẫn mắc bệnh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám thẳng thắn nhìn nhận: Hiện nay, có tình trạng một số địa phương không nắm được sự lưu hành của chủng vi-rút, nhất là ở các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có xuất hiện cùng lúc 2 nhánh vi-rút A(H5N1) 1.1 và 2.3.2.1 nhóm C (những năm trước đây khu vực này chỉ có vi-rút nhánh 1.1 lưu hành). Việc sử dụng vắc-xin RE5 chỉ có tác dụng phòng bệnh đối với nhánh vi-rút 1.1. Vì thế, có thông tin phản ánh mặc dù tiêm phòng rồi nhưng gia cầm vẫn chết là do nguyên nhân này. Để khắc phục tình trạng đó, việc lấy mẫu xét nghiệm cần thực hiện đúng quy trình, kỹ thuật để phát hiện, xác định sự lưu hành chính xác chủng vi-rút. Từ đó, việc tiêm phòng ngăn ngừa dịch bệnh mới đạt hiệu quả. Hiện nay, do việc phát hiện dịch chậm cùng với cán bộ thú y cấp cơ sở còn yếu là nguy cơ khiến dịch lây lan. Cùng với đó, kết quả kiểm tra vừa qua, một số địa phương công tác chỉ đạo chưa quyết liệt, để dịch lây lan nhiều, như các tỉnh Trà Vinh, Khánh Hòa, Vĩnh Long...

Để phòng, chống dịch có hiệu quả, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho rằng,  cần đẩy mạnh thực hiện tiêu độc, khử trùng, vệ sinh chuồng trại, đặc biệt là các ổ dịch, đồng thời tăng cường công tác kiểm soát giết mổ, buôn bán gia cầm sống ở các chợ, các ổ dịch, những nơi nuôi nhiều gia cầm. Cùng với đó, ngành thú y cần phối hợp chặt chẽ với ngành y tế tiếp tục tập trung công tác giám sát nhằm phát hiện kịp thời sự lây lan vi-rút cúm A(H5N1), ngăn chặn sự xâm nhập của chủng vi-rút cúm A(H7N9) vào nước ta.

NGUYỄN KIỂM/QĐN
D

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất